Sáng tạo thiết bị đào tạo phải đặt tính ứng dụng thực tế lên hàng đầu

Nam Phương |

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm là sân chơi để giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy - học. Tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cơ sở GDNN tỉnh lần thứ III, năm 2022, Trưởng Khoa điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Quảng Trị LÊ THỊ PHƯƠNG cùng nhóm tác giả là các giảng viên của trường đã xuất sắc giành giải Nhất. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với cô LÊ THỊ PHƯƠNG để lắng nghe chia sẻ của cô trong việc nỗ lực sáng tạo và ứng dụng hiệu quả các thiết bị đào tạo tự làm.


- Xin chào cô! Trước hết, xin cô hãy giới thiệu về bản thân và nhóm tác giả tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cơ sở GDNN tỉnh lần thứ III, năm 2022 với độc giả Báo Quảng Trị?

- Tôi tên là Lê Thị Phương, hiện là Trưởng Khoa Điều dưỡng, Trường CĐYT Quảng Trị, đồng thời là trưởng nhóm tác giả tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cơ sở GDNN tỉnh lần thứ III, năm 2022. Nhóm có 3 giảng viên khác thuộc Khoa Điều dưỡng của trường là các cô giáo: Phan Thị Tố Loan, Đinh Thị Thanh Xuân và Lê Thị Kim Cúc.

- Được biết vừa qua, sản phẩm của nhóm đã xuất sắc vượt qua sản phẩm của 33 tác giả đến từ 8 đơn vị GDNN khác nhau trên địa bàn tỉnh, giành giải Nhất hội thi. Vậy cảm xúc của cô và các thành viên trong nhóm như thế nào khi đạt được kết quả đó?

- Thú thực, đây là lần đầu tiên nhóm chúng tôi tham gia hội thi, với mục đích học hỏi, giao lưu là chính. Hơn nữa, các ý tưởng, sản phẩm trong hội thi của các đơn vị đều được đầu tư và chuẩn bị rất công phu. Do đó, khi biết mình đoạt giải Nhất cuộc thi, chúng tôi không chỉ bất ngờ mà còn cảm thấy vinh dự, tự hào. Đây là thành quả của không chỉ riêng nhóm chúng tôi mà còn có sự hỗ trợ của tập thể khoa và lãnh đạo nhà trường.

Nhóm của cô Lê Thị Phương xuất sắc giành chiến thắng trong Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cơ sở GDNN tỉnh lần thứ III, năm 2022 - Ảnh: T.P
Nhóm của cô Lê Thị Phương xuất sắc giành chiến thắng trong Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cơ sở GDNN tỉnh lần thứ III, năm 2022 - Ảnh: T.P

- Cô hãy giới thiệu cụ thể hơn về sản phẩm dự thi của nhóm mình?

- Sản phẩm dự thi của nhóm chúng tôi gồm có các mô hình: “Vết thương có khâu” và “Rau thai có dây rốn”. Đây là 2 mô hình được thiết kế gần giống với thực tế, sẽ được áp dụng trong quá trình giảng dạy thực hành và tích hợp cho các bài Thay băng cắt chỉ và Chăm sóc giai đoạn 3 của chuyển dạ bằng phương pháp tích cực cho nhiều đối tượng học, bao gồm sinh viên điều dưỡng, y sĩ, hộ sinh, nhân viên y tế thôn bản.

Cụ thể, với mô hình “Vết thương có khâu”, nguyên liệu chuẩn bị chỉ cần gạc đắp vết thương, băng dán, kim chỉ khâu, kìm kẹp kim. Sau khi dùng băng dán y tế dán 3 lớp dọc theo 2 bên miếng gạc đắp vết thương sao cho chỗ nối của 2 miếng băng dán nằm ở chính giữa miếng gạc, tiếp tục dùng vải thun mỏng màu kem hoặc băng thun bọc bên ngoài để tạo vết thương. Sau đó khâu lên miếng băng dán giống như khâu một vết thương thật và gắn vào mô hình hoặc người bệnh giả định tại vị trí giả định có vết thương. Đối với mô hình “Rau thai có dây rốn”, chúng tôi chuẩn bị nhiều vật liệu hơn bao gồm vải thun mềm màu kem, đỏ, xanh; kéo, thước dây, bông, bút màu, kim chỉ; tất da mỏng.

Sau đó, chúng tôi tiến hành dùng vải lưới màu kem may mặt màng bánh rau, vải thun mềm màu trắng đục may mặt màng rau và dùng bút lông 2 màu xanh đỏ vẽ các mạch máu. Tiếp tục dùng vải màu đỏ cắt thành hình tròn đường kính khoảng 15 cm, dày 2,5 - 3 cm, lót bông phía trong cùng, ngoài phủ vải và may chia làm 15 - 20 múi rau. Lớp ngoài cùng dùng tất da để bọc dây rốn, lớp trong dùng vải màu xanh cuộn tròn làm 2 động mạch, vải màu đỏ cuộn tròn làm 1 tĩnh mạch. Một đầu dây rau bám vào bánh rau, đầu kia của dây rau bám vào rốn thai nhi. Chiều dài 60 cm, tương đương với chiều dài của dây rốn thật. 

