Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. “Trên cái giang sơn dằng dặc như chiếc võng này, có một điểm chùng quằn xuống, thắt lại, mừng như là hội tụ, đau như là chia ly, nghèo như chẳng còn gì nghèo hơn, giàu như thể gia tài ông cha dồn tụ.
Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. “Trên cái giang sơn dằng dặc như chiếc võng này, có một điểm chùng quằn xuống, thắt lại, mừng như là hội tụ, đau như là chia ly, nghèo như chẳng còn gì nghèo hơn, giàu như thể gia tài ông cha dồn tụ. Ấy là Quảng Trị.”(1)
Cái tên Quảng Trị mới có từ đời Gia Long nhưng mảnh đất này hiển nhiên đã tồn tại từ nghìn năm, trên bản đồ nước Văn Lang. Những biến thiên lịch sử trải từ thế kỷ này sang thế kỷ khác cùng với sự hình thành những cộng đồng dân cư đa sắc màu đã tích tụ, hình thành nên nhiều tầng văn hóa khác nhau. GS. Trần Quốc Vượng, khi nhận xét về văn hóa Quảng Trị, đã viết: “Cội rễ văn hóa Quảng Trị có gốc rất sâu, rễ rất bền, các bão tố của thiên nhiên khắc nghiệt và phong ba của xã hội loạn li, không dễ gì “đào tận gốc, trốc tận rễ” được cây văn hóa Quảng Trị...”(2) “Chính mảnh đất này, đã hun đúc và hình thành cho con người Quảng Trị những phẩm chất đáng quý góp phần làm nên bảng giá trị tinh thần của người Việt”.(3) Trong khuôn khổ bài viết chỉ nêu 3 giá trị cơ bản của người Quảng Trị đó là: Yêu nước, cần cù và hiếu học.
Có thể khẳng định rằng: “Yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam”.(4) Yêu nước cũng là giá trị cao nhất, phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam. Điều này, không chỉ được rút ra từ nhiều cuộc hội thảo bằng bút mực, chữ nghĩa mà còn bằng chính xương máu của bao thế hệ người Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.(5) Quảng Trị là một phần của giang sơn đất Việt. Người Quảng Trị là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, yêu nước - phẩm chất sáng ngời và quý báu nhất của người Việt Nam cũng chính là của con người Quảng Trị. Biểu đạt của phẩm chất yêu nước của người Quảng Trị ít có sự pha lẫn với nhiều vùng miền trên cả nước: Đó là nặng lòng với quê hương, xứ sở, yêu da diết từng mảnh làng, lối xóm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Yêu hơn cả bản thân mình “Nhà tan cửa nát cũng ừ”. Rồi từ tình yêu đã gắn liền với trách nhiệm, luôn khát khao được cống hiến được chung tay gây dựng cho quê hương ngày một giàu đẹp, cho cuộc sống của bản thân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc. Đó là ý chí quật cường không khuất phục trước những thử thách khốc liệt của thiên tai và trước mọi họa xâm lăng của kẻ thù; dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước; là thái độ tôn vinh những bậc đại nghĩa, những vị tiền nhân đã có công khai khẩn lập nghiệp gây dựng cơ đồ, những anh hùng dân tộc và tri ân sâu sắc những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của đất nước.
Với người Quảng Trị, làng xóm, quê hương cùng với mảnh đất khai thiên lập ấp thuở ban đầu hết sức đặc biệt, cho nên tình yêu của con người Quảng Trị với quê hương, đất nước cũng rất đặc biệt. Con người trên mảnh đất này phải tự rèn giũa cho mình đoàn kết, kiên cường, gan dạ, dũng cảm để chiến thắng mọi hiểm họa, thử thách.
