Quảng Trị: Kết nối giao thông vùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nguyên Lý |

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị cho biết việc đầu tư xây dựng 23km đường kết nối từ trung tâm xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập để phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là rất cấp bách.

Việc đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường nhằm phá thế độc đạo, huyết mạch của những quốc lộ hiện có và kết nối vùng phía Tây tỉnh Quảng Trị để phát triển kinh tế-xã hội là một trong những nhu cầu cấp thiết.

Điểm sạt lở trên Quốc lộ 9 hồi tháng 10. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Điểm sạt lở trên Quốc lộ 9 hồi tháng 10. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Giảm tải cho Quốc lộ 9

Quốc lộ 9 tức Hành lang kinh tế Đông-Tây là con đường trọng yếu huyết mạch dài 97km nối Cảng biển Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh với thành phố Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Thế nhưng tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc do tai nạn giao thông và mưa lũ gây sạt lở khiến đất đá tràn xuống mặt đường.

Tuyến Quốc lộ 9 cũng bị quá tải do thường xuyên có nhiều xe ôtô tải, container nối nhau chở hàng hóa đến Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo để xuất khẩu đi các nước khác và chở hàng hóa nhập khẩu về nội địa.

Trên tuyến đường này, đoạn qua hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có nhiều đèo dốc quanh co nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Mỗi khi có tai nạn giao thông, Quốc lộ 9 lại ùn tắc trong nhiều giờ.

Ông Nguyễn Văn Tý, 52 tuổi, ở tổ dân phố 10, phường 5, thành phố Đông Hà thường xuyên lái xe ôtô tải chở hàng tuyến Đông Hà-Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho biết tuyến đường này ngày càng có nhiều vụ ùn tắc.

Mỗi lần như vậy, các phương tiện phải dừng chờ ít nhất một giờ, có khi đến nửa ngày mới lưu thông được. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến thông thương, đi lại của người dân.

Hồi tháng 10 và 11 vừa qua, Quốc lộ 9 đoạn qua huyện Đakrông và Hướng Hóa thường xuyên bị tắc đường, do mưa lũ làm sạt lở hàng chục nghìn mét khối đất đá, taluy và nền đường bị sụt lún đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, việc lưu thông đến vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị và thông với các nước Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo bị gián đoạn. Cơ quan chức năng phải huy động nhiều phương tiện, vật lực để sửa chữa trong nhiều ngày nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để sự cố.

Trong khi đó, Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng biển Cửa Việt đến Quốc lộ 1A dài khoảng 14km đang bị xuống cấp, sụt lún do đã đưa vào sử dụng nhiều năm. Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt 440 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Quốc lộ 9 là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh Quảng Trị nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung; đồng thời, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.

Hiện trên tuyến đường này có nhiều xe tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng biển Cửa Việt. Nhu cầu giao thông tăng đột biến, trong điều kiện mặt đường đã bị hư hỏng, rạn nứt lún cục bộ gây đọng nước dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.

Do nhu cầu vận tải trên Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng biển Cửa Việt đến Quốc lộ 1A ngày càng tăng nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến Quốc lộ 9 là cần thiết.

Dự án có điểm đầu tại Cảng biển Cửa Việt, điểm cuối tại Km13+800 với chiều dài tuyến khoảng gần 14km. Dự án có quy mô đường cấp II, 4 làn xe, giải phân cách giữa 3m; kinh phí đầu tư dự kiến hơn 440 tỷ đồng; trong đó vốn ODA hơn 387 tỷ đồng, vốn đối ứng 53 tỷ đồng.

Để giảm tải cho Quốc lộ 9, đoạn còn lại từ Quốc lộ 1A đến Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo dài hơn 80km thì việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy với Cửa khẩu Quốc tế La Lay (huyện Đakrông), chạy song song với Quốc lộ 9, cũng rất cấp thiết.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, Quốc lộ 15D nối từ Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay có tổng chiều dài khoảng 92km bao gồm các đoạn: từ Cảng biển Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1A dài gần 14km; Quốc lộ 1A đến đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn khoảng 8km; từ cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 34km; đoạn tuyến đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài khoảng 24km; từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay dài 12km.

