Bảo vệ thiên nhiên hoang dã là bảo vệ sự sinh tồn của con người, bảo vệ sự cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, một số người dân đã kiếm sống bằng việc săn bắt động vật hoang dã gây tác động bất lợi đến hệ sinh thái. Trước thực trạng đó, những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các khu bảo tồn thiên nhiên tích cực ra qua quân tuần tra phát hiện và xử lý các đối tượng săn bắt, khai thác động vật hoang dã nhằm bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư theo mùa, bảo vệ tài nguyên rừng và tính đa dạng sinh học, duy trì và nâng cao chất lượng rừng.
Hằng năm vào mùa mưa lũ, ở vùng đồng bằng trên các cánh đồng còn vương rơm rạ của vụ hè thu xuất hiện nhiều loài chim hoang dã di cư đến kiếm ăn. Nhiều đàn chim hoang dã rất đông di cư đến trú ngụ góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái vùng đồng bằng của tỉnh. Trước hiện tượng thiên nhiên này, nhiều người dân đã nảy sinh kế kiếm sống bằng việc bẫy chim hoang dã. Tình trạng người dân dùng lưới, cọc tre dính nhựa, bẫy kẹp và các dụng cụ dẫn dụ bẫy bắt chim di cư xảy ra nhiều nơi.
Việc này làm giảm số lượng chim hoang dã, gây nguy hại đến hệ sinh thái, làm hủy hoại môi trường sống tự nhiên và hệ sinh thái. Để bảo tồn các loài chim hoang dã di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, các địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ động vật hoang dã. Theo đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bảo vệ chim hoang dã di cư đến sống trên địa bàn.
Để bảo vệ những đàn chim di cư, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng vừa phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an, Ban Chỉ huy Quân sự xã Hải Sơn ra quân tháo dỡ các loại bẫy chim được lắp đặt trên các cánh đồng toàn xã. Trong ngày đầu ra quân, lực lượng kiểm lâm đã tiêu hủy hơn 450 m lưới dùng để giăng bẫy bắt chim; 20 con cò giả làm mồi, 4 bẫy sắt, hơn 100 que tre, cọc chống. Cùng với việc phá hủy các dụng cụ bẫy bắt chim, lực lượng kiểm lâm cứu hộ, thả về tự nhiên nhiều cá thể chim di cư, chim hoang dã bị mắc bẫy.
Tại các khu bảo tồn thiên nhiên ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, các ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên cũng đã thành lập các đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy động vật hoang dã do người dân vào đặt trái phép trong các khu rừng tự nhiên. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thành lập 2 đội tuần tra bảo vệ rừng là: Đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng với 6 thành viên, trong đó có 4 thành viên là người dân địa phương; Đội tuần tra bảo vệ rừng chuyên sâu chuyên trách với 5 thành viên là viên chức bảo vệ rừng.
Qua 1 năm hoạt động, các đội đã nâng cao trách nhiệm trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy động vật hoang dã và đạt nhiều kết quả đáng kể, góp phần bảo vệ tốt nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Với việc áp dụng công nghệ trong công tác tuần tra thông qua ứng dụng Smart Mobile, các đội thuận tiện trong việc bảo vệ rừng và phát hiện các nơi đặt bẫy động vật, từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, đã phát hiện và tháo gỡ, thu giữ 1.117 bẫy động vật các loại.
Ngoài công tác tháo gỡ bẫy, các đội phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức 5 đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân các xã vùng đệm về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thu hút 240 lượt người tham gia.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuần tra, ngăn chặn triệt để việc đặt bẫy động vật hoang dã, chim di cư, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian tới, các hạt kiểm lâm, ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân vùng đệm và vùng đồng bằng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực.
Các khu bảo tồn thiên nhiên kêu gọi các nhà tài trợ để tiếp tục duy trì hoạt động của các đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy động vật hoang dã. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, truy quét nhằm tháo gỡ, tiêu hủy các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt động vật hoang dã, chim di cư và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển, buôn bán... động vật hoang dã trái phép theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ và ổn định quần thể động vật hoang dã, chim di cư, bảo vệ hệ sinh thái bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)