Những bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng nếu không được thu gom và tiêu hủy đúng quy định sẽ trở thành các loại rác thải nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều địa bàn tình trạng vứt rác thải thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Không khó để bắt gặp những bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được vứt dưới kênh mương, bờ ruộng hay trên đường đi ở nhiều địa bàn. Nguyên nhân là do số lượng bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật ( BVTV ) trên địa bàn toàn tỉnh còn quá ít, chưa tới một nửa so với nhu cầu thực tế. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Với diện tích lúa của tỉnh Quảng Trị cần đến 8 nghìn bể chứa rác thải thuốc BVTV, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn mới có khoảng 3 nghìn cái nên ở nhiều nơi bà con chưa có chỗ để bỏ loại rác thải nguy hại này”.
Rác thải thuốc BVTV chủ yếu là nhựa và thủy tinh, đây là những rác thải cực kỳ khó phân hủy, bên cạnh đó, trong rác thải còn chứa tồn dư một lượng thuốc nhất định nên gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn, nhất là đối với nguồn nước và các động vật thủy sinh, đo đó việc thu gom và xử lý là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, các đoàn thể cần huy động các nguồn vốn khác nhau để xây dựng hoặc lắp đặt các bể chứa trên đồng ruộng, đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu tác hại của nó đối với môi trường. Anh Trần Minh Tuấn nêu giải pháp khắc phục.
Với hơn 22 nghìn hec ta lúa được gieo trồng mỗi năm và hàng chục nghìn hec ta đất trồng các loại hoa màu khác. Hàng năm lượng rác thải thuốc BVTV thải ra môi trường là rất lớn. Việc thu gom, xử lý chỉ giải quyết được phần ngọn, còn để giải quyết phần gốc của vấn đề này cần đẩy mạnh thực hiện các mô hình ứng dụng thuốc sinh học trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng, thay thế một phần thuốc hóa học.
(Nguồn: QRTV)