Bảo tồn loài Chà vá chân nâu tại Quảng Trị

Phan Tân Lâm |

Loài voọc Chà vá chân nâu sinh sống trong các khu rừng tự nhiên ở miền Tây Quảng Trị. Tuy nhiên, cũng như nhiều loài thú quý hiếm khác, loài Chà vá chân nâu ở Quảng Trị đang phải đối mặt với nguy cơ bị săn bắt, bị thu hẹp sinh cảnh do tình trạng mất rừng tự nhiên vẫn thường xảy ra. Trước thực trạng trên, việc xây dựng kế hoạch bảo tồn loài Chà vá chân nâu trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Theo ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Quảng Trị: Chà vá chân nâu là loài linh trưởng họ khỉ có giá trị khoa học cao, trên thế giới chỉ phát hiện phân bố ở Việt Nam và Lào. Tại Việt Nam chỉ phân bố từ Nghệ An đến Đắk Lắk. Ở Quảng Trị, Chà vá chân nâu phân bố ở khu vực rừng phòng hộ Bến Hải, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đakrông, KBTTN Bắc Hướng Hóa và các khu rừng lân cận.

Loài Chà vá chân nâu được ghi nhận tại Quảng Trị -Ảnh: PTL​
Loài Chà vá chân nâu được ghi nhận tại Quảng Trị -Ảnh: PTL​

Loài Chà vá chân nâu có tên trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 64/2019/ NĐ-CP của Chính phủ. Ngày nay, nơi cư trú của loài này bị chia cắt và ngày càng bị thu hẹp. Do đó cần thiết có chương trình, kế hoạch và triển khai các hoạt động cụ thể để bảo tồn loài chà vá chân nâu nói riêng và động vật hoang dã nói chung.​

Loài Chà vá chân nâu có tên khoa học là Pygathrix nemaeus Linnaeus. Ở Việt Nam, loài linh trưởng này còn có tên gọi khác là: Chà vá chân đỏ, Voọc vá, Voọc ngũ sắc… Mỗi cá thể trưởng thành nặng từ 7 - 13 kg, chiều dài thân từ 500 mm - 700 mm, chiều dài đuôi từ 450 mm - 750 mm, chiều dài bàn chân sau từ 148 mm - 230 mm... Chúng có bộ lông dày, dài và mềm; trán và trước đầu màu đen; lưng xám nhạt lấm tấm trắng; vai đen, mặt vàng nâu, viền lông quanh mặt trắng mốc… Con đực thường lớn hơn một chút so với con cái và không khác biệt so với cá thể cái về màu sắc, trừ một điểm trắng ở gốc đuôi.

Để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học rừng tự nhiên nói chung, đặc biệt là bảo tồn loài Chà vá chân nâu, Quảng Trị đã tích cực tham gia dự án: “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam giai đoạn 2015-2020” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ. Đến nay, tại KBTTN Bắc Hướng Hóa và KBTTN Đakrông đã hoàn thành các hoạt động ưu tiên như tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác lâm sản trái phép; điều tra gà lôi lam mào trắng ở KBTTN Đakrông và điều tra sự phân bố của cây thông nàng ở KBTTN Bắc Hướng Hóa. Hỗ trợ vật liệu xây dựng các điểm chốt chặn tại các xã Húc Nghì, Hải Phúc, Hướng Lập, Hướng Sơn; xây dựng 100 biển báo tuyên truyền bảo vệ rừng tại 2 khu bảo tồn; cung cấp phương tiện tuần tra và thiết bị hiện trường như máy bẫy ảnh, máy tính xách tay, GPS phục vụ hoạt động tuần tra, điều tra đa dạng sinh học. Tuyên truyền công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng thông qua việc phổ biến nội quy, quy ước và tổ chức ký cam kết trong cộng đồng thôn bản; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học... Đặc biệt dự án đã thống nhất lựa chọn các loài ưu tiên bảo vệ, trong đó có Chà vá chân nâu.

Đối với KBTTN Đakrông, điển hình với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, là vùng chuyển tiếp giữa Bắc và Nam Trường Sơn, đây là khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp cho nhiều loài động thực vật quý hiếm trú ngụ, trong đó có loài Chà vá chân nâu.