Để phát huy vai trò tuyến giao thông trọng điểm này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025.

Quốc lộ 15D được đầu tư xây dựng sẽ tạo thêm trục hành lang song song với Quốc lộ 9 qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, qua đó tăng cường việc giao thương hàng hóa, kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và ven biển miền Trung của Việt Nam với khu vực Nam Lào, Đông-Bắc Thái Lan.

Phá thế độc đạo

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa là tuyến đường độc đạo nối Quốc lộ 9 với các xã vùng biên giới như Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh. Đợt mưa lũ vừa qua, tuyến đường này bị sạt lở, hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng khiến giao thông ách tắc.

Mỗi khi có tai nạn giao thông, Quốc lộ 9 lại ùn tắc trong nhiều giờ.
Kẹt xe trên Quốc lộ 9 do đường bị sạt lở. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Hệ quả là các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Phùng thuộc huyện Hướng Hóa, Vĩnh Ô thuộc huyện Vĩnh Linh bị cô lập hoàn toàn. Do đó, việc cứu hộ cứu nạn người mất tích, tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân ở các xã bị cô lập gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải đi bộ băng rừng hàng chục km. Nếu thời tiết không tốt thì lực lượng chức năng phải huy động cả máy bay trực thăng mới có thể tiếp cận được các địa bàn bị cô lập.

Trong khi đó, phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị có tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã được đưa vào quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải và đã lập dự án đầu tư vào từ năm 2017. Tuyến đường nối liền này có điểm đầu tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh và điểm cuối là xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa, tổng chiều dài là 63,7km.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã đầu tư xây dựng và hoàn thành 40,7km và vẫn còn lại 23km từ trung tâm xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập chưa được xây dựng.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết việc đầu tư xây dựng 23km đường kết nối từ trung tâm xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập để phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là rất cấp bách.

Tuyến đường nối liền giữa nhánh Đông với nhánh Tây đường Hồ Chí Minh được xác định là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đặc biệt phục vụ tốt khâu cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa gồm Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Linh và 2 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô của huyện Vĩnh Linh.

Từ thực tiễn cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực cho người dân trong mùa mưa, bão lũ vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, Ủy ban Nhân dânD tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Trung ương cấp kinh phí 365 tỷ đồng để xây dựng đường nối giữa nhánh Đông với nhánh Tây đường Hồ Chí Minh.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Cận cảnh bờ sông Sê Pôn bị sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ

Thiên Sơn |

Sau đợt mưa lũ vừa qua, dọc sông Sê Pôn biên giới Việt – Lào (Hướng Hóa, Quảng Trị), xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân nơi đây.

Học sinh phải ở nhờ nhà dân do khu bán trú bị sạt lở vùi lấp

Hoàng Táo |

2 tháng sau mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, khu bán trú ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn bị đất đá sạt lở từ ngọn đồi phía sau vùi lấp, khiến 69 học sinh của trường phải đi ở nhờ nhà dân.

Phát hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở đồi ở Hướng Hiệp

Hoàng Táo |

Ông Hồ Chí Cường, Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị), cho hay vừa phát hiện nhiều vết sụt lún, nứt gãy ở ngọn đồi trồng tràm và sắn phía sau khu dân cư thôn Phú An. “Chúng tôi đã cử người đi kiểm tra, cảnh báo người dân không lên đồi những khi mưa to để đề phòng nguy hiểm”, ông Cường nói.

Khó khăn trong công tác di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Thanh Trúc |

Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là những năm gần đây xảy ra nhiều sự cố lũ lụt, sạt lở đất. Những năm qua, công tác cảnh báo, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao đã được quan tâm, nhưng vì nhiều nguyên nhân, công tác di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.