Quy hoạch vùng, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Trong cơ cấu kinh tế của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), hiện tỉ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản ước chiếm 26,6%. Giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 3,31%/ năm, tuy là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh ngành nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh song vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Một trong những nguyên nhân được xác định là bởi công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế. Do đó, bước sang giai đoạn 2021 - 2025, huyện Vĩnh Linh đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch tổng thể, hình thành vùng sản xuất phù hợp hướng đến nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp.

Vĩnh Linh có tổng diện tích tự nhiên trên 61.990 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 86%. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo quy hoạch, Vĩnh Linh có 4 vùng sản xuất chuyên canh, tập trung với quy mô lớn.

Phát triển diện tích trồng cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh - Ảnh: N.T
Phát triển diện tích trồng cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh - Ảnh: N.T

Thứ nhất là vùng gò đồi thuộc các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, thị trấn Bến Quan và một phần của các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, chú trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày, chăm sóc diện tích cao su hiện có, tái canh khu vực trồng cây cao su hết chu kỳ khai thác hoặc bị hư hại, mở rộng trồng mới ở những nơi có điều kiện, sản xuất chuyên canh, thâm canh. Trồng rừng theo hướng tăng dần diện tích rừng trồng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC. Xây dựng những vùng trồng cây ăn quả, diện tích từ 5 ha trở lên/vườn hoặc liền vườn. Đồng thời đầu tư trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa khu dân cư với quy mô vừa và lớn.

Thứ hai, vùng đồng bằng gồm các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long và một phần của 2 xã Vĩnh Hòa, Hiền Thành tập trung nhân rộng cánh đồng lớn chuyên canh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; chuyển đổi diện tích trồng lúa thiếu nước, năng suất thấp sang canh tác các loại cây trồng cạn như đậu xanh, ngô, dưa... Nuôi trồng thủy sản, áp dụng nuôi cá nước ngọt theo phương thức “sông trong ao” với diện tích 5.000 m2 trở lên/ ao; khuyến khích xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa khu dân cư với quy mô vừa.

Thứ ba, vùng đất ba dan ở các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Giang, Trung Nam, Hiền Thành, Kim Thạch, thị trấn Hồ Xá và một phần thị trấn Cửa Tùng tập trung phát triển cây hồ tiêu hữu cơ; chuyển đổi diện tích cây cao su tiểu điền quá thời kỳ khai thác hoặc bị gãy đổ do bão sang trồng các giống cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Xây dựng vùng chuyên canh cây rau màu đặc sản, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao; hệ thống trang trại quy mô vừa, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng thâm canh, xa khu dân cư. Riêng với vùng cát, ven biển, ven sông thuộc các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, thị trấn Cửa Tùng, một phần xã Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Chấp, Kim Thạch, Hiền Thành tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; khai thác, nuôi trồng thủy sản phương thức thâm canh, bán thâm canh; nuôi tôm 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học; nâng cấp các nhà máy, cơ sở chế biến bột cá, thủy hải sản; khôi phục và thúc đẩy ngành nghề nông thôn, các loại hình dịch vụ du lịch. Cùng với đó, mở rộng diện tích sản xuất các loại cây trồng ứng dụng công nghệ cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định như dưa hấu, dưa lưới, lạc…

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục cho biết, từ việc quy hoạch, hình thành vùng sản xuất, Vĩnh Linh hướng đến mục tiêu quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn tiềm năng, tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, nhất là quỹ đất sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh. Thu hút, hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp và HTX, nông dân. Từ đó, nhân rộng cánh đồng lớn, các mô hình sản xuất hàng hóa với những loại cây trồng, con nuôi chủ lực. Tiếp tục xây dựng, quảng bá, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông sản truyền thống của Vĩnh Linh vốn có thương hiệu cũng như đang thử nghiệm. Duy trì, tăng cường tổ chức các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch.

Song song với công tác quy hoạch, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, hạn chế, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang được Vĩnh Linh nỗ lực triển khai nhằm tạo tiền đề, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững. Huyện Vĩnh Linh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 6 - 7%/năm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lập nghiệp từ trang trại đa cây, đa con

Anh Vũ |

Sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Mỹ (nay là thôn Bình Mỹ), xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, anh Hồ Phi Long (sinh năm 1991) từng có một thời gian vào các tỉnh phía Nam làm việc nhưng sau đó anh quyết định trở về quê hương để lập nghiệp.

Hướng Hóa tích cực phục hồi diện tích cây hồ tiêu

Bích Liên |

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với sự bấp bênh về giá cả nên nhiều hộ nông dân trồng tiêu tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không đầu tư chăm sóc, làm cho cây hồ tiêu bị giảm năng suất. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện và giá hồ tiêu đang tăng lên đã tạo động lực cho nhiều hộ nông dân Hướng Hóa tích cực phục hồi, trồng mới diện tích cây hồ tiêu.

Năng suất hồ tiêu giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm

Thanh Lê |

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong năm 2021, năng suất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm, ước đạt từ 6-6,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.487,7 tấn.

Người duyên nợ với cây hồ tiêu Vĩnh Linh

Lâm Thanh |

Quê ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đơn vị công tác đóng ở thành phố Đông Hà nhưng anh Lê Tấn Tửu, sinh năm 1978, cán bộ kỹ thuật tổ chức Roots of Peace (ROP), đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh lại chọn nơi sống là huyện Vĩnh Linh bởi “duyên nợ” với cây hồ tiêu trên mảnh đất này.