Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 diễn ra sáng nay 27/8/2020 tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Cần xác định đúng các tiềm năng thế mạnh để có chiến lược phát triển miền Trung trở thành vùng trọng điểm kinh tế biển phát triển năng động. Trong đó, công nghiệp, dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, gắn với biển; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân, tình trạng sức khỏe được cải thiện căn bản; chủ quyền biển, đảo của đất nước được bảo vệ vững chắc; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái, môi trường sống được đảm bảo; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển.
Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chính vì vậy, các địa phương cần bám sát những mục tiêu trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế địa phương, đồng thời xây dựng các giải pháp có hiệu quả để tổ chức thực hiện.
Báo cáo tại hội nghị cũng nêu rõ: Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (vùng miền Trung) có những bước phát triển vượt bậc, trong đó quy mô GRDP của vùng năm 2020 gấp khoảng 2,2 lần năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt mức trên 20%; tỉ lệ hộ nghèo chuẩn mới giảm bình quân từ 2 - 3%/năm. Nhiều địa phương hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường đã đề ra. Riêng trong 7 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của COVID-19 đã kéo giảm đáng kể đà phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này, cụ thể GRDP vùng trong 6 tháng ước giảm 0,68%, tuy nhiên vẫn có một số địa phương vẫn duy trì đà tăng trưởng như Quảng Trị là 4,17%, Thanh Hóa 3,7%.
Về đầu từ công, tính đến 30/8/2020 giải ngân vốn đầu tư công được giao trong kế hoạch năm 2020 của 14 địa phương là 36,54 nghìn tỉ đồng, đạt tỉ lệ 49,6%; dự kiến những tháng còn lại của năm 2020 sẽ hoàn thành giải ngân số vốn còn lại khoảng trên 35 nghìn tỉ đồng. Dự kiến nhu cầu nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương vùng miền Trung là 713,9 nghìn tỉ đồng, gấp 3,1 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của vùng vẫn còn những tồn tại, khó khăn như động lực tăng trưởng của vùng còn yếu; kinh tế biển và ven biển của 14 tỉnh miền Trung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; xuất khẩu tăng cao nhưng tỉ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng; thu ngân sách chưa bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; chưa có cơ chế về việc liên kết nghiên cứu, đầu tư, hợp tác, điều phối để thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ có tính chất liên tỉnh, liên vùng.
Dự báo bối cảnh nền kinh tế thế giới và đất nước trong thời gian tới, hội nghị xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng theo hướng: Xây dựng vùng miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, vùng trọng điểm về phát triển kinh tế biển với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với nhiều chỉ tiêu cụ thể được đặt ra, phấn đấu hoàn thành. Để thực hiện được mục tiêu, có 17 giải pháp cụ thể được thảo luận tại hội nghị tập trung vào 3 lĩnh vực chính như đổi mới cơ chế, hoàn thiện chính sách; tập trung đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực; xây dựng nguồn lực đáp ứng với yêu cầu phát triển mới.
Trong đó, nhấn mạnh: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch Vùng, quy hoạch tỉnh, trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm. Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Đổi mới, tăng cường cơ chế liên kết vùng; phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)