Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 31 xã, thị trấn với 20.999 hộ, 93.673 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 14% dân số toàn tỉnh Quảng Trị, gồm 2 cộng đồng dân tộc chủ yếu là Bru-Vân Kiều và Pa Kô. Trong đó, ở 191 thôn, bản vùng DTTS và miền núi có 191 người có uy tín tiêu biểu được người dân trong cộng đồng thôn bản tín nhiệm bình chọn, được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận, phê duyệt.
Với uy tín của bản thân cùng sự am hiểu thực tiễn địa phương, người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn gương mẫu đi đầu, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Như cây đại thu tỏa bóng mát giữa đại ngàn, già Hồ Với ở thôn Cu Tài, xã A Bung, huyện Đakrông dù tuổi cao, sức yếu vẫn luôn trăn trở với những việc làm chăm lo nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Pa Kô nơi mình sinh sống.
Từ hơn 40 năm trước, nhận thấy bà con dân bản thiếu nước sạch sinh hoạt, Hồ Với đã tự nguyện dùng tiền tiết kiệm của gia đình và bán thêm bò để đầu tư bắt đường ống dẫn nước trên núi về cho các hộ dân trong thôn dùng chung.
Năm 2007 xã A Bung mới có điện nhưng từ năm 1993 Hồ Với đã mua máy phát điện về thắp sáng trong gia đình và chia sẻ nguồn điện chiếu sáng cho những gia đình xung quanh. Để nâng cao thu nhập cho gia đình và dân bản, ông tiên phong đi đầu khai hoang, mở rộng sản xuất vườn nhà, vườn đồi, trồng rừng tràm, trồng cây ăn quả với diện tích 20 ha, sau đó chuyển sang trồng cây gỗ quý hiếm như huê, trắc... và tận tình hướng dẫn bà con cùng làm theo.
Đồng bào Pa Kô xã A Bung có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng nhưng bị mai một, thất truyền. Để khôi phục lại nghề thủ công truyền thống của địa phương, già làng Hồ Với đưa vợ con, anh em sang huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế học nghề, rồi ra các tỉnh phía Bắc học thêm, sau đó về tổ chức dạy lại nghề dệt cho phụ nữ trong bản.
Đến nay, cả bản có hơn 40 hộ làm nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm phong phú và đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...Đại gia đình Hồ Với có 33 thành viên lớn nhỏ, trong đó có 14 đảng viên. Bằng những đóng góp của mình cho cộng đồng, già Hồ Với trở thành tấm gương sáng tiêu biểu trên mọi lĩnh vực cho Nhân dân học tập và làm theo.
Thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa có 100% hộ dân đồng bào DTTS Vân Kiều sinh sống, là một trong những địa bàn phức tạp về mà túy ở vùng biên giới. Xuất phát từ việc làm và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên bà con dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trước tình hình đó, già làng Hồ Đối bằng uy tín của mình đã đi từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 35 của Đảng ủy xã Tân Thành về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, già làng Hồ Đối đã vận động người dân trong bản đặt vấn đề với lãnh đạo xã mượn hơn 30ha đất của các hộ trong xã Tân Thành chưa sử dụng hết để trồng sắn, trồng chuối phát triển kinh tế; đồng thời, phát triển nghề làm chổi đót để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, thực hiện có hiệu quả tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo đa chiều.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS thôn Hà Lệt chuyển biến tích cực, tệ nạn ma túy được đẩy lùi. Năm 2024 có 7 hộ gia đình thôn Hà Lệt tự nguyện làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Giai đoạn 2011-2021, tỉnh Quảng Trị có 2.385 lượt người được bình chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Người có uy tín vùng DTTS và miền núi có cùng ngôn ngữ, văn hóa, am hiểu phong tục tập quán của địa phương và được Nhân dân tín nhiệm, vì vậy họ thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần cho đồng bào.
Xác định rõ vai trò, vị trí của người có uy tín đối với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác xây dựng, vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ biên giới lãnh thổ, đường biên, cột mốc, chống xâm canh, xâm cư, buôn lậu qua biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái phép...
Đồng thời, người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tích cực tham gia hòa giải, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, xung đột trong cộng đồng, mâu thuẫn giữa đồng bào với các doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn.
Thời gian qua, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn đã được các già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia giải quyết hiệu quả, như vụ mâu thuẫn dòng họ, đánh nhau dẫn đến chết người xảy ra vào năm 2013 tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa; vụ truy tìm, đấu tranh với các đối tượng sát hại 5 phu trầm ở khu vực giáp biên giới thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa; tranh chấp địa giới hành chính giữa xã A Bung, huyện Đakrông và xã Hồng Thủy, huyện A lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế...
Trong xây dựng nông thôn mới, người có uy tín ủng hộ, tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi; động viên gia đình, con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển KT-XH, QP-AN, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, đóng góp tích cực thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi.
Thông qua nhiều cách tuyên truyền chính sách dân tộc thiết thực, bằng việc làm cụ thể, tiên phong hướng dẫn các gia đình tích cực phát triển sản xuất, làm giàu trên quê hương; gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, người có uy tín là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, tâm huyết, có trách nhiệm cao với cộng đồng DTTS, đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)