Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 304 dự án đầu tư với tổng vốn là 86.432 tỉ đồng, 5 dự án FDI mới với tổng vốn là 125,704 triệu USD. Nhiều dự án trọng điểm ở các lĩnh vực như năng lượng, thương mại-dịch vụ-du lịch đã được triển khai, góp phần tăng thu ngân sách. Bên cạnh việc chú trọng thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Trị cũng đang nỗ lực triển khai các chính sách nhằm dung hòa lợi ích giữa DN và người dân.
Điểm sáng trong thu hút đầu tư
Xác định thu hút đầu tư là đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH nên tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN). Trong giai đoạn từ 2017-2020, toàn tỉnh có 267 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư/ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 113.279 tỉ đồng, riêng các KCN, KKT có 58 dự án với tổng vốn đăng ký trên 32.000 tỉ đồng. Một số dự án trọng điểm có vốn đầu tư lớn như dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT1 Quảng Trị, Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, các dự án điện gió, dự án khu du lịch, dịch vụ…
Chỉ tính riêng từ quý 4/2020 đến tháng 8/2021, Quảng Trị đã thu hút đầu tư đạt trên 30 nghìn tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Trong số 304 dự án thu hút đầu tư, có khoảng 122 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 9.615 tỉ đồng, điển hình như Nhà máy sản xuất dụng cụ du lịch Jinquan, Nhà máy thủy điện La Tó, Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 và 2… Trong số các dự án được cấp phép đầu tư ngoài KCN, KKT có 122 dự án đã thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư với tổng số tiền 226,9 tỉ đồng.
Tính đến tháng 3/2021 có 79 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động. Đến đầu tháng 7/2021, hai khu kinh tế Lao Bảo, Đông Nam Quảng Trị cùng ba KCN Nam Đông Hà, Quán Ngang và Tây Bắc Hồ Xá đã thu hút được 174 dự án, trong đó có 116 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 104.580 tỉ đồng.
Một tín hiệu khả quan cho tương lai Khu KTTMĐB Lao Bảo khi được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Từ nay đến năm 2025, Khu KTTMĐB Lao Bảo tập trung thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật bãi chờ xuất và khu dịch vụ cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường giao thông nội bộ khu phi thuế quan...Ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thu hút nhiều dự án động lực như Cảng quốc tế Mỹ Thủy, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1, 3 có tổng vốn đầu tư hàng tỉ USD đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Ngoài ra còn thu hút được hàng chục dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, may mặc, vật liệu xây dựng…Trên lĩnh vực năng lượng có 31 dự án điện gió đã cấp chủ trương đầu tư, trong đó 2 dự án đã đi vào hoạt động; 26 dự án với tổng công suất 1.027,2 MW đang triển khai, trong đó có 16 dự án phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/10/2021. Đến nay, các dự án điện gió đã hoàn thành cơ bản 80% khối lượng, dự kiến kịp tiến độ bán điện thương phẩm trước tháng 11/2021. Điều quan trọng là các dự án đã nộp thuế xây dựng vãng lai, thuế nhập khẩu thiết bị và có 2 dự án đang hoạt động đã nộp thuế VAT nên đã góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh.
Dung hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp
Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc nổi cộm tạo bức xúc trong dư luận liên quan một số dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa gây mất trật tự, trị an. Có thể nhắc đến một số dự án như Dự án điện gió Tài Tâm của Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị, dự án điện gió Hoàng Hải của Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, dự án điện gió Amacao Quảng Trị 1 của Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh dù chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng vẫn đang tiến hành thi công tại các xã Hướng Lộc, Húc, Tân Liên, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa) đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong Nhân dân.
Qua thực tiễn triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh cho thấy, các dự án điện gió đang thiếu quy hoạch phát triển tổng thể về năng lượng cũng như chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường toàn vùng. Việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đang phụ thuộc vào việc bổ sung quy hoạch các dự án, quy trình, thủ tục triển khai một số dự án chưa đảm bảo quy định, biện pháp thi công một số dự án chưa đảm bảo. Do đó, về khách quan phải nhận thấy rằng việc người dân ở một số nơi chưa có sự đồng thuận với chủ đầu tư để phối hợp thực hiện có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư cũng như chính quyền, ban, ngành chức năng chưa làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, pháp luật của Nhà nước, chưa lấy ý kiến người dân để tìm sự đồng thuận trong triển khai dự án. Mặt khác, trong quá trình bồi thường GPMB để chạy đua với tiến độ, có không ít DN thực hiện bồi thường không nhất quán, người được bồi thường sau cao hơn người được bồi thường trước dẫn đến có sự so sánh, mâu thuẫn.
Nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để triển khai thực hiện các dự án nói chung, dự án năng lượng trên địa bàn huyện Hướng Hóa nói riêng được thuận lợi, thiết nghĩ chính quyền địa phương phải có cách làm phù hợp, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường GPMB. Đơn cử như ở xã Hướng Linh có 9 dự án điện gió triển khai, diện tích đất cần thu hồi là 160,7ha, ảnh hưởng đến 214 hộ dân. Trước khi thực hiện các dự án, Ban Thường vụ Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư. Xã đã thành lập Tổ tham mưu công tác GPMB xã và chỉ đạo các thôn thành lập các Tổ công tác do thôn trưởng làm tổ trưởng để phối hợp tuyên truyền, vận động các trường hợp vướng mắc trong công tác GPMB ở các thôn, bản. Đến nay, công tác GPMB một số dự án cơ bản hoàn thành đang gấp rút thực hiện.
Ngược lại khi người dân đã đồng thuận thì DN cũng phải đồng hành, nỗ lực để triển khai thực hiện dự án. Trên thực tế, đã có nhiều dự án được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, được tạo điều kiện về mặt bằng, cơ chế…tuy nhiên chậm triển khai thực hiện, gây mất lòng tin trong Nhân dân. Theo BQL Khu kinh tế tỉnh, hiện nay có một số dự án đã được khởi công tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhưng tiến độ triển khai chậm gồm Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị công suất 1.200MW do Công ty điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư khởi công vào tháng 11/2019; Nhà máy sản xuất INOX và Thép hợp kim do Công ty cổ phần thép hợp kim Tân Việt Quang làm chủ đầu tư khởi công tháng 2/2020; Dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị khởi công xây dựng vào tháng 10/2019...Một khi, chủ đầu tư chậm tiến độ triển khai hoặc chưa thực hiện các dự án so với cam kết đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân như xây dựng, sửa chữa nhà ở, đầu tư phát triển các ngành nghề, hệ thống đường giao thông bị xuống cấp…
Doanh nghiệp đề xuất xây dựng dự án resort, sân golf và khu đô thị với tổng vốn đầu tư 5.300 tỉ đồng
Đầu tư dự án đường tránh phía Đông thị trấn Gio Linh và thành phố Đông Hà
Làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân trong triển khai các dự án đầu tư trước hết cần đảm bảo nguyên tắc người dân và doanh nghiệp có sự thỏa thuận, thống nhất cao trong đền bù GPMB thực hiện dự án trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật. Chủ đầu tư đảm bảo các quy định về đánh giá tác động môi trường, giải pháp đào tạo, sử dụng lao động địa phương, giải quyết ổn thỏa vấn đề an ninh trật tự, đảm bảo đời sống dân sinh…Để thực hiện tốt những vấn đề này, vai trò của chính quyền các địa phương có ý nghĩa quan trọng, làm cầu nối để giải quyết những vấn đề liên quan giữa người dân và doanh nghiệp được thuận lợi, hai bên tìm được tiếng nói chung, đảm bảo lợi ích của cả hai phía.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là những vướng mắc trong đền bù GPMB, quy hoạch đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp và giải đáp nguyện vọng của dân, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện một số giải pháp, trong đó phân nhóm hỗ trợ đối với nhóm dự án vướng mắc về thủ tục, hồ sơ pháp lý; nhóm dự án vướng mắc về GPMB; nhóm dự án vướng mắc về quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nhóm dự án chậm tiến độ thực hiện…Chủ trương của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nhưng với quan điểm nhất quán không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh mà chú trọng phát triển bền vững. Đó chính là “nguyên tắc vàng” mà tỉnh Quảng Trị đang thực hiện.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)