Với truyền thống đoàn kết, anh hùng cách mạng, với niềm tin, khát vọng phát triển, cùng với những thành tựu đạt được trong 46 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Lăng (Quảng Trị) đang ra sức thi đua, tạo ra những sự đột phá, đưa Hải Lăng vững bước phát triển để sớm trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Trị phát triển giàu mạnh.
Đã 46 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Năng Hợi, nguyên Xã đội trưởng xã Hải Phú, huyện Hải Lăng giai đoạn 1968-1975 vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tháng 3 lịch sử năm 1975. Lúc bấy giờ trong khí thế cả miền Nam tiến công và nổi dậy, quân và dân Quảng Trị cùng với các quân binh chủng chủ lực đã tiến hành chiến dịch tổng hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa ba thứ quân, tạo thành ba mũi giáp công, vây ép và đập tan hệ thống phòng ngự của Mỹ - ngụy. Đúng 18 giờ, ngày 19 tháng 3 năm 1975, huyện Hải Lăng, mảnh đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Sự kiện này đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi, góp phần tạo thế và lực mới, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Tâm sự cùng chúng tôi, ông cho hay: 46 năm qua, được sống trên mảnh đất quê hương, chúng kiến những làng quê hôm nào còn đầy rẫy đạn bom nay phủ một màu xanh của cây trái, đặc biệt ở vùng biển trước đây toàn là cát trắng nay hiện diện Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với nhiều công trình, dự án trọng điểm đang triển khai, ông và mọi người dân rất phấn khởi, tự hào và kỳ vọng mai này thôi Hải Lăng sẽ trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh.
Có thể nói, bước ra khỏi chiến tranh, từ hoang tàn đổ nát, mất mát, hy sinh, Hải Lăng bắt tay xây dựng lại từ đầu và từng bước hồi sinh. Đặc biệt, từ năm 1990 sau khi chia tách từ huyện Triệu Hải, cán bộ và nhân dân Hải Lăng đã đoàn kết, đồng lòng, đồng sức vượt qua mọi khó khăn, làm cho bộ mặt quê hương ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ, chú trọng thâm canh nên năng suất lúa bình quân đạt 62 tạ/ha/vụ, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8,3 vạn tấn/năm. Bên cạnh đó, đầu tư kinh phí quy hoạch và xây dựng các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại và dịch vụ, du lịch nên tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt 12,05%, năm 2020 vừa qua thu ngân sách trên địa bàn đạt 155 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư trên 100 ngàn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 58,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,49%, tạo việc làm mới cho 1.100 lao động, xuất khẩu hơn 200 lao động/năm, toàn huyện có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, 46 năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, quê hương Hải Lăng hôm nay đã có nhiều thay đổi đến ngỡ ngàng. Rõ nét nhất là khi về với Hải Thượng, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Kính cho biết: Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hải Thượng là địa bàn chịu nhiều mất mát hy sinh. Kết thúc chiến tranh, toàn xã có 438 liệt sĩ, 2 liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 92 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 341 thương binh, 30 bệnh binh. Với những công lao và sự hy sinh to lớn đó, ngày 20 tháng 12 năm 1969 xã được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng”. Năm 1982, được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xã Hải Thượng đạt được những thành tựu đáng kể, kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển mạnh, giáo dục, đào tạo có những tiến bộ mới, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ra sức khắc phục mọi khó khăn, năng động sáng tạo, thi đua xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Năm 2009 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2015, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2018, khi được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã tích cực thực hiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Chỉ tính từ năm 2018 đến 2020, với nguồn vốn huy động trên 71 tỷ đồng đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đến nay 100% đường liên thôn, trục thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định. 100% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, 100% các tuyến đường trục xã, thôn, xóm có hệ thống đèn chiếu sáng. Đồng thời, xây dựng hệ thống điện cao áp, điện năng lượng mặt trời, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, phát động phong trào trồng cây bóng mát, trồng hoa, làm hàng rào bằng cây xanh. Đặc biệt, chỉ đạo 2 HTX trên địa bàn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đảm nhận các khâu dịch vụ và hỗ trợ cho thành viên, xây dựng cánh đồng lớn, mô hình canh tác lúa hữu cơ. Do đó đã góp phần cùng với địa phương nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,8 triệu đồng và đến nay xã đạt 12/12 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư huyện ủy Hải Lăng Lê Thế Quảng nhấn mạnh: Với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực của chính mình, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã đoàn kết, đồng lòng, đồng sức, vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Điểm nổi bật đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp. Trong nông nghiệp chuyển dần theo hướng chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích hoặc một chu kỳ sản xuất, sản xuất hàng hóa, tạo ra những sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên so với yêu cầu đề ra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hiện nay, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Huyện ủy đang chỉ đạo thực hiện chương trình hành động với các nhóm giải phápcụ thể. Trên cơ sở định vị rõ về vị trí của mình trong tổng thể chung của tỉnh, đặt trong mối quan hệ phát triển với các địa phương có liên quan, tập trung làm tốt công tác quy hoạch và huy động nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở lấy phát triển công nghiệp là nền tảng, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn với hình thành vùng nguyên liệu, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với đảm bảo môi trường và vệ sinh phòng dịch, khai thác hiệu quả lợi thế diện tích rừng trồng, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn và trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Mặt khác, chú trọng phát triển kinh tế biển, coi đây là hướng đi chiến lược lâu dài và một trong các trụ cột phát triển của huyện, phát huy tối đa các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực ngư nghiệp để vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, tập trung dồn lực để huyện về đích nông thôn mới trước năm 2025.
Với truyền thống đoàn kết, anh hùng cách mạng, với niềm tin, khát vọng phát triển, cùng với những thành tựu đạt được trong 46 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Lăng đang ra sức thi đua, tạo ra những sự đột phá, đưa Hải Lăng vững bước phát triển để sớm trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Trị phát triển giàu mạnh.
(Nguồn: QRTV)