Trên những miền quê đáng sống

Đức Việt |

Song song với chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng tăng lên thì điều để lại nhiều ấn tượng sau khi về đích nông thôn mới trên những làng quê ở huyện Cam Lộ là đã tạo được không gian xanh mát đầy sức sống, môi trường trong lành; Nhân dân phấn chấn thi đua lao động sản xuất, hăng hái làm giàu trên chính quê hương mình.

Chung sức, chung lòng dựng xây quê hương

So với cách đây gần 10 năm khi bắt đầu khởi động chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) thì đến thời điểm này đời sống vật chất, tinh thần và bộ mặt đô thị, làng quê ở huyện Cam Lộ đã mang những gam màu tươi tắn, dần trở thành những miền quê đáng sống. Có được thành công như bây giờ là cả một quá trình dài với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện về thôn, xóm và sự quyết tâm, chung sức chung lòng của cán bộ và Nhân dân.

Hàng rào chè tàu của gia đình ông Trương Văn Châu, thôn Thiết Xá, xã Cam Chính -Ảnh: ĐV​
Hàng rào chè tàu của gia đình ông Trương Văn Châu, thôn Thiết Xá, xã Cam Chính -Ảnh: ĐV​

Ông Nguyễn Văn Hiếu, trưởng thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính không giấu niềm tự hào khi sải bước trên con đường quê sạch đẹp dẫn tôi đi tham quan vòng quanh làng mình. Những con đường nhựa, đường bê tông giờ đã hoàn toàn thay thế những con đường đất “nắng bụi, mưa lầy trơn trượt” đặc trưng của xứ Cùa năm xưa. Cảnh quan làng quê giờ đây phủ một màu xanh của cây xanh và điểm xuyết dọc đường liên xã, liên thôn, xóm là những khóm hoa cây cảnh đầy màu sắc tươi vui. Các thiết chế văn hóa làng, xã được xây dựng hoàn thiện. Ông Hiếu cho rằng, để công cuộc xây dựng NTM nhận được sự ủng hộ, chung sức của Nhân dân thì phải tích cực tăng cường tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. “Song yếu tố cốt yếu là phải phát huy dân chủ, tức là mọi kế hoạch, mọi công việc phải thông qua dân, đưa ra cho dân bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất và quyết định. Thêm nữa là phải công khai minh bạch, rõ ràng các nguồn quỹ thu chi. Nhân dân chính là chủ thể của xây dựng NTM. Mai Lộc 2 nhờ làm được những điều ấy nên Nhân dân hết sức ủng hộ, nhờ vậy đến nay bộ mặt của nông thôn từng bước được khởi sắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Hệ thống chính trị ở khu dân cư được kiện toàn, hoạt động có nền nếp, đời sống kinh tế, tinh thần của bà con được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đến cuối năm 2019 đạt 41 triệu đồng/năm”, trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu vui vẻ cho biết.

Một số nét nổi bật đáng ghi nhận của huyện Cam Lộ trong quá trình xây dựng NTM là: 100% tuyến đường trục xã đến trung tâm huyện, đường liên xã với tổng chiều dài 124,8 km đã được nhựa hóa; 24/24 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100 thôn, bản có quy hoạch quỹ đất và xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và các sân chơi thể thao phục vụ nhu cầu Nhân dân; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt gần 43 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn 3,17%.​

Đến thời điểm này, toàn thôn Mai Lộc 2 “phủ sóng” được 100% điện thắp sáng đường quê với tổng chiều dài trên 4 km; xây dựng được 1.500 m đường hoa; người dân hiến 1.200 m2 đất và 200 cây các loại để mở thông thoáng các trục đường liên thôn, xóm. Thôn đã thành lập 1 tổ thu gom rác 3 lần/tháng và 1 tổ cắt cỏ vệ sinh 1 lần/ tháng, kinh phí chi trả do Nhân dân tự nguyện đóng góp. Hiện nay, Mai Lộc 2 đã được UBND xã Cam Chính đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu và chọn làm điểm nhấn của xã. Năm 2019, thôn được UBND tỉnh tặng bằng khen trong lễ Tổng kết 10 năm thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, UBND huyện tặng giấy khen 5 năm sơ kết xây dựng NTM. Đặc biệt, thôn được huyện quyết định công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu mức 1. Xây dựng NTM tại các thôn, xóm ở vùng Cùa, rất nhiều gia đình nơi đây không mặn mà với bê tông hóa tường rào, trụ cổng mà thay vào đó là họ trồng “hàng rào xanh”.