Theo kết quả điều tra khảo sát từ 2013 đến 2015 đã xác định có ít nhất 7 đàn Chà vá chân nâu sinh sống chủ yếu ở các khe có địa hình hiểm trở, ít người qua lại. Mỗi đàn có từ 2 - 40 cá thể và chính nhờ làm tốt công tác bảo tồn nên hiện nay số lượng đàn Chà vá chân nâu ở đây được ghi nhận đã tăng hơn nhiều so với trước. Ông Hà Văn Bắc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm KBTTN Đakrông cho hay, qua theo dõi trên địa bàn hiện nay phân bố trên 15 đàn, chủ yếu ở khu vực rừng thuộc các xã Tà Long, Húc Nghì, A Bung…

Tại KBTTN Bắc Hướng Hóa, là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là nơi giao thoa của khu hệ động vật giữa Tây và Đông Trường Sơn, giữa Bắc và Nam Trường Sơn. Theo dẫn liệu của các đợt khảo sát nhanh đã ghi nhận 6 đàn Chà vá chân nâu trong các năm 2004, 2005, 2006, 2008, trong số đó có đàn có tới 30 cá thể. Hầu hết các trường hợp người dân địa phương và lực lượng bảo vệ rừng bắt gặp loài Chà vá chân nâu đều tập trung ở các khu rừng phía Bắc của KBTTN Bắc Hướng Hóa. Ngoài ra, loài Chà vá chân nâu còn được ghi nhận ở tiểu khu 606 thuộc Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông và ở các xã Hướng Linh, Hướng Phùng.

Ông Nguyễn Trường Khoa cho biết thêm: “Dự án do GEF tài trợ tại Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2777/QĐ-UBND ngày 11/10/2019 về việc phê duyệt kế hoạch bảo tồn loài Chà vá chân nâu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030 với tổng nhu cầu vốn ban đầu khoảng 9,3 tỉ đồng, trong đó năm 2020 hỗ trợ 380 triệu đồng để thực hiện hoạt động mua sắm thiết bị cho 2 KBTTN Đakrông và Bắc Hướng Hóa phục vụ công tác điều tra loài và tuyên truyền bảo tồn loài Chà vá chân nâu. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các Ban quản lý rừng duy trì việc thực hiện kế hoạch theo Quyết định số 2777, trong đó ưu tiên các giải pháp về vốn đầu tư, cơ chế chính sách, khoa học công nghệ và đào tạo, tuyên truyền định hướng vận động ưu tiên cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đàn voọc ở xã Hướng Lập tiếp tục tấn công người

Hoàng Táo |

Khoảng 11 giờ ngày ngày 2/2/2021, chị Hồ Thị Ở (47 tuổi), trú thôn Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khi đi qua đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thì bị một con voọc lao ra cắn vào chân. Vết cắn tạo thành 2 vết rách, mất nhiều máu, phải vào Trạm Y tế xã Hướng Lập khâu 4 mũi. “Tôi thường xuyên qua đoạn đường này để ra trung tâm xã. Giờ đi lại rất sợ”, chị Ở nói.

Nỗ lực bảo tồn đàn voọc gáy trắng ở Hướng Hóa

Thanh Trúc |

Thời gian qua, tình trạng đàn voọc gáy trắng thường xuyên xuất hiện ở địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) rượt đuổi, cắn người đi đường khiến người dân hoang mang, lo lắng. Để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng và địa phương liên quan đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như bảo tồn đàn voọc gáy trắng.

Hướng Hóa: Bàn phương án bảo tồn các cá thể voọc gáy trắng

Lâm Thanh |

Ngày 26/12/2020, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức hội nghị tham vấn các chuyên gia và bàn phương án bảo tồn các cá thể voọc gáy trắng.  

Bảo tồn loài chà vá chân nâu

Thanh Luận |

Chà vá chân nâu là loài linh trưởng quý hiếm và mang tính biểu tượng ở Việt Nam. Chà vá chân nâu thường phân bố ở sinh cảnh rừng thường xanh và bán thường xanh dọc biên giới Việt Nam và Lào, phổ biến từ Nghệ An đến Đắk Lắk.