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức định kỳ 3 năm một lần, dành cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo tại các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm đào tạo nghề trong toàn tỉnh. Đây là cơ hội để các đối tượng dự thi thể hiện niềm say mê nghiên cứu khoa học, phát huy tiềm năng trí tuệ để sáng chế ra các thiết bị đào tạo nhằm ứng dụng vào quá trình giảng dạy; tạo môi trường thi đua dạy tốt - học tốt, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy, tiết kiệm kinh phí đào tạo cho các cơ sở đào tạo. Đồng thời chọn ra thiết bị xuất sắc tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.

Chúng tôi sáng tạo sản phẩm hoàn toàn bằng phương pháp may thủ công với những nguyên vật liệu đơn giản, giá thành rẻ nhưng tính ứng dụng lại rất cao. Mô hình có tính thực tế, thẩm mỹ, do đó thu hút, lôi cuốn, tạo sự hứng khởi cho người học. Thực ra, những năm qua, chúng tôi đã sáng tạo rất nhiều sản phẩm tương tự để hỗ trợ trong việc dạy học của mình. Nhưng để tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cơ sở GDNN tỉnh lần thứ III, năm 2022, các thành viên trong nhóm đã mất khoảng 1 tháng trời để lên ý tưởng, bàn bạc và hoàn thành sản phẩm dự thi.

- Vậy tính ứng dụng của sản phẩm trong thực tế ra sao, thưa cô?

- Khi bắt đầu sáng tạo ra một thiết bị dạy học, một mô hình, chúng tôi đều suy nghĩ và đặt tính ứng dụng thực tế của nó lên hàng đầu. Và sản phẩm dự thi lần này cũng thế. Thực tiễn cho thấy, việc dạy - học thực hành trên mô hình hoặc người bệnh mô phỏng trước khi thực hành trên người bệnh là rất quan trọng, giúp hạn chế tối đa mọi tai biến có thể xảy ra.

Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng được sản xuất và phân phối trên thị trường, nhiều mô hình có giá thành rất cao gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động dạy - học thực hành tại các cơ sở. Để đáp ứng những yêu cầu trong thực tiễn dạy - học, chúng tôi đã tự tạo ra các mô hình “Vết thương có khâu” và “Rau thai có dây rốn” gần giống với thực tế. Hai mô hình này sau khi đưa vào sử dụng trong công tác đào tạo cho sinh viên thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe sẽ giúp sinh viên có cơ hội được thực hành thuần thục trên mô hình trước khi thực hành trên người bệnh.

Việc thực hành trên mô hình hoặc mô phỏng có thể chấp nhận sinh viên mắc sai sót do chưa thành thạo kỹ năng, tạo cho sinh viên cơ hội rèn luyện kỹ năng thành thạo và có thời gian chuẩn bị tốt về năng lực. Hơn nữa còn đảm bảo an toàn cho người bệnh và tuân thủ đạo đức y học, sinh viên cần phải được thực hành nhiều lần trên mô hình hoặc mô phỏng đến khi thành thạo kỹ năng đó mới được thực hành trên người bệnh. Qua đó góp phần nâng cao tay nghề và kỹ năng thao tác nghề nghiệp.

Ngoài ra, mô hình cũng được tạo nên từ các nguyên vật liệu phổ biến trong đời sống, thân thiện với môi trường nên người học có thể tự nhân rộng thành sản phẩm học tập của cá nhân để có nhiều cơ hội tự học, tự rèn tại nhà, hình thành kỹ năng trong quá trình thao tác.

- Vậy kế hoạch trong thời gian tới của nhóm là gì?

- Trước mắt, chúng tôi đang nghiên cứu, thử nghiệm các loại vật liệu làm mô hình đảm bảo gần giống với thực tế trên người bệnh để tiếp tục tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 10/2022 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời trong quá trình công tác của mình, tôi sẽ cùng các giảng viên, sinh viên của trường tiếp tục sáng tạo ra nhiều mô hình hơn nữa để phục vụ công tác dạy - học và tiết kiệm chi phí cho nhà trường.

- Xin cảm ơn cô

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Lan tỏa yêu thương”, tổng kết trao giải hội thi Dân vũ thể thao trực tuyến

Minh Đức |

Ngày 28/6, tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu-Lan tỏa yêu thương” và tổng kết trao giải hội thi Dân vũ thể thao trực tuyến.

Hội thi “Thanh niên nói không với ma túy” 2022

Bảo Phú |

BCH Đoàn Thanh niên xã Tân thành (Hướng Hóa, Quảng Trị) vừa phối hợp với Đoàn cơ sở Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, Đoàn Thanh niên phòng PV 04- Công an tỉnh Quảng Trị, tổ chức hội thi “Thanh niên nói không với ma túy”.

Hội thi “Gia đình toàn mỹ năm 2022”

Bích Liên |

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới vừa tổ chức hội thi “Gia đình toàn mỹ năm 2022”.

1.770 hội viên phụ nữ tham gia hội thi Dân vũ thể thao trực tuyến

Huyền Trang |

Sau gần 1 tháng phát động hội thi Dân vũ thể thao trực tuyến, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã nhận video dự thi của 137 đội, nhóm, câu lạc bộ với sự tham gia của hơn 1.770 cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội thi trở thành hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi ở cơ sở, tạo hiệu ứng lan tỏa tinh thần dân vũ, văn hóa trên các trang mạng xã hội.