Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng biển

An Phong |

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng biển, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã có nhiều giải pháp, chiến lược đúng hướng như tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh khai thác hải sản gắn với phát triển ngành nghề, dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển du lịch biển...

Để từng bước trở thành huyện mạnh về biển, giàu lên từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển, huyện Gio Linh đã khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu vỏ thép, nâng cấp, thay thế tàu vỏ gỗ bằng gia cố vật liệu mới; trang bị ngư lưới cụ hiện đại để nâng cao năng suất, sản lượng đánh bắt thủy hải sản xa bờ; tập trung vào các nghề như lưới ghẹ, rập ốc, lưới mực nang, câu kiều, xăm lưới bãi ngang, lưới rê cá chim, câu lộng...

Đội tàu thuyền khai thác hải sản của huyện Gio Linh. Ảnh: AP
Đội tàu thuyền khai thác hải sản của huyện Gio Linh. Ảnh: AP

Đến nay, toàn huyện Gio Linh có 939 tàu, thuyền với tổng công suất 80.474 CV; thường xuyên củng cố, duy trì 9 tổ tàu, thuyền an toàn trên biển để phát triển sản xuất, cứu hộ, cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo…

Trong nuôi trồng thủy sản, huyện đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như khuyến khích người dân thực hiện việc đa dạng đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm thẻ chân trắng, các loại cua, cá nước lợ, ốc hương… trên diện tích hơn 52 ha. Nhờ vậy, tổng sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2020 trên toàn huyện ước đạt 11.994,7 tấn (đạt 78,65% kế hoạch). Bên cạnh đó, huyện đã chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vùng biển. Toàn vùng hiện có 345 cơ sở chế biến thủy sản, sửa chữa và đóng mới tàu, thuyền, sửa chữa cơ khí, mộc, nề dân dụng, đá lạnh, sản xuất vật liệu xây dựng…giải quyết việc làm cho trên 1.850 lao động.

Bên cạnh đó, việc phát triển nông-lâm nghiệp vùng cát ven bờ nhằm tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được huyện Gio Linh quan tâm. Các địa phương trên địa bàn huyện đã chú trọng phát triển sản xuất trên cát với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xác định các loại cây trồng phù hợp với từng vùng, từng địa phương như lúa, lạc, ném, dưa hấu, đậu các loại…; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch phù hợp với vùng cát; phát triển kinh tế vườn vùng cát theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm…

Trong chăn nuôi, huyện Gio Linh khuyến khích người dân nâng cao chất lượng sản phẩm; chăn nuôi theo hướng bán tập trung, bán công nghiệp; tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi và cho người dân mượn đất phát triển trang trại tổng hợp. Đến nay, vùng cát ven biển huyện Gio Linh có 18 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà, vịt. Nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi đã chủ động liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thức ăn, con giống…

Ngoài ra, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển, huyện Gio Linh đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển gắn với phát triển du lịch, các khu tắm biển từ Cửa Việt đến giáp Cửa Tùng; tổ chức các hoạt động tắm biển, nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình vui chơi, giải trí, thi đấu thể thao; phát triển hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ cho thuê do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng… góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch của vùng biển. Nhờ vậy trong năm 2019, có trên 300.000 lượt khách du lịch đến nghỉ dưỡng, tắm biển tại vùng biển huyện Gio Linh…

Nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Gio Linh trở thành một trong những địa phương phát triển bền vững kinh tế biển, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phát huy tối đa công suất, năng lực đánh bắt thủy hải sản của đội tàu đánh bắt xa bờ; vừa bám chắc ngư trường truyền thống, vừa vươn ra ngư trường mới, nâng cao hiệu quả khai thác vùng biển xa; du nhập thêm nhiều ngành nghề mới để khai thác các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ tốt gắn với bảo vệ nguồn lợi tài nguyên biển…; nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao ra toàn vùng cũng như các xã lân cận có lợi thế. Đầu tư phát triển nông- lâm nghiệp trên cát ven bờ với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại với các loại hình VAC, VACR... bền vững; hình thành mỗi xã, thị trấn một mô hình trồng rau quả an toàn, hướng tới tiêu chuẩn VietGAP... ; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp… Tích cực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Gio Linh nhằm sắp xếp, tổ chức lại sản xuất các ngành nghề có thế mạnh của vùng (trọng tâm là chế biến thủy sản); tập trung phát triển ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với nuôi trồng, khai thác thủy hải sản… Phát triển đồng bộ, đa dạng các hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch biển, đảo; tập trung phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển gắn với phát triển du lịch, các khu tắm biển từ Cửa Việt đến giáp Cửa Tùng; nghiên cứu, áp dụng vào thực tế các loại hình du lịch mới như du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…; huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch dọc tuyến biển Cửa Việt-Trung Giang; xây dựng, mở rộng các bãi tắm cộng đồng xã Trung Giang, Gio Hải; khuyến khích phát triển tàu khách du lịch biển Cửa Việt - Cồn Cỏ…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tìm giải pháp phát triển kinh tế tập thể ở địa bàn miền núi Hướng Hóa

Minh Hiển |

Đối với huyện miền núi Hướng Hoá (Quảng Trị) thì mô hình Hợp tác xã còn hoạt động là rất ít so với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đầu tư xây dựng một cách bài bản, có quy mô và hiệu quả hoạt động khá cao. Qua đó đã tác động tích cực đến hiệu quả lao động sản xuất của người dân, đồng thời góp phần hoàn thiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Những giải pháp tích cực sẽ được tiếp tục được triển khai để tạo động lực cho phát triển kinh tế tập thể nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trên lĩnh vực này trong thời gian tới.

Học sinh trung học phổ thông đã sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp

Tú Linh |

Những năm gần đây, nhiều học sinh Quảng Trị sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông (THPT) thay vì vào đại học đã chọn học nghề hoặc lao động trực tiếp để sớm có việc làm và thu nhập. Đây đang là một hướng đi phù hợp với thực tế được nhiều người quan tâm.

Làm sao để 1ha tôm thu 23 tỉ đồng?

Nhật Hồ |

Lao Động ngày 31.7 có thông tin Bạc Liêu 1ha nuôi tôm thu đến 23 tỉ đồng/năm. Ngay sau thông tin đăng tải, nhiều ý kiến cho rằng khó đạt đến mức này. Tuy nhiên, tại Bạc Liêu, chuyện nuôi tôm năng suất cao đã diễn ra nhiều năm nay nên doanh thu như vậy là không hiếm. Dù vậy để đạt doanh thu “khủng” này không phải chuyện dễ.

Cam Lộ: Đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng mô hình cây ăn quả hữu cơ công nghệ cao

Anh Vũ |

UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa có Quyết định số 1412/QĐ-UBND về việc phê duyệt thuyết minh dự án “Sản xuất cây ăn quả hữu cơ công nghệ cao theo chương trình OCOP” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2020.