Bảo tồn loài chà vá chân nâu

Thanh Luận |

Chà vá chân nâu là loài linh trưởng quý hiếm và mang tính biểu tượng ở Việt Nam. Chà vá chân nâu thường phân bố ở sinh cảnh rừng thường xanh và bán thường xanh dọc biên giới Việt Nam và Lào, phổ biến từ Nghệ An đến Đắk Lắk. 

Tuy nhiên quần thể loài chà vá chân nâu ngoài tự nhiên đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng nên được đánh giá ở mức nguy cấp (EN) ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Quần thể chà vá chân nâu được phát hiện ở Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Ảnh: TL
Quần thể chà vá chân nâu được phát hiện ở Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Ảnh: TL

Theo khảo sát, tại tỉnh Quảng Trị hiện có 3 khu vực được xác định còn quần thể loài chà vá chân nâu, bao gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa và khu rừng thuộc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, thuộc địa phận xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Mặc dù trong nhiều năm qua, các đơn vị chức năng đã nỗ lực kiểm soát tình trạng săn bắn và các hoạt động làm suy thoái chất lượng rừng nhưng quần thể loài chà vá chân nâu vẫn tiếp tục bị suy giảm. Bên cạnh đó, nhận thức về công tác bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư vùng đệm còn thấp nên áp lực lên quần thể chà vá chân nâu vẫn ở mức cao.

Trước năm 2013, một số nghiên cứu về loài chà vá chân nâu đã được thực hiện tại Khu BTTN Đakrông nhưng chỉ mới dừng lại ở việc ghi nhận về loài mà chưa có nghiên cứu cụ thể về vùng phân bố và tình trạng quần thể. Bên cạnh đó người dân vẫn duy trì việc săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Việc khai thác tài nguyên rừng thường diễn ra ở cả vùng đệm và vùng lõi của khu bảo tồn làm cho sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã nói chung và loài chà vá chân nâu nói riêng bị thu hẹp dần. Vì vậy đến năm 2013, BQL Khu BTTN Đakrông đã tiến hành “Điều tra, giám sát vùng phân bố của loài voọc chà vá chân nâu ở Khu BTTN Đakrông” với thời gian thực hiện trong 3 năm.

Hoạt động nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn 116 hộ gia đình và điều tra trên 15 tuyến đường đi qua 15 tiểu khu thuộc 5 xã: Tà Long, Húc Nghì, Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc. Kết quả nghiên cứu đã xác định có ít nhất 7 đàn chà vá chân nâu đang sinh sống. Đàn có kích thước lớn nhất vào khoảng 10 cá thể và ít nhất có 2 cá thể. Sinh cảnh ghi nhận chà vá chân nâu là rừng nhiều tầng tán thuộc trạng thái rừng IIIA2 và IIIA3. Ngoài ra trong đợt khảo sát được thực hiện từ năm 2018-2019 nhóm tư vấn tiến hành cập nhật các thông tin về hiện trạng và ghi nhận bổ sung một số khu vực thuộc địa bàn các xã Húc Nghì, Hải Phúc, Tà Long, Ba Nang... Như vậy, quần thể chà vá chân nâu tại Khu BTTN Đakrông hiện còn khá lớn và phân bố chủ yếu ở các khu vực có trạng thái rừng nhiều tầng tán với nhiều cây cao.

Chà vá chân nâu được xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. Ảnh: ITN
Chà vá chân nâu được xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. Ảnh: ITN

Tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, theo các thông tin khảo sát sơ bộ cho thấy loài chà vá chân nâu vẫn còn phổ biến, ghi nhận được 6 đàn, trong đó có đàn tới 30 cá thể. Hầu hết chà vá chân nâu đều tập trung ở các khu rừng phía bắc của khu bảo tồn. Bên cạnh những điểm ghi nhận trên, loài chà vá chân nâu còn được ghi nhận ở tiểu khu 606 thuộc rừng phòng hộ Hướng HóaĐakrông và ở xã Hướng Linh, Hướng Phùng. Như vậy, chà vá chân nâu có phân bố rộng khắp trên toàn bộ diện tích Khu BTTN Bắc Hướng Hóa và ước tính với trên 100 cá thể. Ngoài ra, theo các thông tin khảo sát đã xác định vùng phân bố của loài chà vá chân nâu tại các khu rừng tự nhiên tiếp giáp với xã Hướng Lập và Quảng Bình, là đầu nguồn của các con sông Bến Hải, Sê Băng Hiêng thuộc phạm vi quản lý của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải.

Như vậy, từ kết quả khảo sát cho thấy các khu bảo tồn và một số khu rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang là nơi cư trú của một số quần thể chà vá chân nâu lớn. Do đó tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch bảo tồn loài chà vá chân nâu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn loài chà vá chân nâu hướng tới việc duy trì và nâng cao kích thước quần thể, giảm thiểu các mối đe dọa tới loài, duy trì sự ổn định chất lượng sinh cảnh sống của loài. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đến năm 2025 hoàn thiện 1 bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng loài chà vá chân nâu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phục vụ công tác quản lý và bảo tồn. Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật, nâng cao nhận thức, hành động bảo tồn chà vá chân nâu của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi cá nhân. Đến năm 2025, phần lớn cán bộ các khu bảo tồn được tập huấn, tăng cường năng lực quản lý và bảo tồn chà vá chân nâu.

Có thể nói, kế hoạch bảo tồn loài chà vá chân nâu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được xây dựng căn cứ vào các cơ sở pháp lý, tình trạng và phân bố chà vá chân nâu trên toàn tỉnh, các mối đe dọa tới chà vá chân nâu và hạn chế của các khu bảo tồn trong quản lý và bảo tồn tài nguyên. Trong đó tập trung điều tra kích thước quần thể và phân bố của loài chà vá chân nâu. Lồng ghép hoạt động giám sát tình trạng và phân bố chà vá chân nâu trong công tác quản lý của các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật để bảo vệ loài chà vá chân nâu và môi trường sống của nó. Đặc biệt là nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua các chương trình truyền thông nâng cao năng lực và hành vi tại cộng đồng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ai về miền Thượng Phước

Nguyễn Việt |

Thượng Phước xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một làng cổ được tạo dựng khá sớm trong giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. 

Tái khởi động du lịch Quảng Trị sau COVID-19

Hà Trang |

Du lịch là ngành kinh doanh đặc thù nên bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất do COVID-19 so với các ngành kinh tế khác. 

Du lịch Quảng Trị có xu hướng phục hồi nhanh

Nguyên Lý |

Du lịch biển, đảo ở Quảng Trị đang có xu hướng phục hồi nhanh sau khi giãn cách xã hội do dịch COVID-19 được nới lỏng. Các di tích, điểm du lịch được mở cửa trở lại để đón khách.

Vương cung Thánh đường La Vang

Thạch Hãn |

Vương cung Thánh đường La Vang (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) là một trong những địa chỉ hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam.