Gần nửa tháng nay, ngư dân các xã bãi ngang ven biển của tỉnh Quảng Trị liên tục “trúng đậm” sứa biển. Chỉ sau vài giờ đánh bắt, bình quân mỗi thuyền có thể vớt được hàng tạ sứa, mang lại thu nhập khá cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi.
Những ngày này, tại các xã bãi ngang ven biển, không khó để chúng ta bắt gặp những đoàn thuyền nối đuôi nhau cập bờ mang theo những khoang thuyền đầy ắp sứa biển. Theo chia sẻ của các ngư dân, mùa đánh bắt sứa bắt đầu từ sau tết Nguyên đán đến khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm. Không như các loại hải sản khác phải đánh bắt xa bờ, sứa chỉ cần ra cách bờ khoảng 300 - 500m, tối đa cũng chỉ từ 1 - 2 hải lý là đã có thể khai thác được. Việc đầu tư ngư lưới cụ cũng khá đơn giản, ít tốn kém hơn so với các nghề khác. Chỉ cần một tay lưới, một cây vợt chắc chắn là có thể ra khơi đánh bắt sứa.

Tại bãi biển xã Trung Giang, huyện Gio Linh, nhờ đánh trúng luồng sứa nên chỉ sau 3 giờ đánh bắt, thuyền của ngư dân Nguyễn Văn Phụng ở thôn Cang Gián đã cập bờ mang theo gần 70 kg sứa biển tươi ngon. Theo anh Phụng, năm nay mùa sứa đến sớm, lại tập trung gần bờ nhiều nên rất dễ đánh bắt. Ngư dân chỉ cần dong thuyền ra cách bờ khoảng 200 - 300m là đã thấy sứa nổi lập lờ trên mặt biển. Nếu dò trúng luồng sứa thì chỉ cần dùng vợt để vớt sứa lên thuyền. Do đã được đặt hàng từ trước nên toàn bộ số sứa đánh bắt về được thương lái thu mua ngay tại bờ với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
“Trung bình một ngày tôi ra khơi từ 2 - 3 chuyến, đánh được từ 1,5 - 2 tạ sứa. Đánh bắt gần bờ nên chi phí không bao nhiêu, mỗi chuyến chỉ tốn 3 - 4 lít dầu, trừ chi phí cũng thu được trên 2 triệu đồng”, anh Phụng phấn khởi nói.
Cách đó không xa, đưa hơn 1 tạ sứa vừa đánh bắt vào bờ nhập cho thương lái xong, anh Trương Xuân Lành cùng ở tại xã Trung Giang vui vẻ cho biết, sau những ngày biển động do không khí lạnh, sứa xuất hiện nhiều, kích cỡ khá lớn lại tập trung ven bờ. Để đánh bắt, ngư dân dùng những tấm lưới dài từ 300 - 500 m để vây lại, dùng vợt vớt khỏi mặt nước hoặc dùng tay ôm sứa ném vào lòng thuyền. Một mẻ lưới có thể kéo được khoảng chục con sứa với nhiều kích cỡ khác nhau. Nghe qua thì đơn giản nhưng để vớt được sứa không phải dễ dàng. Hầu hết sứa đều rất nặng, trung bình mỗi con nặng khoảng 10 - 20 kg, có con to lên đến 30 - 40 kg nên đòi hỏi ngư dân đánh bắt sứa phải có sức khỏe.
Theo anh Lành, bình quân mỗi chuyến ra khơi từ 3 - 4 giờ, thuyền của anh vớt được từ 1 - 1,5 tạ sứa. Ngoài sứa còn có cả cá cháo, ghẹ mắc vào lưới. “Sứa hiện đang tập trung nhiều ở vùng biển cách bờ khoảng 300 - 700 m và trôi dập dềnh trong nước. Giá sứa đầu mùa đang được thương lái thu mua từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Với 2 chuyến biển mỗi ngày, trừ chi phí tôi và một bạn thuyền bỏ túi từ 1 - 1,5 triệu đồng mỗi người”, anh Lành cho hay.
Tương tự, tại xã bãi ngang Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, thời điểm này, ngư dân đang tích cực ra khơi đánh bắt sứa. Bình quân mỗi thuyền sau 3 - 4 giờ có thể vớt được từ 1 - 2 tạ sứa. Do đánh bắt gần bờ nên mỗi thuyền có thể ra khơi từ 2 - 3 chuyến/ngày. Những ngày thời tiết đẹp, biển lặng, sóng êm là lúc đánh bắt được nhiều sứa nhất. Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Đặng Quang Hải cho biết, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, toàn xã đã đánh bắt được trên 75 tấn hải sản các loại, trong đó riêng sứa đã trên 35 tấn. Với giá thu mua của thương lái từ 7.000 - 15.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp ngư dân có điều kiện trang trải cuộc sống cũng như tu sửa ngư lưới cụ để tiếp tục vươn khơi bám biển.
Sứa biển sau khi thu mua được thương lái sơ chế và phân loại thành 2 phần gồm đầu sứa và thân sứa trước khi đưa vào bán tại các chợ và nhập lại cho các nhà hàng, quán ăn. Đang thoăn thoắt sơ chế sứa ngay tại bờ biển, chị Nguyễn Thị Cúc, thương lái chuyên thu mua sứa tại xã Trung Giang cho biết, sau đánh bắt, chế biến sứa là một khâu rất quan trọng. Nếu không làm sạch thì chất nhầy trên cơ thể con sứa sẽ gây mùi tanh và khiến người ăn bị dị ứng. Việc sơ chế sứa được làm theo từng công đoạn tuần tự. Theo đó, sứa sẽ được chia thành 2 phần, phần thân sứa và đầu sứa. Những con có kích thước lớn còn được cắt thành những miếng từ 20 - 40 cm. Sau đó dùng cát biển chà xát liên tục lên thân sứa để loại bỏ những phần mỏng bên ngoài, nhiều nhớt. Cuối cùng là rửa lại bằng nước biển sạch.
Theo chị Cúc, hiện đang là đầu mùa, con sứa tươi đang ở độ giòn, ngon nhất nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19 nên hiện tại các cơ sở chế biến sứa khô trên địa bàn tỉnh đang đóng cửa, thương lái như chị chỉ bán được tại các chợ và nhập cho các nhà hàng, quán ăn. “Nếu xuất khẩu được thì giá thu mua sứa sẽ còn tăng thêm, ngư dân còn đạt thu nhập cao hơn”, chị Cúc cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)