Tỉ mẩn cắt tỉa lại hơn 50 m chiều dài hàng rào xanh bằng cây chè tàu của gia đình mình, ông Trương Văn Châu ở thôn Thiết Xá, xã Cam Chính phấn khởi nói: “Hàng chè tàu này gia đình tôi trồng từ hơn 5 năm nay. Mỗi tháng tôi tự tay cắt tỉa 2-3 lần. Để hàng rào xanh đẹp thì phải chịu khó chăm sóc, cắt tỉa khá mất công nhưng bù lại nhìn mướt mắt rất dễ chịu. Nhiều nam thanh nữ tú hay đám cưới mỗi lần qua đây thường chụp ảnh lưu niệm, tôi cũng thấy vui. Vừa qua có người ở dưới thành phố Đông Hà lên trả hàng rào này 70 triệu đồng, nếu tôi đồng ý là họ cho xe lên múc chở về nhưng tôi quyết không bán, con cái cũng can ngăn. Thật sự hàng rào này mang giá trị tinh thần rất lớn. Ở xóm này cũng có nhiều gia đình trồng hàng rào xanh kiểu này, rất gần gũi với thiên nhiên”.

Những tuyến đường quê xinh đẹp với các loài hoa được trồng, chăm sóc thường xuyên -Ảnh: ĐV​
Những tuyến đường quê xinh đẹp với các loài hoa được trồng, chăm sóc thường xuyên -Ảnh: ĐV​

Bên khu nhà văn hóa thôn đang được xây dựng, ông Phan Thanh Bảo, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Trương Xá nói rằng bản thân và người dân địa phương hết sức tâm đắc vì con đường Hoàng Diệu, thành phố Đông Hà nối dài chạy qua thôn đã giúp tình hình kinh tế- xã hội nơi đây khởi sắc. “Nếu trước đây toàn thôn chủ yếu làm nông nghiệp thì đến nay nhờ đường sá phát triển nên cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang thương mại, dịch vụ nhiều hơn. Các ngành nghề như thợ nề, thợ may, dịch vụ thương mại, giao thương buôn bán phát triển nhanh nên thu nhập, mức sống của nhiều gia đình cải thiện rõ rệt. Những kết quả của xây dựng NTM có được như hôm nay đến từ công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả và nhận được sự đồng thuận, chung sức thực hiện của Nhân dân”, ông Bảo cho hay. Nhiều gia đình ở thôn Trương Xá tham gia cải tạo vườn tạp, xây dựng một số vườn mẫu có hiệu quả và được nhân rộng như trồng cây ăn quả sạch, sản xuất trồng rau sạch... Thu nhập bình quân đầu người của thôn đến nay đạt 42 triệu đồng/năm. Đường làng, ngõ xóm xanhsạch- đẹp, trục đường nối từ đường Hoàng Diệu đi qua làng có chiều dài 1.000 m vẫn giữ được 70 cây bóng mát lớn mà phần nhiều trong đó là xà cừ cổ thụ rất đẹp... Chất lượng cuộc sống và mức hưởng thụ các giá trị văn hóa của Nhân dân ngày càng nâng cao.

Làm giàu trên đất quê hương

Cùng với việc xây dựng không gian sống ở các làng quê, ở mỗi gia đình thì phong trào thi đua làm giàu, phát triển kinh tế của Nhân dân trên địa bàn cũng diễn ra sôi nổi và hiệu quả. Là người sinh ra và trưởng thành ở vùng Cùa, ông Nguyễn Văn Sửu ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sở hữu được cơ ngơi kinh tế vững vàng như bây giờ. Quyết tâm gắn bó với đất quê hương, cũng như đa số những người nông dân khác, ông chí thú làm ăn, xoay xở đủ kiểu với ruộng vườn để tạo kế sinh nhai và nuôi con ăn học. Sau hàng chục năm lăn lộn với đất quê, gia đình ông Sửu giờ đây đã sở hữu 10 ha rừng trồng; 3 sào hồ tiêu; chăn nuôi lợn gà và làm đại lý thức ăn gia súc. Và mới đây nhất là ông tậu thêm cho mình 2,5 ha vườn cây cao su với trị giá hơn 500 triệu đồng. Ông thật thà tâm sự, với sự cần cù chịu khó của cả hai vợ chồng mà những năm gần đây thu nhập đã trừ chi phí của gia đình ông đạt bình quân hơn 300 triệu đồng/năm. Cũng nhờ vậy mà đời sống của gia đình ông luôn sung túc, 2 đứa con hiện đang được đầu tư cho ăn học đại học đàng hoàng. Ông Sửu tâm sự: “Tôi mua vườn cao su đó là để làm nơi sau này cho thằng con đang học Đại học Nông lâm ra trường có nơi làm ăn. Ý định của tôi là sau khi con ra trường sẽ cho đi miền Nam học hỏi kinh nghiệm vài năm, sau đó trở về quê nuôi gà gia công để làm giàu. Tôi nghĩ đâu cũng không bằng quê hương và tôi nói với con rằng nếu sống được, giàu được ở ngay quê mình thì không cần phải đi đâu xa cả”.

