Cuối tháng 2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng làm trưởng đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị đi tìm hiểu kinh nghiệm thu hút, hợp tác đầu tư ở tỉnh Quảng Ngãi. Sở dĩ chọn Quảng Ngãi làm điểm đến vì có Khu kinh tế Dung Quất, một mô hình kinh tế tổng hợp đa ngành nghề, nổi bật nhất là cảng biển và công nghiệp lọc hóa dầu, luyện thép mà Quảng Trị đang hướng đến để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi đã thu hút được 349 dự án với tổng vốn đầu tư trên 18,1 tỉ USD, trong đó có 54 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,9 tỉ USD. Đặc biệt là có các dự án đầu tư quy mô lớn như Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Khu công nghiệp-Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, các dự án điện khí, các dự án cảng biển...đã tạo sức lan tỏa và bước phát triển đáng ghi nhận của Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát với công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, tổng vốn đầu tư 60.000 tỉ đồng. Dự án có diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 342,62 ha. Đến nay toàn bộ nhà máy và 11/11 cầu cảng đã đưa vào hoạt động. Cụm cảng chuyên dụng 11 bến đã đi vào hoạt động, có khả năng đón tàu 200.000DWT. Hằng năm dự án nộp ngân sách khoảng 13.416 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đang tiếp tục đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát 2 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép/năm. Diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng 279,8 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỉ đồng, nhu cầu lao động 7.500 người. Hiện nay dự án đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất cho chủ đầu tư để triển khai dự án. Cảng tổng hợp Dung Quất khởi công cuối năm 2021 với diện tích 46ha dự kiến đi vào hoạt động quý I/2024, có khả năng đón tàu 50.000DWT.
Có thể khẳng định Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả quan trọng, là một trong những khu kinh tế ven biển được đánh giá thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ngãi.
Đối với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tháng 2/2020, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy được khởi công với diện tích 685 quy mô gồm 10 bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn ha, phục vụ cho các cơ sở công nghiệp trong khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời thu hút hàng hóa quá cảnh trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Dự án có tổng mức đầu tư 14.200 tỉ đồng.
Đầu năm 2022, Hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I-1.500 MW với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120 ha, với tổng mức đầu tư 53.600 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và một số doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc làm chủ đầu tư đã khởi công. Đây là dự án có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Quảng Trị, là một trong những dự án điện khí lớn nhất trong cả nước. Tính đến nay Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có 16 dự án đã đi vào hoạt động, 29 dự án đang xây dựng, 31 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổng mức đầu tư gần 310.800 tỉ đồng. Đặc biệt có nhiều dự án quy mô lớn về điện mặt trời, điện khí, khu công nghiệp, kho cảng xăng dầu, dịch vụ-du lịch, công nghiệp chế biến-chế tạo, logistics, đóng tàu, cấp nước, kinh doanh hạ tầng…đã mở ra triển vọng tốt lành về khả năng thu hút đầu tư ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Từ một mô hình kinh tế đã thành công như Khu kinh tế Dung Quất sẽ giúp tỉnh Quảng Trị rút ra được những kinh nghiệm quý giá để vận dụng vào quá trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Sau khi tìm hiểu thực tế hoạt động tại Khu kinh tế Dung Quất, một mô hình kinh tế biển tổng hợp mà trọng tâm là cảng biển và công nghiệp lọc hóa dầu có thể nhận thấy có rất nhiều điểm tương đồng với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị mà hiện thân là một số dự án vừa được khởi công xây dựng như đã kể ở trên.
Từ một mô hình kinh tế đã thành công như Khu kinh tế Dung Quất đã giúp tỉnh Quảng Trị rút ra được những kinh nghiệm quý giá để vận dụng vào quá trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Về công tác quy hoạch, các đồ án quy hoạch cần có tính động và mở để tạo linh hoạt trong việc thu hút kêu gọi đầu tư. Các lô quy hoạch cần có diện tích lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án có quy mô lớn, hiệu quả cao để tránh phải điều chỉnh quy hoạch làm chậm tiến độ khi triển khai dự án. Cần quy hoạch để tạo quỹ đất lớn xung quanh khu vực cảng biển để phát triển hệ thống logictics.
Về đầu tư để phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần đầu tư các trục đường chính trong khu kinh tế để tạo điểm nhấn thu hút các dự án đầu tư vào khu kinh tế. Quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực. Xây dựng đội ngũ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chuyên nghiệp; phối hợp chặt chẽ địa phương để xác định rõ nguồn gốc đất đai trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng để tránh các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện. UBND tỉnh thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng để gặp gỡ, đối thoại, vận động với các hộ dân trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Về công nghệ, dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, nước làm mát được sử dụng tuần hoàn trong nhà máy, không thải ra môi trường.
Đặc biệt là tuyển dụng lao động là người địa phương nên khi vào làm việc cho nhà máy họ tự giám sát về môi trường thường xuyên, tuyên truyền thay cho nhà đầu tư. Người dân có lợi ích kinh tế khi làm việc tại nhà máy, được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội...Nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về môi trường, tuyển dụng lao động,...chất xỉ thải trong quá trình sản xuất thép được sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch. Về phía địa phương đầu tư xây dựng khu tái định cư đảm bảo các điều kiện sinh hoạt về giao thông, điện, nước...
Sau chuyến đi tìm hiểu kinh nghiệm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đánh giá cao sự thành công của Khu kinh tế Dung Quất, xem đây là kinh nghiệm thực tiễn để tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, trao đổi, hợp tác với các nhà đầu tư đã và đang triển khai dự án tại tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh những kinh nghiệm rút ra về lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, lựa chọn công nghệ…cần phải ưu tiên đầu tư xây dựng các khu nhà ở khép kín hoàn thiện về kết cấu hạ tầng đảm bảo nơi ăn ở, sinh hoạt cho các chuyên gia và người lao động, hướng đến sự ổn định và phát triển bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)