Quan tâm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới

Minh Phương |

 

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện chức năng bảo đảm quyền của người tiêu dùng trong các giao dịch; điều chỉnh, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Việc sử dụng hiệu quả các cơ chế, công cụ, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua thực thi luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có tác dụng tương hỗ cho các chính sách quản lý các ngành khác, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả vận hành của nền kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; nâng cao uy tín và sức thu hút của nền kinh tế đất nước.

 

Những năm qua, đất nước ta đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và hội nhập ngày càng mạnh mẽ với kinh tế khu vực và thế giới, người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm trên các nền tảng thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử.

Tuy nhiên, cùng với đó là nguy cơ bị rò rỉ thông tin, lợi dụng thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hay người tiêu dùng mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà thời điểm nào chúng ta cũng có thể tiếp cận thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng cần thấy rằng, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được các cơ quan pháp luật thực hiện nghiêm túc. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là hoạt động buôn bán hàng hóa trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo...) diễn ra phổ biến nhưng không phải tất cả đều đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có trường hợp còn quảng cáo sai sự thật... làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động chân chính và gây khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thêm vào đó, hiện nay các quy định pháp luật nhằm tạo cơ chế thuận tiện, hỗ trợ cho người tiêu dùng trong giải quyết tranh chấp tuy đã có nhưng thực tế chưa được áp dụng, hoặc có áp dụng nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh không có địa chỉ rõ ràng, không có hóa đơn chứng từ khi giao dịch nên khó khăn cho cơ quan chức năng khi có tranh chấp, phản ánh của người tiêu dùng.

Từ thực trạng trên đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu hơn. Đây là vấn đề cần thiết và cấp bách cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành chức năng, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân, thương nhân; đồng hành với cơ quan chức năng đấu tranh không sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh cá thể, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, mua bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại trên địa bàn.

Mặt khác, tiếp tục hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để kích cầu tiêu dùng hàng nội địa, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư máy móc thiết bị sản xuất hàng hóa đa dạng về mẫu mã, chủng loại; phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trên thị trường nội địa; đẩy mạnh liên kết chuỗi, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ gắn với các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa để sản xuất trong nước, trong tỉnh có giá trị, chất lượng và mẫu mã cạnh tranh hơn so với các sản phẩm nước ngoài.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhất là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cần triển khai các giải pháp đồng bộ về nghiệp vụ, xác định được chính xác địa chỉ của các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là năng lực phân tích, dự báo thị trường, nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả.

Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp cận, ứng dụng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các tổ chức trong nước và quốc tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về mặt quản lý nhà nước, đề nghị các cơ quan xây dựng pháp luật tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng. Các cơ quan trung ương cần quan tâm tập huấn nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ở địa phương về bảo vệ người tiêu dùng; rà soát, hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung những quy định, chế tài để quản lý chặt chẽ hơn nữa chất lượng, nguồn gốc hàng hóa cũng như việc chấp hành các nghĩa vụ, quy định pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh thương mại điện tử.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây dựng, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Bảo Bình |

 

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là việc xác định và theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất cho đến trước khi đến tay người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, đồng thời giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi khi mua sắm. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn.

Một việc làm tạo thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước

Trịnh Xuân Thành |

Đến nay, 100 % doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thực hiện lập hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng cũng như các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thuộc các ngành nghề triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã đăng ký sử dụng HĐĐT.

Chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hà Trang |

Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) luôn được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp. Qua đó, bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD, nâng cao trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị của sản phẩm.

Kích cầu tiêu dùng và quảng bá quà tết từ các sản phẩm OCOP

Bảo Bình |

Bên cạnh những giỏ quà tết với mứt, trà, rượu như truyền thống, sự xuất hiện của các sản phẩm OCOP những năm gần đây đã góp phần làm phong phú thị trường quà tết.