Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực bứt phá đưa Triệu Phong phát triển bền vững

PV |

Dọc theo chiều dài lịch sử, từ thuở khai thiên lập địa tạo dựng làng xã, Triệu Phong (Quảng Trị) đã kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, mỗi tên đất tên làng, mỗi đường quê, phố chợ đều in đậm những chiến công hiển hách. Nửa cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, dưới ngọn cờ Cần Vương và phong trào Văn thân, Nhân dân Triệu Phong đã thể hiện sâu sắc lòng yêu nước và ý chí độc lập. Giữa những năm 20 của thế kỷ XX ở Triệu Phong đã xuất hiện những thanh niên yêu nước, khát khao cuộc sống độc lập tự do. Đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì Triệu Phong là một trong những nơi có chi bộ sớm nhất Quảng Trị.

Trong suốt 45 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua bao gian khổ, hy sinh, dù xương rơi máu đổ, cửa nát nhà tan, người Triệu Phong vẫn một lòng theo Đảng, gắn bó sắt son với Đảng. Từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, trải qua những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược, Triệu Phong luôn là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Quân và dân Triệu Phong đã anh dũng, đoàn kết trong chiến đấu, đồng thời tích cực phối hợp với quân và dân các địa phương trong tỉnh đồng loạt tiến công và nổi dậy để giải phóng huyện nhà và giải phóng quê hương Quảng Trị vào ngày 29/4/1972.

 

Sinh ra từ chiếc nôi cách mạng, đội ngũ cán bộ huyện Triệu Phong sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và từ những năm 20 của thế kỷ, được Đảng dìu dắt và thử thách qua thực tiễn đấu tranh, đó là những yếu tố cơ bản thuận lợi trong quá trình trưởng thành của cán bộ. Dẫu phải đối phó với muôn vàn khó khăn, ác liệt của cuộc đấu tranh cách mạng trong từng ngày, từng giai đoạn lịch sử, Đảng bộ luôn chú trọng việc giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đã có tác dụng quyết định sự phát triển của phong trào cách mạng trong huyện qua các thời kỳ lịch sử.

Theo suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta, Triệu Phong đã có nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc như đồng chí: Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Hoàng Thị Ái, Trần Quỳnh, Đặng Thí, Nguyễn Hữu Khiếu, Đoàn Khuê... Nhiều đồng chí giữ những cương vị trọng trách của Xứ ủy, Tỉnh ủy Quảng Trị qua các thời kỳ và rất nhiều cán bộ Triệu Phong được tăng cường cho các tỉnh bạn trong cả nước, đảm nhiệm cương vị lãnh đạo chủ chốt và nhiều tướng lĩnh, sĩ quan quân đội. Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong có quyền tự hào về những người con ưu tú của quê hương đã vượt qua mọi gian lao thử thách, không ngừng học tập, rèn luyện trưởng thành, đóng góp công sức, trí tuệ và xương máu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi huyện Triệu Phong được giải phóng hoàn toàn, phần lớn làng mạc, đường sá bị tàn phá nặng nề, đất đai bị nhiễm nặng bom đạn chiến tranh còn sót lại; y tế, giáo dục gặp không ít khó khăn; nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn,… Đứng trước bộn bề khó khăn, thử thách nhưng với ý chí tự lực tự cường, đoàn kết vươn lên, Đảng bộ huyện Triệu Phong đã lãnh đạo Nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thiện cơ cấu ngành nghề để phát triển KT-XH, quốc phòng, anh ninh; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp.

Toàn cảnh Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn -Ảnh: H.T

Nắm vững quan điểm chỉ đạo và quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, Đảng bộ huyện đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội nên đã gặt hái được nhiều kết quả vượt bậc.

Về kinh tế, từ một huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng KT-XH còn thiếu, chưa đồng bộ sau ngày giải phóng, đến nay đã có sự tăng trưởng đáng khích lệ về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2010-2020 đạt trên 11,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 57,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỉ lệ nông nghiệp, tăng tỉ lệ công nghiệp, thương mại, dịch vụ (nông-lâm-thủy sản giảm còn 24,10%, công nghiệp-xây dựng tăng lên 36,36%, thương mại-dịch vụ tăng lên 39,54%).

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 1.279 tỉ đồng. Diện tích gieo trồng cây hằng năm 16.059 ha (trong đó diện tích trồng lúa 11.525 ha, diện tích lúa chất lượng cao chiếm hơn 78,5%); năng suất lúa đạt 58,9 tạ/ha. Sản lượng thóc đạt 67.696 tấn. Các mô hình cánh đồng lớn, nông nghiệp sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên, mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA); sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP, xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương được chú trọng. Chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại phát triển mạnh; giá trị chăn nuôi chiếm 33% trong sản xuất nông nghiệp.

Nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản tiếp tục được phát triển, nuôi cá nước ngọt được đầu tư xây dựng hệ thống ao hồ, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật... Sản lượng nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy hải sản tăng đều qua các năm. Năm 2021, tổng sản lượng ước đạt 3.240 tấn. Sản xuất công nghiệp-TTCN tiếp tục tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đưa vào khai thác hiệu quả các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN tăng đều qua các năm, từ 55 tỉ đồng (năm 2011) lên 879 tỉ đồng (năm 2021), tăng bình quân hằng năm trên 15,5%. Thương mạidịch vụ tiếp tục có bước phát triển, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, góp phần tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng, giá trị ngành năm 2021 đạt 2.257 tỉ đồng, tăng bình quân hằng năm là trên 14%. Thu ngân sách của huyện không ngừng tăng lên qua từng năm (năm 1991 đạt 1,380 tỉ đồng, đến năm 2021 đạt 632,524 tỉ đồng.