Phẩm chất yêu nước càng nổi bật hơn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Mảnh đất nghèo Quảng Trị trở thành “cái nôi cách mạng”. Người Quảng Trị một lòng đi theo Đảng để cứu nước, cứu quê hương thoát khỏi nô lệ. Trong gần nửa thế kỷ (1930 - 1975) Việt Nam đối đầu với hai kẻ thù hung hãn nhất thế kỷ XX thì đã có hơn 20 năm mảnh đất này từng là địa đầu, giới tuyến, nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực mang tầm vóc thời đại. Chiến tranh đã gây ra và để lại không biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho đất và người Quảng Trị nhưng cũng từ đây đã có biết bao con người quả cảm, ý chí quật cường với những chiến công lừng lẫy. Những tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử… đó chính là hiện thân của phẩm chất yêu nước của con người Quảng Trị.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Trị có 522 di tích thì đã có 457 di tích lịch sử “biểu đạt” của phẩm chất yêu nước; trong đó, Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu giữ sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 đã đi vào lịch sử như một trang vàng chói lọi trước sự kính phục của nhân dân thế giới và niềm ngưỡng mộ, tự hào của dân tộc ta.
Đất anh hùng sản sinh ra những con người anh hùng. Trong các cuộc chiến tranh ái quốc, Quảng Trị đã xuất hiện lớp lớp con người anh dũng, kiên cường làm rạng danh quê hương, đất nước, tiêu biểu là Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp đầu tiên của Đảng. 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp.
Là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, đồng thời là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã sớm xây dựng Đề cương Cách mạng miền Nam. Trong lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có những quyết sách táo bạo làm rúng động cả nước Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, những đòn quyết định thần tốc, bất ngờ đưa đến thắng lợi hoàn toàn. Ông vừa là một nhà yêu nước lớn vừa là một chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, suốt đời noi gương Bác Hồ chăm lo góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết quốc tế trong sáng. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã sống một cuộc đời trung thực, giản dị, luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, với tình yêu thương tha thiết và chân thành. Ông là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể Nhân dân Quảng Trị.
Thứ hai, là giá trị cần cù của người Quảng Trị. Nhìn chung, người dân nước nào cũng phải cần cù. Tùy theo phong tục tập quán, điều kiện thiên nhiên và sự phát triển của khoa học và công nghệ nên nội hàm của “cần cù” mỗi quốc gia có một cấp độ khác nhau. Nhưng có lẽ phẩm chất cần cù, chịu khó, chịu khổ, nhẫn nại đến mức cam chịu là một đặc điểm chung, rõ nét của tất cả cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Việt Nam cũng thế và con người Quảng Trị đương nhiên cũng không ngoại lệ. Quảng Trị là một vùng đất cũng như các tỉnh miền Trung khác, “tựa lưng vào núi và ngoảnh mặt ra biển”, có núi, sông, đồng bằng và biển. Vùng đất “eo đòn gánh” như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nên người Quảng Trị cần cù chất phác quanh năm đầu tắt, mặt tối với nghề trồng lúa và đánh bắt trên biển.
Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển thì sự thành bại của sản xuất (trong đó có canh tác lúa nước) hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Quảng Trị nằm ở trung tâm khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Bắc Nam nên lại càng khắc nghiệt. Sản xuất, canh tác trên mảnh đất Quảng Trị có thể nói là đặc biệt khó khăn hơn, những rủi ro, hiểm họa cũng thường xuyên hơn, nghiệt ngã hơn, cho nên phẩm chất nhẫn nại, chịu khó, chịu khổ của con người Quảng Trị mang nhiều nét đặc biệt hơn.“Cái khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết đã từng làm cho con người Quảng Trị lắm nổi gian truân và khó nhọc; mà cũng chính điều đó tạo nên những gì gọi là bản sắc của một vùng văn hóa đậm tính khu biệt”.(6) Những công trình hiện hữu trên quê hương là minh chứng hùng hồn cho phẩm chất cần cù của người Quảng Trị, trong đó địa đạo Vịnh Mốc và công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn là những minh chứng điển hình.
