Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nên cần nhiều năng lượng. Tuy nhiên, việc chuyển dịch nguồn năng lượng để phát triển bền vững là lộ trình nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, cần có hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới.
Đó là ý kiến của đại biểu tại hội thảo “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra vào chiều ngày 10/11. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội năng lượng Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với định hướng là “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.
Đối với phát triển năng lượng mới, Nghị quyết 55 đề ra yêu cầu sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu…
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 55, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP, ngày 2/10/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Chương trình hành động của Chính phủ có những nội dung liên quan đến phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới như: Nghiên cứu, xây dựng luật về năng lượng tái tạo; cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện khí sinh học…
Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, trong tiến trình thực hiện CNH, HĐH, Việt Nam lại phải càng chú trọng đến yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu giảm thiểu và với thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, tại Hội nghị COP-26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050. Đây vừa là thách thức lớn đồng thời cũng tạo ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái taọ (Bộ Công Thương) cho hay nguồn điện sẽ được chuyển dịch theo hướng tập trung khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo với cơ cấu hợp lý.
Cụ thể, sẽ gia tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% năm 2045; giảm tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện than trong cơ cấu sản xuất, từ 44,2-45,5% năm 2030 xuống 27,4-32,4% năm 2045; phát triển nguồn điện khí sử dụng LNG và tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như tích năng, năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng hydrogen, năng lượng từ rác thải...
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng xanh, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - GWEC) cho rằng điện gió ngoài khơi với sự thuận lợi trong huy động vốn và công nghệ có thể sẽ là nguồn năng lượng giúp thay thế phần nào sự thiếu hụt điện than.
Theo ông Mark Hutchinson, chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên toàn cầu giai đoạn 2013-2020. Dự kiến trong 5 năm tới, chi phí này sẽ giảm thêm 30%. Do vậy, những hỗ trợ ban đầu cho điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để cho ngành năng lượng có thể giảm mạnh giá thành sản xuất và cạnh tranh về giá.
(Nguồn: Chính phủ)