Nói đến Quảng Trị là nói đến chịu nhiều đau thương mất mát cả về con người lẫn môi trường sinh thái do hậu quả của chiến tranh. Sau hơn 45 năm hòa bình lập lại, đất và rừng Quảng Trị đã hồi sinh, nhiều loài động vật hoang dã quy hiếm đã xuất hiện trở lại, nhiều loài chim di cư đã cư ngụ lâu dài tại Quảng Trị. Quảng Trị cũng đã có nhiều giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học nói chung đặc biệt tại các Khu bảo tồn thiên nhiên.
Đến nay, Quảng Trị đã có 3 khu bảo tồn thiên nhiên và 01 khu bảo tồn biển Cồn Cỏ. Trong đó Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa đã được Bộ NN và PTNT xếp hạng là Khu bảo tồn thiên nhiên với mục tiêu bảo tồn tài nguyên rừng tự nhiên, bảo tồn các quần thể các loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Về đa dạng sinh học ở hai khu bảo tồn, bước đầu đã ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh có 1.813 loài thực vật thuộc, trong đó có 24 loài thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam. Khu hệ động vật đã ghi nhận 89 loài thú, 260 loài chim, 147 loài lưỡng cư, bò sát, 72 loài cá nước ngọt.
Hành trình đi qua khoảng thời gian gần 18 năm khi các Khu bảo tồn được thành lập, dù trong mọi điều kiện thời tiết với hàng ngàn cây số đường rừng gian khổ và nguy hiểm, cùng với người dân bản địa và các lực lượng chức năng trên địa bàn, đội ngũ cán bộ và nhân viên giữ rừng đã cùng rừng núi bao la để bảo vệ và gìn giữ màu xanh cho quê hương. Và bài học về sự thành công lớn nhất của cuộc chiến giữ gìn đối với đội ngũ cán bộ khu bảo tồn là phải biết dựa vào sức dân, luôn xem người dân là chủ nhân thực sự của núi rừng.
Hàng năm, các đơn vị Khu Bảo tồn đều phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tiến hành hàng trăm đợt tuần tra dài ngày, đẩy đuổi hang trăm người ra khỏi rừng, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lấn chiếm, khai thác rừng trái phép….
Không chỉ bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, các cán bộ và nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên còn triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng lâu dài và bền vững cho quê hương, đặc biệt phối hợp với đoàn Trung tâm Tài nguyên và Môi trường - Đại học quốc gia Hà Nội điều tra về các loại động, thực vật trong phạm vi khu bảo tồn quản lý.
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song những kết bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được luôn là nguồn động viên khích lệ để mỗi cán bộ, nhân viên tiếp tục vượt khó để giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên sự đa dạng sinh học của núi rừng vô giá của quê hương.
(Nguồn: QRTV)