Nguyễn Đình Tư trong tác phẩm “Giang sơn Việt Nam, đây non nước Quảng Trị” đã viết về những người đào địa đạo như thế này: Không có phương tiện tối tân, không có máy móc hiện đại, không có các nhà chuyên môn khoa địa chất hướng dẫn, việc đào địa đạo hoàn toàn bằng tay với những dụng cụ thô sơ với đầu óc sáng tạo và kinh nghiệm bản thân của người nông dân. Để đào đất, dùng cuốc, xẻng. Để xúc đất họ gò ống pháo sáng làm gàu. Để kéo đất từ dưới sâu lên mặt bằng họ dùng dây tời. Kéo tời rát tay, họ làm trục quay tay như ở các giếng nước. Không có máy ngắm, họ cắm vè trên mặt đất và xác định hướng đào. Không có địa bàn định hướng, họ lấy dây thép uốn cong thành vòng cung cố định theo đường cong trên mặt đất, đào theo đường cong đó. Không có máy móc đo mặt phẳng, họ đổ nước vào chai đặt ngang. Để đo chiều sâu, họ cột cục đá vào dây làm dây dọi rồi lấy thước đo. Không có đèn điện đèn dầu chiếu sáng, họ dùng các dây đuốc bằng tre, bằng nhựa để có ánh sáng mà đào. Ban đêm cũng như ban ngày, dưới lòng đất là cả một công trường âm thầm hoạt động, khẩn trương hối hả. Mọi người theo sự phân công tự nguyện, tích cực làm việc. Người này mệt thì người khác thay, không để cho một khâu nào ngưng nghỉ. Mặc cho trên mặt đất bom của quân địch đủ loại, nào bom xăng, bom bi, bom phá, bom khoan, bom tọa độ, bom rải thảm, đạn đủ cỡ băm nát tất cả những gì còn sót lại. Người chiến đấu cứ nhắm thẳng máy bay quân thù mà bắn. Kẻ đào hầm vẫn cứ bổ cuốc xuống đất mà đào, không hề nhụt chí. Truyện Cải nhầm cọp để cày kể về câu chuyện người Vĩnh Hoàng vì đi cày quá sớm không nhận ra đâu là bò đâu là cọp do vậy đã cải cọp để cày. Đằng sau câu chuyện có phần “tếu táo” này nhưng cũng toát lên thông điệp: Người Vĩnh Hoàng phải tất bật một nắng hai sương mới có “cái ăn cái để”. Hơn thế nữa, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, hoang dã với bao hiểm nguy rình rập nhưng họ chẳng hề gì vẫn cần cù, chịu thương, chịu khó vượt qua bao thử thách khắc nghiệt để bám trụ và tạo dựng cuộc sống.
Điều thứ ba, người Quảng Trị có truyền thống hiếu học. Truyền thống này bắt nguồn từ các yếu tố: Nguồn cội của cư dân Quảng Trị; điều kiện tự nhiên, làm ăn, cuộc sống đời này qua đời khác luôn nghèo túng ở đất Quảng Trị, vừa là trở ngại lớn cho việc học hành thi cử, nhưng đồng thời cũng là động lực mạnh mẽ cho nhiều lớp con cháu quyết chí học hành, quyết tâm thi cử đỗ đạt để mong được thoát ra khỏi cảnh nghèo túng. Từng gia đình, từng dòng họ, từng làng xã đều cố làm hết sức mình để động viên con cháu học hành thành tài làm rạng rỡ tổ tông và thứ ba là, yếu tố giáo dục. Điều này, lý giải vì sao, trong bất luận trường hợp nào người Quảng Trị cũng luôn có ý thức và thái độ học tập tốt. Khó khăn càng nhiều thì sự khổ học càng lớn, sự khuyến khích hỗ trợ từ gia đình dòng họ, cộng đồng càng cao. Và cũng nhờ vậy, nên Quảng Trị tuy là mảnh đất nhỏ, nghèo khó lại phải trải qua bao cuộc chiến tranh tao loạn, nhưng từ xưa đến nay vẫn sản sinh ra nhiều tài năng, đỗ đạt cao, những nhà khoa học lớn, những văn nghệ sĩ tài danh.
