Hiện nay, trong quá trình sử dụng đất, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị muốn chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc bắt buộc là phải sử dụng đúng mục đích đất được giao và pháp luật cũng quy định người dân được phép chuyển đổi. Vậy nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nguyện vọng của người dân vẫn chưa được đáp ứng.
Từ nguyện vọng của người dân...
Một trong những bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đặc biệt ở quy mô cấp xã chưa hoàn thành. Riêng tại huyện Cam Lộ chưa hoàn thành việc in ấn bản đồ cấp xã. Đối với công tác kiểm kê đất đai ở cấp huyện, tỉnh vẫn chưa triển khai do chưa hoàn thiện chức năng trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm kỹ thuật… Chính vì vậy khi người dân có nguyện vọng chuyển đổi mục đích sử dụng đất buộc phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, liên quan đến nhiều quy định, hướng dẫn khác nhau.
Xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ hiện gồm 9 thôn nhưng có đến 6 thôn với 100 hộ dân có nhu cầu chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cây lâu năm sang đất ở. Trở lại với nguồn gốc đất, chúng tôi được biết từ năm 2000 trở về trước đất đai ở trên địa bàn thuộc Nông trường Tân Lâm (sau này là Công ty CP Nông sản Tân Lâm) quản lý và sử dụng. Từ năm 2000 Nông trường Tân Lâm đứng ra bán phần cây trên đất cho người dân. Theo đó, hàng trăm hộ ở xã Cam Nghĩa mua lại vườn cây rồi tiến hành làm giấy CNQSD đất với mục đích sử dụng là trồng cây công nghiệp lâu năm. Sau này khi Nông trường Tân Lâm bàn giao đất cho địa phương quản lý thì chủ yếu là giao đất trồng cây chứ không có quỹ đất ở. Do đó các hộ có diện tích đất mua lại của nông trường tự ý xây dựng nhà kiên cố trên phần đất được giao trồng cây công nghiệp lâu năm.
Ông Trần Văn Luyến ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa cho chúng tôi biết, kể từ năm 2002 gia đình ông mua lại lô tiêu gắn liền trên đất của Nông trường Tân Lâm với giá 35 triệu đồng có diện tích 6.800 m2 và được cấp giấy CNQSD đất trồng cây công nghiệp lâu năm. Đến năm 2007 do bức xúc về chỗ ở nên gia đình ông đã tự ý xây một ngôi nhà kiên cố trên phần đất trồng cây lâu năm. Hiện nay ông có nguyện vọng xin được chuyển đổi khoảng 300 m2 /6.800 m2 được cấp sang đất ở để tạo cơ sở pháp lý cho ngôi nhà hiện tại. Nguyện vọng trên còn xuất phát từ mong muốn có được chỗ ở ổn định và nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Vậy nhưng nhiều lần gửi đơn lên các phòng chức năng của huyện Cam Lộ mà chưa được giải quyết.
... Đến vướng mắc theo công văn hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường
Ông Nguyễn Văn Nam, Cán bộ địa chính xã Cam Nghĩa cho biết, từ năm 2010 đến 2020, UBND xã Cam Nghĩa có chủ trương quy hoạch tổng thể trong đó xác định những lô đất gần trục đường giao thông đưa vào diện chuyển đổi sang đất ở. Trước mắt là xã lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng từng bước hoàn thiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã. Vậy nhưng chủ trương của xã, nguyện vọng của người dân đang gặp vướng mắc từ văn bản hướng dẫn 1076 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng ở địa bàn xã Cam Nghĩa mà hiện nay ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi theo Hướng dẫn 1076/STNMT-QLĐĐ ngày 20/4/2020 của Sở TN&MT, tại mục 12 theo hướng dẫn 1076 giao trách nhiệm cho Phòng TN&MT cấp huyện trực tiếp thẩm định nhu cầu sử dụng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu thực tế của người sử dụng đất (lưu ý với các trường hợp xin chuyển mục đích với diện tích lớn hơn hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định); tránh tình trạng phân lô bán nền, hình thành tự phát các điểm dân cư không đáp ứng kết nối cơ sở hạ tầng, không đảm bảo các tiêu chuẩn quy định. Trong đó lưu ý: Việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở chỉ áp dụng đối với các thửa đất có vườn, ao trong cùng thửa đất gắn liền với đất ở hoặc từ thửa đất nông nghiệp có nguồn gốc tách ra từ thửa đất ở trong khu dân cư và phải có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Như vậy thì việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở chỉ được phép thực hiện đối với những thửa đất vốn đã có đất ở (vườn, ao, chuồng). Đối chiếu với hiện trạng sử dụng đất của 100 hộ dân ở xã Cam Nghĩa thì người dân không được phép chuyển đổi vì đất đang sử dụng là đất trồng cây lâu năm chứ chưa có một thửa nào được cấp phép là đất ở. Mặt khác, khi nhắc đến hiện trạng sử dụng đất tại Cam Nghĩa cần phải nhắc đến tình trạng xây nhà kiên cố trên đất. Đây là một bất cập trong công tác quản lý sử dụng đất của chính quyền địa phương nhưng ở đây chúng tôi chỉ quan tâm đến giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn.
