Sau gần một tháng vào vụ cá Nam, vụ đánh bắt thủy sản chính trong năm, đến thời điểm này, tại các địa phương ven biển của tỉnh, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các loại thủy sản xuất hiện nhiều, giá bán tương đối cao, ngư dân đang tập trung vươn khơi đánh bắt.
Hối hả vươn khơi
Liên tục trong những ngày qua, tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh, không khí lao động diễn hết sức khẩn trương, nhộn nhịp. Tại cảng cá Cửa Việt, mặc dù mới tờ mờ sáng nhưng nhiều tàu cá đã nối đuôi nhau cập cảng với khoang thuyền đầy ắp cá sau chuyến đánh bắt dài ngày. Vừa hối hả cùng với bạn thuyền bốc dỡ gần 2 tấn cá suôn, cá chuồn, cá ngừ… vừa đánh bắt được sau chuyến biển dài 15 ngày, thuyền trưởng tàu cá QT 93636TS Hồ Văn Thà vừa liên tục điện thoại cho các đại lý vận chuyển thêm nhiên liệu, đá lạnh, lương thực thực phẩm… để sẵn sàng cho chuyến ra khơi tiếp theo. Theo anh Thà, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, các luồng cá xuất hiện nhiều nên tàu cá của ngư dân đang tích cực vươn khơi bám biển. Với tàu cá của anh, ngay sau tết Nguyên đán đã liên tục trúng đậm cá trỏng, cá bạc má, cá thu, cá ngừ… mang lại thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/chuyến biển.
Cách đó không xa, trao đổi với chúng tôi khi vừa cùng với bạn thuyền bốc xếp xong hơn 10 tấn đá lạnh để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi dài ngày, ông Hồ Văn Anh, thuyền trưởng tàu cá QT 93366TS ở tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, đối với ngư dân, vụ cá Nam là vụ đánh bắt quan trọng nhất trong năm do thời tiết thuận lợi, ít mưa bão, biển êm, các luồng cá xuất hiện nhiều. Để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, ngay từ đầu năm ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để tu sửa máy móc; đưa tàu lên đà để sơn lại vỏ tàu chống hà bám; gia cố lại vàng lưới vây dài hơn 1.000 m; lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình tàu cá; máy thông tin liên lạc tầm xa; máy dò cá… Là tàu làm nghề lưới vây ở các ngư trường biển xa, nhiều năm nay tàu cá của ông Anh khai thác được sản lượng khá cao. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai nhưng nhờ bám ngư trường nên sau khi trừ chi phí ông cũng thu lãi được hơn 300 triệu đồng; các bạn thuyền cũng có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/chuyến biển. “Đợt này tôi dự tính sẽ vươn khơi trong khoảng 15 ngày, ngư trường sẽ từ 17 - 19 vĩ độ Bắc, 109 - 110 kinh độ Đông. Hiện tại việc chuẩn bị đá lạnh để bảo quản thủy sản; lương thực, nhiên liệu đã đầy đủ. Anh em bạn thuyền cũng đã phân công nhau kiểm tra máy móc, ngư lưới cụ kỹ càng. Hy vọng sẽ có chuyến biển bội thu”, ông Anh cho hay.
Cảng trưởng cảng cá Cửa Việt Lê Vĩnh Long thông tin, tuy mới bắt đầu bước vào vụ cá Nam nhưng bình quân mỗi ngày cảng cá tiếp nhận từ 10 - 15 tàu cá cập cảng bán hải sản; bốc xếp đá lạnh, nhiên liệu, ngư lưới cụ để vươn khơi. Nhiều tàu cá sau thời gian vươn khơi đã đánh bắt được nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá nục, cá ngừ, cá thu, mực lá, mực nang..., mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển. Theo ông Long, để hỗ trợ ngư dân, cảng đã duy trì lực lượng túc trực 24/24 giờ để sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng; bố trí địa điểm cho các phương tiện vận chuyển để bốc dỡ hải sản thuận lợi; đảm bảo an ninh trật tự tại cảng.
Tiếp sức cho ngư dân
Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Nguyễn Xuân Phương cho biết, địa phương có đội tàu cá hùng hậu nhất tỉnh với 197 tàu thuyền các loại, trong đó có 100 chiếc có chiều dài từ 15 m trở lên chuyên đánh bắt ở các vùng biển xa. Sản lượng thủy sản đánh bắt hằng năm đạt trên 7.000 tấn. Để khai thác vụ cá Nam đạt hiệu quả cao, sau khi kết thúc hoạt động khai thác vụ cá Bắc, UBND thị trấn đã hướng dẫn ngư dân nhanh chóng tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ; tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như máy dò ngang, máy tời thủy lực, đèn led… Đồng thời, tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ nghiêm Luật Thủy sản 2017 và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc hỗ trợ ngư dân mở rộng ngư trường, tìm kiếm các ngư trường mới cũng như hướng dẫn những phương pháp khai thác hợp lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhiều tàu cá của thị trấn đã liên tục trúng đậm cá duội, cá nục, cá thu…, mang lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ tàu. Ước tính sản lượng khai thác toàn thị trấn 3 tháng đầu năm đạt hơn 1.800 tấn”, ông Phương thông tin.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam, để vụ cá Nam giành được nhiều thắng lợi, Chi cục Thủy sản đã tăng cường công tác dự báo tình hình thời tiết; cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả. Khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cao công suất tàu cá; đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại trong khai thác cũng như bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển. Nhân rộng mô hình tổ, đội liên kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là Luật Thủy sản 2017 và các quy định chống khai thác IUU. Hướng dẫn thực hiện các chính sách phát triển thủy sản như bảo hiểm tàu cá; duy tu, sửa chữa tàu cá; hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác trên các vùng biển xa… nhằm động viên ngư dân bám biển. “Hiện tại ở các lô 114 và 116 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, Công ty ENI phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tiến hành khảo sát địa chấn. Đây cũng là các ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Trị. Do vậy, khi hoạt động trong khu vực này ngư dân cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của lực lượng chức năng nhằm đảm bảo an toàn hàng hải”, ông Nam lưu ý thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)