Về văn hóa-xã hội, Đảng bộ hết sức chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; gắn việc giáo dục đạo đức, lối sống với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, đa dạng về hình thức, loại hình, chất lượng được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai thực hiện. Tích cực huy động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ ngày được nâng cao.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, có quy mô, chất lượng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh, bình quân hằng năm có trên 96% gia đình được công nhận gia đình văn hóa.. Đến nay, đã có 17/17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và quyết tâm xây dựng huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Sự nghiệp y tế, dân số, gia đình và trẻ em có nhiều tiến bộ, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai kịp thời; công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh được chủ động, không để lây lan trên diện rộng.

Hoạt động truyền thông Dân số-KHHGĐ được duy trì thường xuyên. Các chế độ, chính sách người có công, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm được chăm lo. Tỉ lệ hộ nghèo còn 3,6%, giảm bình quân hằng năm 1,8%, hộ cận nghèo còn 3,9%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công. Tạo việc làm mới cho 10.233 lao động, xuất khẩu lao động 1.386 người, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 44%.

Về quốc phòng - an ninh, chất lượng, bản lĩnh chính trị của lực lượng vũ trang huyện được nâng lên. Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, trật tự an toàn giao thông đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức được thực hiện đồng bộ, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân. Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho hàng ngàn ngàn lượt cán bộ ở cơ sở; nhờ đó cán bộ, đảng viên luôn có ý thức cảnh giác, phòng chống hiệu quả sự suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, góp phần nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng, bảo vệ vững chắc nền tảng, tư tưởng của Đảng.

Hằng năm thực hiện tốt các nội dung cam kết trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác dân vận tiếp tục được tăng cường theo hướng tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt, giải quyết kịp thời các bức xúc, nhu cầu chính đáng của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, động viên Nhân dân tích cực vượt lên những khó khăn thách thức, tích cực xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Mặt trận và các đoàn thể luôn chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tích cực giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cùng với cả nước, Triệu Phong hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt với diện mạo mới-một thời kỳ phát triển, hội nhập với những thuận lợi, thời cơ đan xen những khó khăn, thách thức mới, đó là: Nền kinh tế của huyện cơ bản vẫn còn thuần nông, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế và tiềm lực trong Nhân dân còn ít, kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; vấn đề môi trường, lao động việc làm, thu nhập, những tiêu cực của cơ chế thị trường; các thế lực thù địch đang tăng cường hoạt động chống phá…

Để bắt nhịp, tạo đà phát triển, về đích nông thôn mới, Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong nguyện phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nắm chắc thời cơ, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác toàn bộ tiềm năng, lợi thế hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trong đó không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị; tập trung xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KT-XH, thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tạo môi trường thuận lợi, an toàn để thu hút đầu tư phát triển.

Với những thành tựu đạt được, huyện Triệu Phong được các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương ghi nhận, biểu dương, trong đó năm 2010, Đảng bộ và Nhân dân huyện Triệu Phong vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong thời kỳ đổi mới, năm 2015 được tặng thưởng Huân chương Độc lập…

Kết quả đạt được 50 năm qua là một quá trình phấn đấu bền bỉ, sự nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân của nhiều thế hệ; sự giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh. Vui mừng, tự hào về những thành tựu đã đạt được và với quyết tâm cao nhất, tin tưởng rằng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Triệu Phong sẽ đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu tạo ra sự bứt phá mới, nhanh chóng đưa quê hương vững bước trên hành trình đổi mới và phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sức trẻ trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn

Tây Long |

Tự hào khi sinh ra, lớn lên trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn, tuổi trẻ huyện Triệu Phong (Quảng Trị) không ngừng bồi đắp lý tưởng cách mạng, năng nổ, tiên phong trên mọi mặt của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng xung kích, tình nguyện, miệt mài cống hiến để trưởng thành.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn

Minh Đức |

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907-2022), ngày 7/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ dâng hoa tại Tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn (Công viên Lê Duẩn, TP. Đông Hà); Lễ dâng hương, dâng hoa và khởi công tôn tạo, nâng cấp Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo và Nhân dân địa phương tham dự lễ.

Đồng chí Lê Duẩn, nhà lý luận sáng tạo của Đảng

Nguyễn Ngọc Tuấn |

Gần 60 năm hoạt động cách mạng cũng là chừng ấy thời gian đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; say mê tìm tòi, trăn trở để trả lời cho được những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra trên tinh thần tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Thông qua những tác phẩm tiêu biểu như: “Đề cương cách mạng miền Nam”; “Thư vào Nam”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”; “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, đồng chí đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, làm phong phú thêm tầm vóc trí tuệ của Đảng và dân tộc ta.

Đồng chí Lê Duẩn, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của của cách mạng Việt Nam

PV |

Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng.