Cam Lộ chú trọng phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu dược liệu

Đan Tâm |

Ông TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ trả lời phỏng vấn

- Thưa ông! Những năm gần đây, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được ghi nhận là đã nỗ lực rất lớn trong chỉ đạo sản xuất, kết nối, tiêu thụ, sản phẩm chế biến từ dược liệu và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đề nghị ông phân tích rõ hơn về quá trình mở hướng đi cho cây dược liệu, hành trình “xuất ngoại” những sản phẩm dược liệu thế mạnh của địa phương ra thị trường?

- Cam Lộ là huyện thuộc vùng trung du gò đồi, nằm ở khu vực giữa của tỉnh Quảng Trị; là cửa ngõ phía Bắc và phía Tây của TP. Đông Hà trên trục Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 80% tổng diện tích đất tự nhiên, 2/3 diện tích đất nông nghiệp là vùng gò đồi nên huyện Cam Lộ xác định thế mạnh phát triển là các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp và cây dược liệu.

Chế biến cà gai leo của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân, (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) -Ảnh: Đ.T
Chế biến cà gai leo của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân, (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) -Ảnh: Đ.T


Vượt lên những thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây huyện Cam Lộ đã nỗ lực trong chỉ đạo sản xuất, kết nối, tiêu thụ, sản phẩm chế biến từ dược liệu và đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Sản phẩm chế biến cây chè vằng, cà gai leo, tinh bột nghệ... đã đạt OCOP 3 - 4 sao (có 38 sản phẩm OCOP, chiếm gần 1/3 sản phẩm toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là dược liệu).

Sản phẩm chế biến từ cà gai leo của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân được công nhận sản phẩm tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đang đề nghị trung ương công nhận OCOP 5 sao. Một số sản phẩm chế biến từ dược liệu đã xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Lào, Thái Lan (cao an xoa, cà gai leo, các loại trà thảo dược). Hiện nay, huyện đang liên kết với đối tác từ Nhật Bản để trồng thí điểm một số cây như gừng, kiệu...

Phát huy những kết quả đạt được trong quá trình mở hướng đi cho cây dược liệu, cùng với việc duy trì ổn định diện tích các loại cây trồng ở vùng gò đồi như cao su, hồ tiêu, trồng rừng... huyện đã chủ trương mở rộng diện tích cây dược liệu thay thế các loại cây trồng giá trị kinh tế thấp. Tính đến cuối năm 2023, huyện Cam Lộ đã duy trì ổn định 30 ha cây chè vằng, 17,5 ha cây an xoa, 10 ha cây cà gai leo, 5 ha cây tràm năm gân; đang trồng thử nghiệm cây quế, đàn hương, đinh lăng, ba kích tím, hà thủ ô...để từng bước khẳng định giá trị và nhân rộng.

Để nâng cao giá trị của cây dược liệu, huyện Cam Lộ đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đầu tư máy móc thiết bị chế biến thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm nên đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng gò đồi nắng gió.

Để tiếp tục đưa sản phẩm dược liệu phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, các cơ quan, ban, ngành huyện Cam Lộ tích cực vào cuộc, phối hợp các sở, ngành của tỉnh từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững, mở cánh cửa mới cho hành trình “xuất ngoại” những sản phẩm dược liệu thế mạnh của địa phương trong tương lai.

Tạo nên diện mạo mới trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp của huyện không thể không kể đến những nỗ lực phát triển của các doanh nghiệp, các hợp tác xã đã có sự liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến dược liệu, góp phần quan trọng từ việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh đến nâng vị thế của các sản phẩm cao dược liệu trên thị trường.

UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình sản xuất mới gắn với phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, thúc đẩy sản xuất cây dược liệu phát triển.

Thời gian qua, huyện Cam Lộ đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; trong đó ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức sản xuất và liên doanh, liên kết của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác và các doanh nghiệp trong chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Nghị quyết chuyên đề số 02- NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016- 2020” đã thúc đẩy việc thay đổi căn bản tập quán sản xuất nông nghiệp theo lối tiểu nông sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định; xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, từ đó chú trọng nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích.

Đến nay, các cây trồng chủ lực có thế mạnh của địa phương đều gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân địa phương.

- Ông cho biết, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các loại nông sản, đặc biệt là dược liệu đã được huyện triển khai như thế nào; đâu là những thách thức mà địa phương phải vượt qua trên lộ trình phấn đấu xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị?

- Cùng với việc chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, UBND huyện đã chỉ đạo bố trí nguồn lực đẩy mạnh việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các loại nông sản; hỗ trợ các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và thu nhập cho nông dân.

Các địa phương trong huyện có kế hoạch phát triển thêm sản phẩm OCOP về dược liệu trên các vùng chuyển đổi cơ cấu, vườn nhà, vườn đồi; xây dựng Cam Lộ trở thành vùng sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu có giá trị cao. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng hiệu quả chiến lược “5 tăng” (thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh chế biến, sơ chế để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra)cho từng sản phẩm.

Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội mới cho tiêu thụ sản phẩm dược liệu, ngành nông nghiệp huyện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Thực tế hiện nay, không ít vùng nguyên liệu trên địa bàn dần hình thành nhưng chưa được tổ chức bài bản, hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng những yêu cầu để đảm bảo trồng và chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu.

Sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ nên khó áp dụng công nghệ và kiểm soát an toàn thực phẩm, tính cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao; lãng phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch vẫn tồn tại.

Mặt khác, giá đầu vào nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... liên tục tăng, tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng giá của nông sản, ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân, kể cả khi được mùa. Một số chính sách chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

- Để phấn đấu đưa cây dược liệu phát triển quy mô lớn, theo hướng hữu cơ, bền vững, gắn với công nghiệp chế biến sâu để đem lại giá trị cao nhất cho các sản phẩm dược liệu của địa phương, thì việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ công nghiệp chế biến và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng đóng vai trò rất quan trọng. Ông cho biết, huyện Cam Lộ đã quan tâm đến vấn đề nêu trên như thế nào?

- Xét thấy sự cần thiết xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ công nghiệp chế biến, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Cam Lộ đề ra phương châm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch vùng huyện, xây dựng kết nối nông - công - thương bền vững.

Tổ chức lại sản xuất đồng bộ theo mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện ở quy mô vùng chuyên canh tập trung, liên kết, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, sản phẩm hữu cơ, sản xuất công nghệ cao.

Xây dựng các giải pháp chiến lược tạo sự đột phá về liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU (khóa XV); phát triển mạnh hơn nữa sản phẩm OCOP về dược liệu; xây dựng Cam Lộ trở thành vùng sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu có giá trị cao.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhiều giải pháp đã, đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là sớm hình thành vùng nguyên liệu tập trung, hữu cơ, đảm bảo các tiêu chuẩn để phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản trên địa bàn.

Để phát triển được vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp cần cân đối, rà soát lại trong tất cả các khâu sản xuất; đồng thời phân công bộ phận đầu mối phụ trách việc kết nối với ngành, đơn vị chuyên môn, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã để khảo sát vùng nguyên liệu, cách thức tổ chức, bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm, đề xuất các giải pháp để nhà nước và người dân đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu.

Mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho hoạt động chế biến, sản xuất và cung ứng sản phẩm dược liệu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng sẽ gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với người sản xuất, nông dân nâng cao được thu nhập, còn doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, hạn chế tình trạng mất giá, đầu ra không ổn định. Vì vậy, trước khi đi đến bước ký kết các hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị, doanh nghiệp, nông dân cần được tư vấn kỹ nội dung hợp đồng để thực hiện đúng cam kết, tránh tình trạng sản xuất mà không căn cứ nhu cầu của thị trường, sản xuất vượt khả năng thị trường dẫn đến dư thừa.

Với quyết tâm hành động quyết liệt và xác định đúng hướng đi mới trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, huyện Cam Lộ sẽ phấn đấu đưa cây dược liệu phát triển quy mô lớn, theo hướng hữu cơ, bền vững; gắn với công nghiệp chế biến sâu để đem lại giá trị cao nhất cho các sản phẩm dược liệu của địa phương.

Với quan điểm phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo các sản phẩm có thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường, sau nhiều năm nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, liên kết với các đối tác, sản phẩm dược liệu của huyện Cam Lộ đã tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường trong nước, có sản phẩm đã vươn ra ra thị trường quốc tế. Đây là những tiền đề quan trọng để huyện Cam Lộ từng bước mở rộng quy mô và củng cố thương hiệu, phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nuôi cá leo thương phẩm lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm

Trúc Phương |

Nhờ biết tích lũy kinh nghiệm, anh Trần Đức Tuấn (sinh năm 1980), ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã nuôi thành công mô hình cá leo thương phẩm. Không những thế, người nông dân chăm chỉ này còn trồng rừng, chăn nuôi gia cầm, cho thuê máy cày... nhờ đó mà kiếm được nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Người dân Hướng Phùng lo lắng vì giá chanh leo xuống thấp

Minh Long |

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. 

Trồng chanh leo “nuôi” cà phê

Lê An |

Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã kết hợp trồng chanh leo trong vườn cà phê tái canh giai đoạn kiến thiết cơ bản. Bên cạnh tác dụng che bóng cho vườn cà phê, cây chanh leo còn cho thu nhập tương đối ổn định, giúp người trồng cà phê “lấy ngắn nuôi dài”.

Giá vé máy bay "leo thang" trước dịp nghỉ lễ khiến du lịch nội địa gặp khó

Thanh Mai |

Giá vé máy bay chặng nội địa quá cao khiến du khách chuyển sang đi du lịch nước ngoài, du lịch nội địa càng gặp khó hơn.