Đến năm 2025 đạt các mục tiêu sau: Phấn đấu có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu sau: Phấn đấu có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới nâng cao, duy trì bền vững huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác quy hoạch.
Hoàn thành quy hoạch vùng huyện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; tích hợp các nội dung vào quy hoạch tỉnh đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng huyện.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông nghiệp. Xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số để đề xuất cơ chế chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ chương trình nông thôn mới.
Thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025; bố trí hợp lý nguồn ngân sách địa phương, các nguồn xã hội hóa, các nguồn tài trợ cho đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới
Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển đồng bộ thị trường lao động, thực hiện có hiệu quả các đề án giải quyết việc làm, chuyển dịch việc làm.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh theo tinh thần của Kết luận của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tái cơ cấu nông nghiệp.
Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cộng đồng đối với quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn. Giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Phát huy hiệu quả các mô hình tự quản, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là vai trò của nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Kiện toàn và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập, kiện toàn cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, hiệu quả.
(Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn)