Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc đen ở Đakrông

Bảo Bình |

Từ một sự khâu nối tình cờ, Cơ sở phát triển cây nông nghiệp và dược liệu của anh Trần Huy, ở thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã được Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp lựa chọn để triển khai sản xuất thí điểm giống lạc đen CNC1.

Đây là mô hình sản xuất giống lạc đen đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Qua vụ sản xuất đầu tiên, dù gặp nhiều điều kiện bất lợi do thời tiết, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, hứa hẹn nhiều triển vọng khi triển khai nhân rộng trong vụ mùa tới.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, trên diện tích đất phần lớn được dành để trồng sâm Bố Chính, anh Trần Huy dành ra khoảng 3 sào đất để trồng thí điểm giống lạc đen CNC1. Đây là giống lạc được Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc và các cộng sự tại Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp tuyển chọn từ nguồn vật liệu (nhập nội).

Giống lạc đen CNC1 có đặc điểm khác biệt với các giống lạc thường đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay là vỏ hạt màu tím sẫm nên gọi lạc đen (giống lạc thường trồng phổ biến hiện nay có vỏ hạt màu hồng nhạt). So với giống lạc thường, lạc đen CNC1 thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội như dạng hình cây gọn, thân đứng, phát triển khỏe. Lá của lạc đen có màu xanh đậm, ra hoa đậu quả tập trung, quả to, chắc, tỉ lệ hạt/củ trên 70%, ít bị nhiễm sâu bệnh hại... Đặc biệt, chất lượng của giống lạc đen có giá trị trong y học.

Anh Trần Huy với mô hình sản xuất lạc đen đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị - Ảnh: B.B
Anh Trần Huy với mô hình sản xuất lạc đen đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị - Ảnh: B.B

Kể về sự tình cờ khi được chọn để triển khai giống lạc mới này, anh Trần Huy cho biết, nhiều năm nay, Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao là khách hàng mà cơ sở của anh cung cấp sản phẩm sâm Bố Chính. Từ sự tin tưởng đối với sản phẩm do cơ sở anh sản xuất, trung tâm đã hỗ trợ giống lạc đen để anh triển khai trồng thử nghiệm trên vùng đất Triệu Nguyên.

Cũng tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ như đối với trồng cây sâm Bố Chính, anh Huy sử dụng phân bò đã qua xử lý và chế phẩm sinh học Emina áp dụng trồng và chăm sóc cây lạc đen. Mục tiêu là tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.

Vụ sản xuất đông xuân 2021 - 2022 gặp điều kiện thời tiết bất lợi, có nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến vùng trồng lạc Triệu Nguyên bị thất thu nặng nề, trong đó diện tích trồng lạc đen của anh Huy cũng bị ảnh hưởng. Đến kỳ thu hoạch, dù không được như kỳ vọng nhưng 3 sào lạc đen cũng cho 8 tạ củ tươi, năng suất đạt cao hơn so với giống lạc thông thường. “Tận dụng thời tiết nắng đẹp, tôi tranh thủ thu hoạch lạc để phơi khô, không phải sử dụng đến hệ thống sấy.

Trung bình khoảng 3 cân củ khô thì thu được 1 kg nhân lạc. Với số lượng nhân lạc thu hoạch được của vụ đầu tiên, tôi dự định dành ra một phần để ép dầu, phần còn lại để bán lạc giống. Hiện tại, lạc nhân làm giống có giá 190.000 đồng/kg. Đã có nhiều người đặt mua để triển khai trồng giống lạc mới này”, anh Huy cho biết.

Thời gian qua, giống lạc đen CNC1 đã được triển khai trồng ở nhiều địa phương trong cả nước như Thanh Hoá, Bắc Giang, Hoà Bình, Hải Dương, Thái Bình và vùng ven Thành phố Hà Nội... Qua quá trình thử nghiệm, các hộ dân tham gia thực hiện mô hình đều đánh giá cao giống lạc CNC1 về khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái của các địa phương.

So với các giống lạc hiện đang sản xuất phổ biến ở nhiều địa phương thì giống lạc đen CNC1 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn, cây phát triển khỏe. Tuy cách trồng và chăm sóc gần như các giống lạc thông thường nhưng lạc đen cho năng suất ước đạt 35 tạ/ ha, cao hơn giống lạc thông thường từ 15 - 20%. Đặc biệt, lạc đen rất được thị trường ưa chuộng, giá thu mua cao hơn các loại lạc khác đến 15%.

Dù mới triển khai trồng thử nghiệm nhưng anh Huy nhận thấy đây là giống lạc cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của vùng đất Triệu Nguyên và có triển vọng nhân rộng diện tích trong thời gian tới. “Ngoài dự định mở rộng diện tích trồng lạc đen để đảm bảo nguyên liệu cung ứng cho đơn vị liên kết là Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao, tôi mong muốn người dân trong vùng cùng tham gia trồng giống lạc mới này để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Đồng thời áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản”, anh Trần Huy chia sẻ.

Thành công bước đầu của mô hình sản xuất lạc đen của anh Trần Huy trên địa bàn xã Triệu Nguyên đã mở ra nhiều triển vọng cho hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng hóa của địa phương, thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng giống cây trồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chị em sinh đôi ở Phú Yên thất lạc 47 năm tìm thấy nhau nhờ làm căn cước công dân

Thanh Mai |

Bà B và C mới 6 tuổi đã đi ở đợ, một trong hai người đã lưu lạc 50 năm, người còn lại về nhà sau ngày đất nước thống nhất.

Đến Sa Pa mùa hồng leo như lạc vào... thiên đường

Thảo Vy |

Mua vé cáp treo tặng buffet Tây Bắc miễn phí, lại được ngắm cả thiên đường hoa hồng Sa Pa, còn lý do gì để không tới Fansipan mùa này?

Cuộc trùng phùng của hai chị em sau hàng chục năm thất lạc

Nguyễn Phúc |

Mất liên lạc hoàn toàn với người chị cùng cha khác mẹ suốt hàng chục năm trời, mãi đến những ngày đầu tháng 4/2022, nhờ sự “vào cuộc” của cộng đồng mạng, người em trai ở Quảng Trị mới tìm thấy người chị ở tận Quảng Ngãi… Cuộc trùng phùng của 2 chị em diễn ra trong niềm vui và hạnh phúc ngập tràn.

Đồng chí Lê Duẩn, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của của cách mạng Việt Nam

PV |

Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng.