Những năm gần đây, Quảng Trị đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch tại địa phương và đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với tiềm năng dồi dào, nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn đối với nhà đầu tư, năm 2021, tỉnh tiếp tục mời gọi các nhà doanh nghiệp tiếp tục đầu tư các dự án vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp CNC.
Khẳng định giá trị kinh tế vượt trội Mô hình liên kết sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ giữa Sở Nông nghiệp và PTNT liên kết Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Ong biển triển khai từ vụ hè thu năm 2017 đến vụ đông xuân 2020 - 2021. Mô hình được thực hiện trên 6 huyện, thị xã với quy mô 200 ha/năm. Sau 8 vụ sản xuất, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha, nơi cao đạt trên 80 tạ/ha. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha lúa hữu cơ/2 vụ là 96 - 110 triệu đồng. Như vậy, mỗi héc ta canh tác lúa hữu cơ, nông dân có lãi cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất lúa đại trà. Thuận lợi nhất là doanh nghiệp thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch và trả tiền ngay tại chân ruộng.
Điều kiện để tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ là diện tích sản xuất của các hộ dân phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất cánh đồng lớn, tập trung. Do đó, mô hình đã thúc đẩy hình thức sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất, điển hình như: Hợp tác xã (HTX) Đức Xá (Vĩnh Linh) với quy mô gần 42 ha, HTX Phước Thị (Gio Linh) 23 ha, THT Long Hưng (Hải Lăng) 12 ha, HTX Quảng Điền (Triệu Phong) 10,4 ha... Việc quy hoạch vùng sản xuất, sản xuất trên cánh đồng lớn chủ động tưới tiêu giúp cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thuận lợi hơn như sử dụng bộ giống mới, chất lượng cao (RVT, ST24...), áp dụng thuận lợi cơ giới hóa các khâu (làm đất, máy cấy, thu hoạch...). Bên cạnh đó, thông qua mô hình đã hình thành các HTX, THT kiểu mới trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
Ngoài hiệu quả kinh tế, việc thực hiện mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ đã giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa.
Triển khai từ năm 2018, dự án liên kết trồng và tiêu thụ chanh leo trên địa bàn tỉnh giữa các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh và Triệu Phong và Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đến nay đã khẳng định được giá trị kinh tế của loại cây ăn quả này. Qua 3 năm thực hiện cho thấy, cây chanh leo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu tại địa bàn tỉnh, năng suất trung bình đạt 30-35 tấn/ha. Với giá doanh nghiệp thu mua bình quân 12.000 đồng/kg tại ruộng, sau khi trừ chi phí ban đầu, nông dân có lãi khoảng 150 triệu đồng/ha.
Dự án liên kết với Tập đoàn Sumitomo Việt Nam trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản dù mới chỉ mang tính chất thử nghiệm tại các vùng sinh thái khác nhau những cũng cho kết quả khả quan. Theo đó, tỉnh xây dựng 3 mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng hệ thống tưới, châm phân tự động, mỗi mô hình 500 m2 tại các huyện Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Tại 3 mô hình này đã thử nghiệm 8 giống dưa lưới ở các thời vụ khác nhau, thử nghiệm trồng cà chua và măng tây, tỏi. Kết quả qua 6 vụ trồng đã thu được gần 5 tấn dưa lưới. Sản phẩm đã được Siêu thị Intimex - Hà Nội bao tiêu với giá 50.000- 55.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm lợi nhuận thu được của 1 mô hình từ 90 - 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thông qua việc huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 25 nhà kính, nhà lưới, quy mô từ 500 m2 đến 2.000 m2 sản xuất rau, củ, quả, hoa. Bước đầu các mô hình đã mang lại những hiệu quả nhất định, đặc biệt là sản xuất rau trái vụ, hoa phục vụ tết Nguyên đán. Có hơn 200 ha cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, dược liệu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, những diện tích này mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, đặc biệt trong điều kiện khô hạn.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2019 đến nay, đã có 23 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án chăn nuôi ứng dụng CNC. Dự án có quy mô lớn như trang trại chăn nuôi CNC kết hợp điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH phát triển năng lượng và CNC Quảng Trị với 7.500 con lợn nái và 72.000 con lợn thịt, 1.000 con bò giống tại xã Hướng Linh, Hướng Hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ngoài các dự án nói trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều mô hình, chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC như chăn nuôi an toàn sinh học, dược liệu an toàn sinh học, nhân giống bằng công nghệ Invitro. Mặc dù quy mô còn nhỏ lẻ, mang tính thử nghiệm nhưng là những cơ sở hết sức quan trọng, làm tiền đề đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của một số công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp để nhân rộng trong thời gian tới.
Thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi đặc thù
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp CNC. Đó là chính sách hỗ trợ thuê đất, tạo quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế và các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nhiều nguồn lực. Đặc biệt thu hút nguồn đầu tư trực tiếp, hợp tác công tư... nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tỉnh đã ban hành danh mục quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Cụ thể, sản phẩm trồng trọt gồm “6 cây” là lúa chất lượng cao, cà phê, cao su, hồ tiêu, nhóm cây dược liệu và nhóm cây ăn quả, gỗ rừng trồng và sản phẩm chăn nuôi gồm “2 con” là con bò, con tôm.
Để đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, tỉnh đã quy hoạch khu nông nghiệp CNC với quy mô 21 ha tại khu vực đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa. Hiện nay tại khu vực này đang trồng thử nghiệm một số đối tượng rau quả cao cấp như đông trùng hạ thảo, hoa lily, hoa tulip, hoa phong lan, rau xà lách, cà chua, dưa lưới… Nhờ ứng dụng công nghệ mới như nuôi trồng trong nhà lưới, nhà kính, áp dụng công nghệ thủy canh, công nghệ tưới giọt… nên các loại rau quả cao cấp đã thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục là một trong những ưu tiên của tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 4 vùng nông nghiệp CNC, đến năm 2030 là 10 vùng chuyên sản xuất dược liệu, rau củ, trái cây và lúa tâp trung ở các huyện: Cam Lộ, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng chủ lực cũng như các loại con nuôi lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương chia sẻ thêm: “Với quan điểm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả cao, thời gian tới, các địa phương tiếp tục ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới vào sản xuất các loại cây trồng, con nuôi chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tỉnh cần có chính sách khuyến khích đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất chuyên canh công nghệ cao tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa lớn đủ đáp ứng chu cầu của thị trường. Khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp”.
Tỉnh tăng cường kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp như triển khai có hiệu quả các chính sách của trung ương về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xây dựng một số chính sách mới, đặc thù của địa phương để góp phần khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn nói chung và nông nghiệp CNC nói riêng. Cụ thể như xây dựng Đề án khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với chương trình OCOP của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030; Đề án khôi phục sản xuất diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả và chuyển đổi 287 ha đất bị bồi lấp do ảnh hưởng thiên tai năm 2020; Đề án phát triển chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025; Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030...
Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị chuyên môn phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu lao động của các doanh nghiệp. Nghiên cứu huy động nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ, các khu công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản… nhằm thu hút doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất và chế biến trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường; chú trọng công tác truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, thương mại điện tử… để các sản phẩm nông sản được tiếp cận và quảng bá rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)