Theo Địa chí Quảng Trị trong số 39 khoa thi Hội do nhà Nguyễn tổ chức để lấy 291 Tiến sĩ và 266 Phó bảng, Quảng Trị có 14 Tiến sĩ và 10 Phó bảng. Tổng kết lại, các nhà khoa bảng Hán học tỉnh Quảng Trị dưới triều Nguyễn có 190 người đỗ Cử nhân, còn số người đỗ Tú tài thì không kiểm kê được. Như vậy, về hàng đại khoa, tỉnh Quảng Trị có tất cả 24 vị trong số 636 vị toàn quốc. Nếu tính theo tỷ lệ bách phân thì chiếm 3,77%. Như vậy Quảng Trị đã vượt mức trung bình đến 7 vị. Dưới triều Nguyễn, Quảng Trị là một tỉnh nhỏ và nghèo, thế mà người đi học thi Cử nhân đỗ đạt lại nhiều. Đó là một con số đáng trân trọng, đủ làm cho mọi người dân Quảng Trị hãnh diện về phong thổ của quê hương mình đã sản sinh ra được nhiều nhân tài. Tiêu biểu có ông Bùi Dục Tài (1477 - 1522), người làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng. Ông học rộng biết nhiều, nổi tiếng là người hay chữ nhất vùng Thuận Quảng; là người xuất sắc được trúng cả hai kỳ thi Hội và thi Đinh, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức là Hoàng giáp, đứng đầu học vị Tiến sĩ), Người khai khoa Tiến sĩ đầu tiên của Quảng Trị nói riêng, vùng Thuận Quảng nói chung.
Từ ngày có Đảng, phẩm chất hiếu học của người Quảng Trị được chắp cánh vươn cao. Rất nhiều trí thức là Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học lớn, văn nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước và thế giới là người Quảng Trị.
Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, thế hệ trẻ Quảng Trị hôm nay nhiều người được giải thưởng cao trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Chỉ tính trong 30 năm (1989 - 2019) kể từ ngày tái lập, tỉnh Quảng Trị đã có hàng chục ngàn em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh cả 3 cấp, gần 500 giải học sinh giỏi quốc gia (lớp 12). Bên cạnh đó, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi như: Giải Toán qua mạng internet trên máy tính casio, các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, các cuộc thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế. Đặc biệt, năm 2015, em Văn Viết Đức học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị đạt quán quân “Đường lên đỉnh Olympia”; năm 2017, em Phan Đăng Nhật Minh học sinh Trường THPT Hải Lăng tiếp tục giành ngôi vị quán quân “Đường lên đỉnh Olympia”; em Phạm Huy học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị đạt giải Ba quốc tế cuộc thi khoa học Kỹ thuật do Intel ISEF tổ chức; em Võ Thục Khánh Huyền, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Toán học Singapore và châu Á-SASMO; em Đỗ Nguyễn An Huy, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đạt huy chương Bạc, em Lê Văn Tuấn đạt huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Hình học Iran mở rộng; năm 2018 em Lê Thanh Tân Nhật học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị đạt á quân “Đường lên đỉnh Olympia”; Năm 2019, em Thái Xuân Đăng học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đạt huy chương Bạc môn tin học Olympic châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2020, em Văn Ngọc Tuấn Kiệt học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị tham gia chung kết “Đường lên đỉnh Olympia”… Tỷ lệ học sinh Quảng Trị đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng bình quân mỗi năm khoảng 6.000 lượt em, đứng thứ từ 29 - 32 trong tổng số 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Thấu suốt quan điểm “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển” trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Quảng Trị cùng cả nước đã, đang và sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, Quảng Trị luôn xác định con người là nhân tố quyết định; là việc làm có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm phát huy sức mạnh “mềm”- giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh, trước mắt là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)