Năng suất lúa ở mức cao cộng thêm giá bán ổn định nên những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tập trung thu hoạch lúa vụ đông xuân với niềm vui được mùa, được giá.
Thời điểm này, trên những cánh đồng lúa vụ đông xuân ở huyện Hải Lăng, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy gặt đập liên hợp đang tất bật thu hoạch trên ruộng lúa chín vàng, trĩu hạt. Niềm vui càng tăng hơn khi giá bán lúa đang ở mức cao so với vụ đông xuân năm trước. Qua ghi nhận từ nông dân thì hiện lúa tươi tại ruộng được thương lái mua với giá 6.000 đồng/kg, lúa khô lên tới 7.000 đồng/kg, tăng bình quân 1.500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.
Ông Phạm Ngọc Hạnh ở Hợp tác xã (HTX) Diên Khánh, xã Hải Dương phấn khởi cho biết, chưa có năm nào lúa được mùa như năm nay. Mặc dù mới bắt đầu gặt nhưng với hơn 0,5 ha trồng giống lúa Khang Dân và HG244 của gia đình, ông ước tính sẽ thu được gần 5 tấn lúa tươi, tương đương năng suất từ 4,5 - 5 tạ/sào. Cộng thêm giá thu mua của thương lái cũng đang ở mức cao, trừ chi phí, ông dự kiến thu lãi gần 15 triệu đồng.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi, ông Nguyễn Tri ở HTX Kim Long, xã Hải Quế cho hay, vụ đông xuân năm nay trên diện tích 3 ha của gia đình, ông thu được hơn 22 tấn lúa khô, chủ yếu là giống Khang Dân. Với giá thu mua của thương lái đang ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg lúa khô, ông thu về hơn 150 triệu đồng.
Theo ông Tri, vụ đông xuân năm nay mặc dù đầu vụ thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, tập trung chăm sóc nên cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. “Vụ này nông dân ở đây ai cũng phấn khởi vì công sức bỏ ra nhiều nhưng được đền đáp xứng đáng với năng suất đạt cao nhất từ trước tới nay. Cộng với trời đang nắng nóng như hiện tại, lúa gặt xong chỉ cần phơi khoảng một buổi là đã có thương lái thu mua tận nơi”, ông Tri cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế Hoàng Ngọc Thập, vụ đông xuân năm nay toàn xã gieo cấy được hơn 406 ha lúa. Điểm mới vụ này ở xã Hải Quế là tổ chức sản xuất trên nhiều cánh đồng lớn, sản xuất lúa hữu cơ, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao như Khang Dân, HN6, ST25…
Năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 70 tạ/ha, cá biệt có nhiều diện tích năng suất lên đến 72 - 74 tạ/ha. Theo ông Thập, đầu vụ thời tiết không thuận lợi, mưa rét kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình làm đất, gieo cấy của nông dân. Đến thời điểm cây lúa đang đẻ nhánh thì tiếp tục bị ngập úng do mưa lớn. Nhưng nhờ có kế hoạch cụ thể, huy động toàn bộ máy bơm để bơm tiêu úng nên cây lúa vẫn phát triển tốt. Đặc biệt, đợt ngập úng đó cũng đã góp phần tiêu diệt sâu bệnh hại.
Vụ này, ngoài được mùa, nông dân còn phấn khởi vì lúa bán được giá, bình quân từ 6.800 - 7.000 đồng/kg lúa khô, cao hơn vụ đông xuân năm trước đến 1.500 đồng/kg. Nhờ được mùa, được giá nên sau khi trừ chi phí nông dân có lãi hơn 50%. “Hiện tại, địa phương đang chỉ đạo các HTX đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Đồng thời khẩn trương làm đất theo phương châm thu hoạch đến đâu, làm đất, gieo cấy đến đó. Phấn đấu đến khoảng ngày 20/5 sẽ xuống giống trà đầu vụ hè thu”, ông Thập thông tin.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết, địa phương được xem là “vựa lúa” của tỉnh với diện tích gần 6.900 ha nhưng bước vào vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn do ngập úng, mưa rét kéo dài khiến việc gieo cấy bị chậm lại so với kế hoạch. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, các HTX, sự nỗ lực của nông dân nên đến thời điểm này cơ bản có thể đánh giá đây là một vụ sản xuất thắng lợi toàn diện, vừa được mùa, vừa được giá.
