Thời gian qua, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) tích cực triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp kết hợp với xây dựng nông thôn mới.
Nhờ vậy, ngành nông nghiệp nơi đây được đẩy mạnh phát triển theo hướng tạo ra các sản phẩm phù hợp với nông nghiệp ven đô. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp trên địa bàn đúng hướng, tăng dần tỉ trọng chăn nuôi, đã hình thành các phương thức tiêu thụ liên kết; thu nhập của người dân vùng nông thôn được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Thực hiện Kết luận số 168-KL/TU, ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của UBND tỉnh, Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các phường, xã triển khai các văn bản hướng dẫn, các chính sách đến người dân để phát triển sản xuất, xây dựng những mô hình mới có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phù hợp với điều kiện tự nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng đề án, kế hoạch triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thị xã trong năm 2022.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều chỉ tiêu thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở thị xã đạt và vượt. Tỉ trọng chăn nuôi năm 2022 đạt 60,38 % (kế hoạch trên 50%, đến năm 2025 là 58%).
Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 313,5 tấn, đạt 149,2% kế hoạch năm. Diện tích trồng lúa chất lượng cao 462,8 ha, chiếm 89,85% tổng diện tích gieo trồng (kế hoạch trên 80% tổng diện tích gieo trồng lúa). Tỉ lệ che phủ rừng 58,4% (kế hoạch 57 - 58% ).
Xây dựng được 2 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm: trồng lúa chất lượng cao theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm với Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh và mô hình chăn nuôi gà theo hướng VietGAP có liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH MTV Thái Anh Quảng Trị (trong đó có 2 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất lúa thương phẩm).
Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình như: sản xuất rau an toàn tại xã Hải Lệ, vùng trồng hoa tập trung quy mô 0,5 ha tại phường An Đôn; trồng cây ăn quả tại xã Hải Lệ với diện tích 0,66 ha; chuyển đổi cơ cấu giống ngô chất lượng cao (HN88) trên đất trồng màu cho 159 thành viên (hộ) của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tích Tường với diện tích 11,15 ha; chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh tại xã Hải Lệ theo Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh trong năm 2022, với số tiền hỗ trợ từ ngân sách 100 triệu đồng, quy mô 10 con bò thịt lai zebu; chăn nuôi gà thịt thả vườn theo hướng VietGAP tại xã Hải Lệ với quy mô ban đầu 500 con gà giống lai chọi...
Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn tại Phường 3. Thị xã cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người ở địa bàn nông thôn đạt 40 triệu đồng/người (tăng 1,1 lần so với năm 2020), tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,63%.
Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được thị xã quan tâm đẩy mạnh. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm ném Như Lệ của HTX Sản xuất vật liệu và khai thác cát sạn Như Lệ.
Đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ném thâm canh và phòng trừ sâu bệnh cho HTX chủ động sản xuất. Hỗ trợ các cơ sở xây dựng dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nấm sò, nấm rơm, nuôi dúi thương phẩm, nuôi cá lóc thương phẩm. Từ nhiều nguồn vốn, thị xã đã tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề cho 221 lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp với tổng kinh phí là 271 triệu đồng.
Thông qua việc đào tạo và giới thiệu nghề, nhiều lao động vùng nông thôn có cơ hội tạo thêm việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp để cải thiện thu nhập, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, thị xã Quảng Trị tập trung quy hoạch, chuyển đổi những loại cây trồng có giá trị, phù hợp với điều kiện thời tiết, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất. Tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vùng có lợi thế, theo hướng trang trại tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Phát triển chăn nuôi bò theo hướng bán thâm canh kết hợp trồng cỏ. Khuyến khích phát triển một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: chăn nuôi hươu lấy nhung, chăn nuôi dê; thực hiện chuyển dịch tăng dần tỉ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỉ trọng trồng trọt trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xã nông thôn mới. Xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Tập trung sửa chữa và xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và công trình thủy lợi, hệ thống điện để thuận tiện cho việc phục vụ sản xuất, vận chuyển và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Đầu tư xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp để có cơ sở hạ tầng phát triển trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư thiết bị máy móc chế biến sâu các mặt hàng nông sản trên địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)