Làm gì để khai thác tiềm năng du lịch biển?

Trần Tuyền |

Quảng Trị có nhiều bãi biển sạch đẹp, môi trường trong lành và nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, rất thuận lợi để phát triển du lịch biển. Có thể khẳng định, ngành du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, du lịch biển vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Thế mạnh phát triển du lịch biển

Quảng Trị có bờ biển dài khoảng 75 km, trải dài dọc 16 xã miền biển thuộc 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ. Tỉnh còn có 2 cửa lạch (Cửa Việt, Cửa Tùng) và ngư trường đánh bắt hải sản rộng lớn có giá trị kinh tế cao. Dọc bờ biển có nhiều bãi tắm sạch đẹp như bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải cùng nhiều bãi tắm vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng như Trung Giang, Triệu Lăng, Mỹ Thủy… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển.

Cơ sở hạ tầng ở Khu du lịch cộng đồng Gio Hải được đầu tư hoàn thiện - Ảnh: T.T​
Cơ sở hạ tầng ở Khu du lịch cộng đồng Gio Hải được đầu tư hoàn thiện - Ảnh: T.T​

Nhận diện những tiềm năng, lợi thế to lớn về du lịch biển của địa phương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế biển đảo, hướng vùng biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ thành khu du lịch biển hiện đại, tạo tiền đề để biến khu vực này thành khu du lịch mang tầm quốc gia. Với chiến lược đầu tư phát triển du lịch biển, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển các khu du lịch; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch biển, đảo. Chú trọng thu hút một số dự án mang tính động lực, tập trung tại các vùng ven biển như: Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; dự án xây dựng cảng biển Mỹ Thủy, xây dựng khu nghỉ dưỡng Sê Pôn Resort, xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp lữ hành (7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa); 196 cơ sở lưu trú với hơn 3.227 buồng, 5.597 giường đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Trong năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẩm định 13 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Đối với Cồn Cỏ, mặc dù diện tích không lớn nhưng có vị trí khá thuận lợi, vừa gần đất liền vừa có thể mở hướng vươn khơi phát triển kinh tế biển đảo trong tam giác Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ, chưa chịu sự tác động nhiều của con người. Khi đến với Cồn Cỏ, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng các thềm đá ba dan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát và thả mình trong làn nước biển mát trong. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn nguyên vẹn với nhiều tầng cây cỏ, thảm thực vật phong phú. Đó là những điều kiện cần để khai thác tiềm năng du lịch biển, đảo.

Cơ sở hạ tầng của đảo Cồn Cỏ ngày càng được đầu tư đồng bộ để phục vụ khách du lịch - Ảnh: T.T​
Cơ sở hạ tầng của đảo Cồn Cỏ ngày càng được đầu tư đồng bộ để phục vụ khách du lịch - Ảnh: T.T​

Cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp để phát triển du lịch biển, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Văn Bình cho hay, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng phải nhìn nhận khách quan rằng, tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong chiến lược phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng. Cụ thể, cách thức làm du lịch thời gian qua chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa có sức hút… Muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì du lịch phải đóng góp vào GRDP của tỉnh trên 10%. Đầu nhiệm kỳ vừa qua, giá trị gia tăng ngành du lịch chỉ chiếm khoảng 4,7% GRDP của tỉnh. Sau đó, tỉnh Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung gặp phải sự cố ô nhiễm môi trường biển nên du lịch bị ngưng trệ. Nhờ sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị nên đến cuối năm 2019, ngành du lịch đóng góp khoảng 5,6% và đến cuối năm 2020 thì đóng góp gần 7% vào GRDP của tỉnh.

Bãi tắm Cửa Tùng, nơi từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm” - Ảnh: T.T​
Bãi tắm Cửa Tùng, nơi từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm” - Ảnh: T.T​

Theo ông Bình, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Vì vậy, trước tiên cần phải thay đổi, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân về phương thức, kỹ năng làm du lịch. Bên cạnh các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách riêng, trong đó có cơ chế đặc thù và chính sách đột phá để phát triển du lịch. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch. Sớm hoàn thành quy hoạch khu vực đô thị ven biển, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ - du lịch ven biển. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng của Quảng Trị. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là dự án của các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo bước phát triển đột phá cho du lịch tỉnh. Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch. Tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng làm du lịch chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới… Nếu làm được những điều này, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Quy hoạch trục đô thị hành lang kinh tế ven biển

An Phong |

Ngày 16/4/2021, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp để nghe Sở Xây dựng báo cáo định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị; quy hoạch xây dựng thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) định hướng lên quy mô thị xã. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành; các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng.

Hoạt động du lịch biển Cửa Việt khởi sắc trở lại

Hoài Diễm Chi |

Từ đầu năm 2021 đến nay, thời tiết khá thuận lợi, công tác phòng, chống COVID-19 hiệu quả nên lượng khách trong, ngoài tỉnh và quốc tế đến với Khu du lịch Cửa Việt, huyện Gio Linh để tắm biển, vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực, nghỉ dưỡng…bắt đầu tăng. Thị trấn Cửa Việt, các công ty, doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán kinh doanh dịch vụ đã triển khai tốt các phương án đón đầu mùa du lịch biển 2021, đáp ứng tốt nhất nhu cầu và đem đến sự hài lòng cho du khách.

Xây dựng cảng biển Mỹ Thủy trở thành dự án kiểu mẫu

Lâm Thanh |

Đó là mong muốn của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan khi đoàn công tác của Đại sứ quán và doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhằm trao đổi, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc vào chiều nay 30/3/2021.

Gio Linh khởi sắc từ kinh tế biển

Nguyên Bảo |

Với đường bờ biển dài, bãi tắm đẹp, tập trung nhiều tàu thuyền khai thác hải sản, kinh tế biển hiện đang là thế mạnh của huyện Gio Linh (Quảng Trị). Huyện Gio Linh đã có nhiều khởi động trên các lĩnh vực du lịch, đánh bắt thủy hải sản và kêu gọi đầu tư đang tạo đà cho một năm với những khởi sắc mới từ kinh tế biển. Địa phương đã và đang có chiến lược quan trọng nhằm từng bước khai thác phát huy tốt tiềm năng và lợi thế từ biển phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.