Tiếng ho của mọi người sẽ được ghi lại bằng điện thoại di động, và được phân tích âm thanh, đưa ra chẩn đoán xem có bị nhiễm nCoV hay không.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng và PGS.TS Trần Đăng Khoa, Bộ môn Giải phẫu học của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, mới đây đã có báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu: "Xây dựng cơ sở dữ liệu tiếng ho trên bệnh nhân Covid-19 và đánh giá độ chính xác, độ tin cậy của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên người Việt".
Đề tài này còn có sự tham gia của TS Nguyễn Đình Sơn, giảng viên khoa Cơ khí giao thông, Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng.
Nhiên cứu thực hiện trên 528 F0 và 218 tình nguyện viên không mắc Covid-19. Kết quả cho thấy, phần mềm chẩn đoán tiếng ho (app) dựa trên AI có xác suất xác định đúng người mắc Covid-19 (độ nhạy) là 64%, xác suất để xác định không nhiễm (độ đặc hiệu) lên đến hơn 88%.
Các xác suất trên có thể cao hơn khi có nhiều hơn dữ liệu thu thập tiếng ho trên người Việt.
Theo nhóm thực hiện, virus SARS-CoV-2 tấn công vào đường hô hấp và thần kinh. Khi bệnh nhân Covid-19 ho sẽ phát ra âm thanh đặc trưng so với các bệnh lý khác, hiện tượng này được gọi là "tiếng ho Covid-19".
Cần phải dựa vào sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, thu âm tiếng ho và chuyển về phân tích phổ âm trên máy tính. Phổ âm sau đó lại tiếp tục được chuyển đổi số sang hình ảnh đặc trưng và nhờ công nghệ AI so sánh với bệnh nhân Covid-19. Nếu có từ 3 tiếng ho giống trên 70% thì khả năng mắc Covid-19 càng cao.
Vì app sử dụng qua smartphone, mọi người có thể tự thu âm tiếng ho để kiểm tra, theo dõi diễn tiến bệnh của bản thân.
Việc xác định F0 trong cộng đồng nhanh chóng nhằm giảm thiểu sự lây lan là rất cần thiết. Nếu xét nghiệm toàn bộ bằng test nhanh hay PCR sẽ gây tốn kém nhân lực, thời gian, tăng nguy cơ lây nhiễm. Chưa kể là dễ bỏ sót các trường hợp không có triệu chứng. Việc liên tục sử dụng kit test nhanh sẽ gây lãng phí và tạo áp lực cho việc xử lý rác thải y tế.
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện Covid-19 qua tiếng ho đã được các viện nghiên cứu trên thế giới thực hiện và công bố, cho thấy tính khả thi và tiện dụng, giúp giảm thiểu việc xét nghiệm trên diện rộng.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp và PGS.TS Trần Đăng Khoa cho biết thêm, mục tiêu của đề tài nghiên cứu trên là xây dựng cơ sở dữ liệu tiếng ho trên bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện thu dung, cũng như bước đầu đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu của ứng dụng trí tuệ nhân tạo "Covid coughing detection" trên người Việt nhiễm Covid-19.
Các chuyên gia chia sẻ, app chỉ mang tính cảnh báo nguy cơ mắc bệnh, nếu muốn chẩn đoán chính xác cần làm thêm xét nghiệm.
Nếu nghiên cứu trên được ứng dụng thành công, sẽ có thêm lựa chọn mới trong việc tầm soát Covid-19, giúp người dân dần thoát khỏi cảnh ám ảnh vì "ngoáy mũi" lấy mẫu.
(Nguồn: Phụ nữ mới)