Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian qua, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp và xây dựng kế hoạch định hướng dài lâu để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, chuyển đổi hình thức sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, làm tiền đề để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Triệu Phong đã xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiều nội dung trọng tâm, đem lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, huyện Triệu Phong tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh; nâng cao thu nhập cho người dân trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; từng bước hình thành chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo định hướng chung toàn tỉnh.Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành Nông - lâm - thủy sản đạt 4,5%, ổn định diện tích gieo trồng lúa trên 11.500 ha/năm. Đảm bảo trên 95% diện tích được sử dụng giống đạt phẩm cấp; diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt 90%. Duy trì cánh đồng mẫu lớn, canh tác tự nhiên, mở rộng diện tích lúa hữu cơ 200 ha; theo hướng hữu cơ, VietGAP 500 ha. Đồng thời, quy hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi theo 2 hướng: chăn nuôi công nghiệp để xuất khẩu và chăn nuôi truyền thống để tạo sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa.
Hiện nay, toàn huyện gieo trồng khoảng 16.134 ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 11.506,8 ha, diện tích lúa chất lượng cao chiếm hơn 81,4%. Năng suất lúa thu hoạch bình quân đạt 62,8 tạ/ha. Bên cạnh đó, huyện đã bố trí giống lúa ngắn ngày và cực ngắn có thời gian sinh trưởng từ 85 - 90 ngày như: HN6, Bắc Thơm số 7, Đài Thơm 8, Khang Dân, ĐD2; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kết hợp phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm Tricoderma phân hủy gốc rạ... để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Huyện còn chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên, mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Đến nay, toàn huyện có trên 55 ha lúa canh tác tự nhiên ở các xã: Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Trạch và Triệu Tài; 120 ha mô hình CSA ở các xã: Triệu Độ, Triệu Giang. Sản xuất 25 ha lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP tại xã Triệu Độ và Triệu Đại.
Đối với cây trồng khác, toàn huyện gieo trồng hơn 4.627 ha theo quy trình sản xuất bền vững. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm duy trì và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Về chăn nuôi, huyện tiếp tục duy trì và phát triển tổng đàn gia súc khoảng 47.000 con và đàn gia cầm khoảng 865.000 con. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình trang trại quy mô lớn, vừa và nhỏ; khuyến khích đầu tư các mô hình nuôi lợn công nghệ cao, nuôi lợn theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chăn nuôi gia cầm đang phát triển theo hướng mô hình chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao, hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nói về thế mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì sản xuất lúa hữu cơ ở Triệu Phong là đạt kết quả nổi bật nhất. Đặc biệt, sản phẩm gạo hữu cơ Triệu Phong đã đoạt giải Nhất tại Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp canh tác tự nhiên thân thiện với môi trường tại Seoul - Hàn Quốc vào năm 2017.
Gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong cũng được Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận TQC - Quy trình CTTN. Tiếp đó, năm 2019, gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh đạt hạng sản phẩm 4 sao. Đó là động lực, sự cổ vũ tinh thần để nông dân Triệu Phong hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.
Để tiếp tục khai thác thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ, huyện Triệu Phong đã xây dựng kế hoạch phát triển có tính chiến lược lâu dài với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sạch. Làm tốt công tác giống, thủy lợi, bảo vệ thực vật, phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp thâm canh ứng dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Tập trung chỉ đạo tái đàn, khôi phục tổng đàn chăn nuôi. Khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và chăn nuôi trang trại có sự liên kết các yếu tố đầu vào và đầu ra. Đồng thời quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Đối với vùng đồng bằng, tiếp tục cải tạo đồng ruộng, tập trung tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn. Quy hoạch vùng sản xuất theo hướng phát triển lúa chất lượng cao, nâng cao giá trị, phát triển bền vững dựa trên thế mạnh của hạ tầng thủy lợi hiện có. Tiếp tục tập trung nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê điều hiện có đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả đã đầu tư; nạo vét hệ thống sông, trục tiêu úng trên địa bàn huyện đảm bảo tiêu thoát nước phục vụ cho sản xuất, dân sinh, chủ động ứng phó sạt lở bờ sông, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đối với vùng gò đồi, từng bước khôi phục các loại cây ăn quả có múi, mở rộng diện tích cây nguyên liệu, dược liệu. Tiếp tục đưa một số cây trồng mới có hiệu quả vào sản xuất theo hướng hữu cơ.
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng để phát triển đa dạng các mô hình kinh tế gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra nông sản sạch, gia tăng giá trị. Vận động Nhân dân mở rộng sản xuất, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ để tham gia chương trình OCOP, xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Từ đó, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Triệu Phong.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)