Năng suất thu hoạch từ 4,5 - 5 tấn/ha, giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha, đó là những kết quả bước đầu từ mô hình trồng thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ triển khai tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung theo hướng hàng hóa, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ đã triển khai mô hình trồng thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại hộ chị Hoàng Thị Mỹ Châu, thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành với quy mô 1,2 ha. Giống cam được lựa chọn đưa vào trồng là giống cam Vinh gồm cam Xã Đoài lòng vàng, cam V2 và cam Vân Du.
Trao đổi với chúng tôi, chị Châu cho biết, nhờ được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ vật tư nên cây cam Vinh khi đưa về trồng có tỉ lệ sống khá cao, đạt trên 95%. Quá trình trồng và chăm sóc, gia đình chị được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên cây cam phát triển tốt, đúng với quy trình sinh trưởng, ít sâu bệnh. Hiện tại mô hình đang cho thu hoạch những lứa quả ngọt đầu tiên với năng suất từ 4,5 - 5 tấn/ha. Với giá bán tại vườn thời điểm hiện tại từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, ước tính ngay từ mùa thu hoạch cam đầu tiên, mô hình đã mang lại cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc cây cam Vinh, chị Châu cho biết, cam Vinh là loại cây trồng thuộc dạng “khó tính”, cần những kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. Đặc biệt cần chú ý phòng trừ sâu vẽ bùa ở thời điểm cây ra lộc non, ruồi vàng chích hút ở thời điểm cây ra quả. Do áp dụng phương pháp thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên chỉ được phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học. Sau khi thu hoạch cần xới đất xung quanh gốc, bón bổ sung phân hữu cơ để giúp cây hồi phục, sinh trưởng tốt cho lứa sau.
“Qua theo dõi quá trình sinh trưởng của cây cam Vinh cho thấy, thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương rất phù hợp. Mặc dù mới là vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất chưa phải là cao nhưng so với các loại cây trồng khác, cây cam Vinh đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Thị trường đầu ra cũng dễ dàng. Thời gian tới, khi vườn cam này cho quả đều, thu nhập ổn định, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích vườn còn lại của gia đình sang trồng cam”, chị Châu chia sẻ thêm.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ Dương Hồng Phong cho biết, hiện toàn bộ diện tích cam trong mô hình đều phát triển tốt, mỗi cây cho thu hoạch từ 20 - 30 kg quả. Qua đánh giá, giống cam Vinh phù hợp với chất đất và thời tiết tại xã Cam Thành nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung. Cây cho quả có vị ngọt thanh, đậm đà, quả tròn đều, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng.
Điểm mới của mô hình trồng cam Vinh do Trạm Khuyến nông triển khai đó là áp dụng các phương pháp canh tác tiết kiệm, đảm bảo an toàn thực phẩm như tưới nhỏ giọt; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; chỉ sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, bẫy bả diệt côn trùng và bằng phương pháp thủ công, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học; xác định thời điểm phun thuốc phù hợp, hạn chế số lần phun nhưng vẫn khống chế được sự phát sinh của sâu bệnh, đồng thời đảm bảo thời gian cách ly nhằm phân hủy hết thuốc, không gây ô nhiễm môi trường và chất lượng nông sản. Nhờ đó, sản phẩm cam của mô hình được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Ông Phong lưu ý, để cây cam Vinh đạt năng suất cao cần chọn cây giống có nguồn gốc đảm bảo, tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật, trồng đúng mật độ từ 450 - 500 cây/ha. Sử dụng phân bón hữu cơ, các loại phân chuồng hoai mục để cam ra hoa và đậu quả tốt. Sau 4 - 5 năm trồng và chăm sóc, cây cam Vinh sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Nếu thâm canh chăm sóc tốt sẽ cho năng suất cao lên đến 50 - 60 kg/cây và có thể thu hoạch liên tục từ 15 - 20 năm mới phải trồng lại. Tuy nhiên, trong quá trình trồng cần chú ý đến bệnh gỉ sắt, sâu vẽ bùa, ruồi vàng chích hút làm rụng quả.
Giống cam Vinh càng chín càng ngọt, do đó, dù bắt đầu cho thu hoạch vào khoảng tháng 10 âm lịch nhưng nếu có điều kiện người trồng có thể để tới những dịp rằm, đầu tháng, thậm chí kéo dài tới dịp tết Nguyên đán mới thu hái, khi đó giá bán sẽ cao hơn. Ngoài ra, để không bị rơi vào cảnh được mùa mất giá, người trồng nên trồng nhiều giống cam khác nhau như cam Xã Đoài lòng vàng, cam V2, cam Vân Du… để tránh rủi ro. Các loại cam này chín vào các thời điểm gần nhau, giúp người trồng tiết kiệm chi phí, đỡ tốn công chăm sóc, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Qua đánh giá bước đầu có thể thấy cây cam Vinh đã phát triển tốt ở xã Cam Thành nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung. Mới là năm đầu tiên cho thu hoạch nhưng đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các cây trồng khác, ít bị sâu bệnh, năng suất cao và đặc biệt là chất lượng rất ngon nên đầu ra ổn định. Với lợi thế đất đai màu mỡ, trong thời gian tới Trạm Khuyến nông huyện sẽ tham mưu Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND huyện nhằm nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác, đồng thời tìm hướng liên kết bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất. Qua đó mở ra hướng làm giàu từ trồng cây cam Vinh trên đất gò đồi cho người dân địa phương”, ông Phong cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)