Vùng biển bãi ngang vào mùa biển động luôn thường trực từng cột sóng cuộn tròn cao 1 - 2 m đánh vào bờ, bọt biển tung trắng xóa cả một vùng. Bất chấp sóng dữ, ngư dân vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn liều mình “thi gan” với đại dương, đưa con thuyền nhỏ bé vươn khơi, bám biển với hy vọng những mẻ tôm, cá đầy khoang.
Gắn bó gần trọn đời với nghiệp biển, ngư dân Trần Dược (65 tuổi) ở Thôn 6, xã Triệu Lăng cho biết, mùa này ngư dân thường gọi là mùa biển động (kéo dài từ khoảng tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau) để phân biệt với mùa biển lặng các tháng còn lại. Mùa biển động cũng là thời điểm cá, tôm, mực nhiều hơn các tháng biển lặng. Vì vậy, bất chấp sóng to gió lớn, nhiều ngư dân vùng biển bãi ngang vẫn quyết tâm đẩy thuyền ra khơi, vào lộng. Ở vùng biển bãi ngang, thuyền thường có công suất khoảng 8 - 15 CV nên chỉ có thể đánh bắt “cơ động” cách bờ từ 5 - 7 hải lý. Thuyền công suất nhỏ nên chỉ đi biển 1 - 2 ngư dân (chủ yếu là người thân trong gia đình). Ngư dân Trần Dược nhanh chóng xếp ngư lưới cụ lên thuyền rồi giục thuyền viên lắp chân vịt vào thuyền. Khi tất cả các công đoạn chuẩn bị xong, ông Dược vẫy tay ra hiệu, chiếc thuyền được kéo dần xuống biển. Chiếc thuyền nhỏ của ông Dược liên tục bị sóng hất lên, giằng xuống, quăng quật như trò chơi của biển cả. Vượt qua vài đợt sóng lớn gần bờ, ông Dược cho nổ máy hướng mũi thuyền ra khơi rồi khuất dần sau lớp sương muối phủ mờ buổi sáng.
“Mùa này biển động nên những cuộc vượt sóng ra khơi rất vất vả. Không ít lần nhiều thuyền cùng xuất phát nhưng chỉ có vài thuyền ra được, còn lại bị sóng đánh dạt vào bờ. Những lần như vậy, ngư dân luôn chịu thiệt hại vì hỏng máy và có khi còn mất lưới nữa. Dẫu biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc nhưng vì miếng cơm, manh áo nên ngư dân chúng tôi phải liều mình thôi”, ông Trần Mua nói xong liền đẩy chiếc thuyền của mình ra biển rồi nổ máy lao nhanh ra khơi. Thuyền của ông Dược, ông Mua cùng nhiều ngư dân Thôn 6 đã chiến thắng được những đợt sóng dữ gần bờ và trước mắt họ là niềm hy vọng lóe lên từ lòng biển.
Buổi chiều. Vùng biển bãi ngang Thôn 6 rộn ràng tiếng cười nói của ngư dân đi biển trở về cũng như thương lái, người thân đón chờ ở bờ biển. Thấy thuyền ngư dân Trần Bình Thúy (55 tuổi) cập bờ, vợ ông đã nhanh chân chạy ra tận mép biển để đón. “Có gì không ông?”. Ông Thúy chỉ tay vào khoang thuyền: “Cũng kha khá. Hôm nay đánh lưới cá ngờng, bạc má được khoảng 15 - 20 kg. Trừ các khoản chi phí cho chuyến biển, cũng có thu nhập 1 - 2 triệu đồng”.
Cách đó không xa, thuyền của ông Dược cập bờ. Chuyển mớ cá khoai ít ỏi cho vợ, ông Dược cho biết: “Hôm nay, ra khơi buông lưới nhưng không trúng cá khoai. Năm nay, mùa cá khoai kéo dài hơn mọi năm (kéo dài từ trước Tết Nguyên đán cho đến nay). Hiện tại đang vào thời điểm cuối vụ đánh bắt cá khoai nên lượng cá đánh bắt được trong ngày ít hơn. Cách đây khoảng nửa tháng, tôi đánh trúng mẻ lưới cá khoai bán gần 10 triệu đồng (cá khoai có giá từ 80 - 100 nghìn đồng/kg).
Ở vùng biển bãi ngang, ngư dân phải ra biển quanh năm mới mong có cuộc sống ổn định”. Theo ông Dược thì toàn Thôn 6 có hơn 174 thuyền máy có công suất từ 8 - 15 CV. Không có tàu to, thuyền lớn để vươn khơi xa, nhưng ngư dân Thôn 6 trong những năm gần đây đã tìm cách biến những khó khăn, hạn chế của vùng biển bãi ngang thành lợi thế trong đánh bắt thủy, hải sản. Cứ tùy từng mùa trong năm mà sử dụng loại ngư lưới cụ phù hợp với từng loại thủy, hải sản. Đơn cử như từ Tết Nguyên đán cho đến tháng 7 âm lịch, ngư dân trong thôn chọn nghề lưới thanh ba màn để đánh bắt cá hồng mó, ngờng; lưới đánh cá khoai, hố; thả lừ bóng để đánh bắt mực lá, mực nang hoặc dùng đèn led để câu mực gần bờ. Từ tháng 7 âm lịch năm nay cho đến tháng 1 âm lịch năm sau, ngư dân sẽ làm nghề lưới quét đánh bắt cá chim; lưới ghẹ đánh bắt ghẹ cốm hay thả câu vàng câu cá căng, xạo, ong… Đánh bắt thủy, hải sản phải “linh hoạt” theo mùa như vậy.
Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi sau chuyến biển, ngư dân Trần Khương Ngọc chia sẻ: “Đã gắn bó với nghề biển thì đương nhiên phải chấp nhận vất vả và nhiều khi phải đối diện với nguy hiểm rình rập. Hầu hết ngư dân vùng biển bãi ngang đều có vài lần bị chìm thuyền trong khi đi biển và xem như đó là chuyện thường tình. Chìm thuyền ở gần bờ không đáng ngại bởi chỉ cần kéo thuyền vào bờ rồi tiếp tục ra khơi. Ngư dân miền biển sợ nhất vẫn là gặp tố lốc bất ngờ. Cứ hình dung, thuyền đang đánh bắt cách bờ khoảng 5 - 7 hải lý, trời đang nắng nhẹ tự nhiên tối sầm lại, mặt biển bất chợt nổi sóng dữ dội. Lúc ấy, ngư dân với kinh nghiệm đi biển lâu năm sẽ biết ngay là có đợt lốc tố giữa đại dương, nhanh chóng thu lưới hoặc bỏ luôn lưới để cho thuyền chạy nhanh vào bờ trú ẩn. Giữa mưa gió mịt mù, nhiều ngư dân dày dặn kinh nghiệm cũng không thể nào xác định nổi phương hướng, đành phó mặc tính mạng cho trời… Rồi còn biết bao hiểm nguy rình rập ngư dân trong mùa biển động”.
Để mưu sinh, nhiều khi ngư dân vùng biển bãi ngang phải đánh đổi cả tính mạng, tài sản của mình bởi mùa này biển động với từng đợt sóng lớn nhấp nhô, trùng điệp bủa vây như muốn nuốt chửng những chiếc thuyền nan nhỏ bé... Con tôm, con cá mang về từ biển dường như cũng mặn chát vị mồ hôi, nước mắt của người đi biển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)