Bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình COVID-19

T.L |

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có chỉ đạo về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình COVID-19.


Giảm tải chương trình phù hợp với học trực tuyến

Để bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 trong điều kiện COVID-19 có nhiều khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương; đồng thời tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt trong điều kiện chưa triển khai tiêm vắc xin được cho lứa tuổi học sinh. Tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.

Học sinh tiểu học đang học trực tuyến- Ảnh: P.V
Học sinh tiểu học đang học trực tuyến- Ảnh: P.V

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Đối với các khu vực chưa thể tổ chức học tập trung tại trường lớp cần kết hợp đồng bộ giữa các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, phát phiếu học tập nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học, nhất là đối với học sinh tiểu học, học sinh các lớp học theo sách giáo khoa mới. Đồng thời, giảm tải chương trình phù hợp với điều kiện và phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học tránh quá căng thẳng hoặc hình thức, hời hợt. Đặc biệt lưu ý phương châm “học mà chơi, chơi mà học” đối với học sinh bậc tiểu học và các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tâm sinh lý của các cháu khi phải tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, ti vi.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, thi cử (nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường, chọn lớp đầu cấp; thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học) phù hợp với điều kiện dạy và học trong tình hình dịch bệnh, tất cả nhằm bảo đảm công bằng, quyền lợi của học sinh.

Huy động nguồn lực hỗ trợ phương tiện học tập cho học sinh

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch. Đặc biệt lưu ý đối tượng là học sinh nghèo trong vùng có dịch. Có chương trình huy động nguồn lực tổng thể từ ngân sách nhà nước kết hợp với tổ chức vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tài trợ các phương tiện học tập (máy tính, máy thu hình, thiết bị công nghệ) cho học sinh, nhất là những học sinh nghèo trong vùng dịch; các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm đường truyền, miễn, giảm giá cước cho học sinh, sinh viên và giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng bảo đảm chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; khẩn trương biên soạn bài giảng, học liệu trực tuyến cho lớp 2 và lớp 6 theo chương trình, sách giáo khoa mới. Phát triển ngân hàng học liệu mở, bài giảng trực tuyến đa phương tiện; chỉ đạo, huy động các tổ chức giáo dục bài giảng trực tuyến đóng góp vào ngân hàng học liệu, bài giảng trực tuyến của ngành giáo dục. Phối hợp với các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình, các cơ sở giáo dục trên địa bàn có trách nhiệm đóng góp, cùng xây dựng ngân hàng học liệu, bài giảng trực tuyến để từ đó lựa chọn những học liệu, bài giảng chất lượng, phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, thống nhất với Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; Kênh Truyền hình Nhân dân về kế hoạch phát sóng các bài giảng qua truyền hình, đài phát thanh cụ thể, chi tiết từng môn học, lớp học, cấp học bảo đảm diện bao phủ tốt nhất; làm việc với UBND các tỉnh, thành phố cùng các đài phát thanh, truyền hình địa phương để có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm “một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày”.

Bảo đảm đường truyền Internet phục vụ học trực tuyến

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các bộ liên quan chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm đường truyền Internet phục vụ việc học trực tuyến; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ giá cước viễn thông, Internet cho học sinh vùng khó khăn để học trực tuyến trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp. Tham gia kêu gọi, huy động hỗ trợ trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh nghèo ở trong vùng dịch nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục trực tuyến, giáo dục từ xa.

Đài Truyền hình Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án "Xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc học và tự học suốt đời trên hệ sinh thái truyền hình giáo dục Việt Nam”; tập trung phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, thẩm định hệ thống bài giảng cho học sinh các cấp theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới để phát sóng trên Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia VTV7 và các kênh truyền hình khác để học sinh học tập trong thời gian có dịch; xây dựng học liệu phục vụ việc giảng dạy trực tuyến và trực tiếp trong năm học 2021-2022 và những năm học tiếp theo.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Kênh Truyền hình nhân dân phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, sắp xếp học liệu, bài giảng truyền hình lên lịch phát sóng bảo đảm diện bao phủ tốt nhất trong cả nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà

Thanh Mai |

Bộ GD-ĐT đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn để các phụ huynh, thầy cô giáo cùng lưu ý triển khai.

Quảng Trị: Tạo thuận lợi cho học sinh nhập học khi về quê tránh dịch

Tú Linh |

Tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 học sinh ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước theo người thân về quê tránh dịch. Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên các em không kịp trở lại trường để học. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Trị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em được theo học tại quê nhà.

Làm gì để giúp học sinh giảm căng thẳng, mệt mỏi khi học online?

Thanh Mai |

Một số vấn đề đã tồn tại từ trước, nhưng ở thời gian học trực tuyến có biểu hiện gia tăng hơn.

Thu học phí không dùng tiền mặt

Tú Linh |

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị cho biết, để góp phần thực hiện chính sách hạn chế dùng tiền mặt, sở đã yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, các tổ chức tín dụng để thực hiện thu học phí bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.