Năng suất bình quân ước đạt 66,8 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có một số xã như Hải Quế, Hải Định, Hải Phong, Hải Dương... năng suất lên đến 70 - 74 tạ/ha. Nhằm đề phòng giông lốc ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân. Đồng thời, triển khai làm đất, gieo cấy vụ hè thu theo đúng khung lịch thời vụ đề ra.
Tương tự, tại huyện Triệu Phong, sản xuất vụ đông xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết hết sức khó khăn. Đầu vụ mưa rét kéo dài, đặc biệt giữa tháng 1/2023 xuất hiện 3 đợt mưa lớn đã gây ngập úng hơn 300 ha lúa ở vùng trũng thấp thuộc các xã Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Trạch; nhiều địa phương phải tiến hành gieo sạ lần thứ 3. Cuối vụ do ảnh hưởng của trận lốc xoáy ngày 21/4 đã làm cho hơn 600 ha lúa đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp bị đổ ngã. Nhưng nhờ tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, khẩn trương khắc phục hậu quả nên cây lúa vẫn phát triển tốt, năng suất đạt tương đối cao.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Thiện Nhân cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy được hơn 5.900 ha lúa, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt gần 4.850 ha. Năng suất bình quân ước đạt 62 tạ/ha, tăng 15,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Hiện các địa phương tập trung máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ đông xuân. Đồng thời khẩn trương triển khai vụ hè thu đảm bảo khung thời vụ.
“Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tùy theo điều kiện để bố trí sản xuất hợp lý và có kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn. Tăng cường xử lý vôi và chế phẩm Trichoderma để phân hủy gốc rạ đối với những diện tích đã thu hoạch xong.
Bố trí cơ cấu giống lúa ngắn ngày và cực ngắn có thời gian sinh trưởng từ 85 - 90 ngày như HN6, Khang Dân và một số giống đã qua khảo nghiệm có triển vọng. Chỉ đạo các địa phương gieo sớm trong trà đầu đối với những giống sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm như ST25”, ông Nhân cho biết thêm.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bùi Phước Trang thông tin, qua kiểm tra thực tế và đánh giá của các địa phương cho thấy vụ đông xuân năm nay là một vụ mùa bội thu. Năng suất lúa toàn tỉnh ước đạt trên 60,5 tạ/ ha, sản lượng ước đạt gần 16 vạn tấn. Đến thời điểm này đã thu hoạch được hơn 3.000 ha lúa trên tổng số gần 26.000 ha lúa toàn tỉnh, đạt trên 10% diện tích gieo cấy.
Đối với diện tích hơn 3.100 ha bị đổ ngã do mưa giông, lốc xoáy trong các ngày 21 - 22/4, tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ… chi cục đã phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân tháo cạn nước trên ruộng lúa, nhất là các diện tích lúa bị đổ rạp, sau đó căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để điều tiết nước trên ruộng hợp lý.
Tháo khô nước trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch. Tranh thủ thu hoạch đối với các diện tích lúa bị đổ ngã đã chín trên 85%. Tiến hành dựng lúa bằng cách buộc túm 3 - 5 gốc lúa lại với nhau bằng dây ni lông, tạo điều kiện cho lúa vào chắc và chín, cũng như thuận lợi cho việc thu hoạch bằng máy.
“Với tiến độ như hiện nay, dự kiến toàn tỉnh sẽ thu hoạch tập trung từ ngày 5 - 15/5 và kết thúc trước ngày 20/5, đảm bảo theo đúng khung lịch thời vụ đề ra”, ông Trang khẳng định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)