Vườn mẫu kinh tế của gia đình ông Đỗ Bá Ái ở thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu -Ảnh: ĐV​
Vườn mẫu kinh tế của gia đình ông Đỗ Bá Ái ở thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu -Ảnh: ĐV​

Khoảng 5 năm trước, gia đình ông Đỗ Bá Ái ở thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu cải tạo vườn tạp, đầu tư vốn và được UBND xã hỗ trợ thêm 30 triệu đồng để xây dựng vườn mẫu phát triển kinh tế. Sau nhiều năm tạo lập, hiện nay khu vườn với diện tích 2.500 m2 của gia đình ông đã phủ một màu xanh um của những cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây chanh, bưởi và một số diện tích hoa màu. Khu vườn được đầu tư hệ thống tưới tự động, đầu tư mương tưới tiêu nội đồng và có lối đi trong vườn rất khoa học, tiện lợi. Mỗi năm từ khu vườn này, gia đình ông Ái có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ở xã Cam Hiếu hiện nay phong trào làm kinh tế bằng vườn mẫu phát triển khá mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hoài, Chủ tịch Mặt trận xã Cam Hiếu thì toàn xã hiện có tổng số 13 vườn mẫu trồng cây ăn quả và hoa màu các loại, trong đó có 3 vườn đủ tiêu chuẩn đã được cắm biển công nhận vườn mẫu. Thời gian tới xã sẽ xây dựng đề án chăn nuôi tập trung tại thôn Nam Hiếu 2. Sau khi được đầu tư hệ thống nước tưới và hệ thống điện sẽ thực hiện khoảng 5 ha dự kiến trồng lạc 2 vụ, rau, đậu đỗ các loại, bí ngô, khoai Đà Lạt, dưa.. kết hợp với trồng cỏ, chăn nuôi bò nhốt chuồng. Xã cũng sẽ đưa vào khai thác 220 ha cao su tại vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp của xã. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường kết nối thực hiện công tác xuất khẩu lao động... Tiếp tục xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng mới và nâng cấp các vườn mẫu, đường mẫu, chỉnh trang nông thôn, bảo vệ môi trường. “Chúng tôi hiểu xây dựng NTM, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu là một hành trình có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đồng thời thực hiện các giải pháp phù hợp để duy trì và giữ vững những thành quả đã đạt được, không ngừng xây dựng làng quê luôn khởi sắc, ấm no và hạnh phúc”, ông Trần Thanh Hoài, Chủ tịch Mặt trận xã Cam Hiếu cho biết.

Thong dong trên con đường quê tràn ngập sắc hoa, bà Phạm Thị Hoài Nam, cựu nữ thanh niên xung phong ở thôn Tân Hiếu, xã Cam Hiếu thấy lòng mình rất phấn chấn. Bà chia sẻ: “Có thể nói xây dựng NTM đã thổi một luồng gió mới đầy sức sống vào tận mỗi nóc nhà, thôn xóm ở huyện Cam Lộ. Không chỉ tình làng nghĩa xóm được thắt chặt mà những làng quê nơi đây dường như thêm tươi tắn, môi trường trong lành và đáng sống hơn rất nhiều. Tôi cho rằng sự cảm nhận, ghi nhận và mức độ hài lòng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp chính là kết quả thành công của xây dựng NTM”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xuống giống gần 120 hécta môn các loại

Nguyên Đồng |

Sau thời gian tích cực làm đất, từ đầu 8/2020, các hộ nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã bắt đầu xuống giống và đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất gần 120 hécta môn các loại. 

Xây dựng thị xã Quảng Trị đạt đô thị loại III vào năm 2025, hướng đến đô thị Hòa bình *

PV |

Trong 2 ngày 12 - 13/8/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Quảng Trị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội. Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Công tác giải phóng mặt bằng, nhìn từ thị trấn vùng biên Lao Bảo

Bích Liên |

Trong khi ở nhiều nơi, công tác giải phóng mặt bằng, nhường đất để xây dựng hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh gặp nhiều khó khăn thì tại thị trấn vùng biên Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), với ý thức xây dựng thị trấn trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, nhiều người dân sẵn sàng hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải phóng mặt bằng, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư vào địa bàn. Từ sự vào cuộc người dân để góp phần xây dựng đô thị văn minh, có thể thấy việc huy động sức dân, tạo sự đồng lòng, đồng sức trong nhân dân tại thị trấn Lao Bảo đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực.

Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng biển

An Phong |

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng biển, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã có nhiều giải pháp, chiến lược đúng hướng như tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh khai thác hải sản gắn với phát triển ngành nghề, dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển du lịch biển...