Nhiều người ví von ở Quảng Trị có một vùng đất gần giống với Đà Lạt, không chỉ ở độ cao và thời tiết mà còn là đa dạng sinh học cùng với những điều kì thú khác giữa Trường Sơn thăm thẳm đại ngàn.
Đó là Sa Mù với độ cao hơn 1.000 mét so với mặt biển, còn nếu lên đỉnh thì gần 1.600 mét tương đương độ cao Đà Lạt. Hôm chúng tôi lên, thời tiết giao mùa, vừa mới lạnh đã nắng, vừa nóng đã lạnh có vẻ thất thường như một cô gái đẹp nhưng khó tính, một nhan sắc núi rừng đỏng đảnh trú ngụ ở mái nhà Quảng Trị.Để có thể hình dung thực địa về một khu bảo tồn thiên nhiên còn giữ gìn khá nguyên bản những gì mà tạo hóa ban tặng, trước tiên phải nhìn vào bản đồ mới có thể có những khái niệm địa lí cơ bản về một vùng đất rộng lớn hàng vạn ha thuộc địa bàn 5 xã bắc Hướng Hóa là: Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Sơn và Hướng Việt. Hôm chúng tôi lên vào ngày đầu tuần của tháng nên được gặp khá đông đủ cán bộ, nhân viên trong cuộc họp giao ban của Ban quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa với hơn chục con người, tính ra bình quân mỗi người quản lí hơn 1.700 ha rừng, một con số mới chỉ nghe qua không khỏi giật mình. Chưa kể rằng trong số 14 cán bộ, nhân viên thì có đến 4 nữ. Nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy cũng phải hoàn thành. Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết cơ quan ông phải thực thi nhiều nhiệm vụ song chung quy là phải gìn giữ và phát triển rừng.
Chúng tôi khá ngỡ ngàng giữa rừng xanh núi thẳm, trong điều kiện còn không ít khó khăn, những khu bảo tồn đã bước đầu chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đã xây dựng được phòng trưng bày và bảo quản tiêu bản động, thực vật, trong đó có những loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ như cá chình hoa, gỗ kim giao. Những công việc này thực sự mang lại những hiểu biết cần thiết khi muốn nắm bắt đặc điểm của thiên nhiên khu vực Bắc Hướng Hóa khi muốn kiểm định gia tài sinh học trong bối cảnh rừng nhiều nơi đang bị xâm hại, tổn thất nặng nề. Đây thực sự là những tư liệu rất có giá trị phục vụ trực tiếp cho công tác bảo tồn trước mắt cũng như lâu dài.Núi rừng mênh mông, đất trời bát ngát với nhiều loại cây rừng, với những con suối, dốc đèo quanh co, nối tiếp nhau với các bản làng xa thẳm tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Con người đến đây dễ có cảm giác như chắt chắt lạc rừng xanh nhưng lại được giao nhiệm vụ quản lí và bảo tồn thiên nhiên. Vì vậy công việc tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin, thống kê và phân loại, kể cả chuyện định danh cũng là những thao tác không hề đơn giản và không phải là chuyện ngày một ngày hai. Những nhiệm vụ thầm lặng, gian khó và lâu dài này cũng đã đem lại những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, mở ra những triển vọng tốt hơn cho công tác bảo tồn.
Sự đa dạng sinh học cũng như hệ động, thực vật phong phú đang cần tìm hiểu, khám phá đã mở ra những chân trời khoa học và thực tiễn trong công tác bảo tồn nơi đây. Để hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về giá trị to lớn của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, xin hãy tham khảo tài liệu khoa học để đánh giá đúng ý nghĩa của rừng vàng.
Theo đó thì Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có diện tích khoảng 25.000 ha rừng và đất rừng, thuộc địa bàn phía Bắc huyện Hướng Hóa, có nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bao gồm quần thể các loài động, thực vật quý hiếm như: Gà lôi lam mào trắng, Voọc Hà Tĩnh, Sao la, Mang lớn, Thỏ vằn...; Đinh tùng, Lan hải, Trầm hương; duy trì giá trị dịch vụ hệ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông Bến Hải, Rào Quán, Sông Hiếu và sông Sê Băng Hiêng (CHDCND Lào).
Giá trị to lớn và nhiều mặt của thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã được khẳng định bằng cả hai phương diện: nghiên cứu khoa học và thực tế. Rõ ràng chúng ta đang sở hữu một mỏ vàng thiên nhiên ban cho mà trữ lượng khổng lồ. Ân sủng của tạo hóa, của thiên nhiên không phải có được trong một sớm một chiều mà phải hình thành qua hàng vạn năm, hàng triệu năm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, quanh năm phủ kín sương mù. Đó còn là công sức giữ gìn của biết bao thế hệ qua rất nhiều biến động dữ dội của thiên nhiên, của chiến tranh khốc liệt mà còn lại với hôm nay, làm nên những bảo vật tưởng như bình thường mà vô giá, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống con người trong cuộc chiến đấu để bảo vệ môi trường sinh thái hôm nay. Cần phải truyền cảm hứng đến với hết thảy mọi người để câu chuyện bảo tồn thiên nhiên không còn là câu chuyện của riêng ai, càng không phải là câu chuyện riêng lẻ của một vài cơ quan nhà nước. Đó nhất thiết phải trở thành câu chuyện của tôi và chúng ta.Một gia tài có ý nghĩa về khoa học, môi trường và kinh tế lớn lao như thế nhất thiết phải được nhìn nhận đúng mức và phải giữ cho được vì chính cuộc sống của chúng ta và con cháu mai sau. Cần phải có một thông điệp gây được tiếng vang, cần có những cơ chế thích hợp, một hành lang pháp lí đủ mạnh và khả thi, một nhận thức thống nhất về bà mẹ rừng, bà mẹ thiên nhiên bao dung và vĩ đại, một sự sự đồng tâm hiệp lực của các cấp chính quyền, các ngành và cơ quan chức năng và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân địa phương. Họ chính là những chủ nhân thực sự của núi rừng và cần được nhìn nhận như thế để mọi người chung tay góp sức bảo vệ rừng một cách hữu hiệu và bền vững vì chính cuộc sống của bản thân mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)