Trước hết theo Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm “Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở”. Và theo Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 xác định rõ: UBND cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dựa trên 2 căn cứ: Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất của người dân. Như vậy, đối chiếu với Điều 52 và 57 của Luật Đất đai thì người dân được phép chuyển mục đích sử dụng đất bởi huyện Cam Lộ đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm và người dân đang có nhu cầu chuyển đổi để ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất lâu dài.
Tháo gỡ bằng cách nào?
Rõ ràng những quy định trong Luật Đất đai năm 2013 đã không ngăn cấm việc người dân có nhu cầu chuyển đổi thì tại sao Hướng dẫn 1076 của Sở TN&MT lại đưa ra những quy định “trói buộc” việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân. Tìm hiểu thực tế chúng tôi biết thêm rằng hiện nay người dân có nhu cầu chuyển đổi một phần nhỏ diện tích đất đã được cấp mà chính xác hơn là phần diện tích đất đang gắn với tài sản trên đất là ngôi nhà họ đang ở. Bởi theo quy định hạn mức chuyển đổi của UBND tỉnh Quảng Trị thì diện tích đất chuyển đổi tối đa của một hộ ở khu vực thành phố là 200 m2; vùng đồng bằng là 300 m2 và miền núi là 400 m2 . Hạn mức diện tích quy định này sẽ phù hợp với quy hoạch xây dựng và nhu cầu người dân để tránh tình trạng “bê tông hóa” khu vực nông thôn nếu cho phép người dân chuyển đổi hết toàn bộ diện tích đất nông nghiệp sang đất ở.
Bằng cách nào để tháo gỡ vướng mắc từ Hướng dẫn 1076 của Sở TN&MT, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Lê Văn Thanh việc người dân đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây công nghiệp lâu năm sang đất trồng cây dược liệu hay cây công nghiệp ngắn ngày là hợp lý bởi người dân được cấp giấy CNQSD đất trồng cây và cũng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Có chăng chỉ là sự cải tạo lại đất đai, phân khu trồng trọt, xây dựng nhà kính theo yêu cầu về công nghệ sản xuất. Riêng đối với các trường hợp có nhu cầu chuyển đổi sang đất ở là hoàn toàn hợp lý bởi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện đã phê duyệt. Mặt khác, người dân đã được cấp quyền sử dụng đất trồng cây công nghiệp dài ngày nay xin chuyển một phần diện tích đất sang đất ở là phù hợp với thực trạng sử dụng đất, phù hợp với nhu cầu thực tế cuộc sống của người dân, đồng thời tăng giá trị của đất. Đó là chưa kể việc người dân chuyển mục đích sử dụng sẽ đóng vào ngân sách nhà nước một khoản phí, từ đó tăng thu ngân sách cho địa phương. Nhưng để hạn chế tình trạng người dân xin chuyển đổi tràn lan, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, hình thành nên những khu, cụm dân cư nằm ngoài quy hoạch thì huyện chỉ đạo Phòng TN&MT khảo sát thực tế, hạn định diện tích chuyển đổi, hoàn thiện thủ tục trình cấp trên cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Đây là vấn đề bức thiết nhất hiện nay mà người dân mong muốn các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, tháo gỡ giúp người dân ổn định đời sống, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình và cho từng địa phương trên địa bàn huyện Cam Lộ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)