Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã đồng hành, hỗ trợ rất nhiều chị em phụ nữ nghèo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định vai trò, vị thế đối với gia đình và xã hội.
Điển hình như hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Nhàn, ở thôn An Phú, xã Hải Thái, huyện Gio Linh. Vào năm 2011, chị Nhàn sinh con thứ 3 vừa được 26 ngày tuổi thì chồng chị bị tai nạn giao thông và qua đời. Một mình nuôi ba con nhỏ, bản thân lại không có nghề nghiệp ổn định khiến cuộc sống của mẹ con chị vô cùng vất vả dù đã được địa phương đưa vào diện hộ nghèo để hưởng một số trợ cấp xã hội. Chị Nhàn xoay xở làm thuê, cuốc mướn khắp nơi để mưu sinh, lo cho các con đủ miếng ăn và được tới trường học hành.
Cảm thương hoàn cảnh 4 mẹ con chị, Hội LHPN xã Hải Thái tạo điều kiện đứng ra tín chấp với NHCSXH cho chị vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để mở tiệm sửa chữa áo quần. Dần dần quen khách, chị về chợ Đông Hà lấy thêm áo quần cũ, áo quần phụ nữ, trẻ em… về bày bán thêm trong tiệm. Chị Nhàn nhớ lại: “Lúc bấy giờ tôi vừa bán áo quần, vừa có nghề sửa áo quần nên rất thuận tiện. Đôi khi khách chọn được cái áo hay cái quần ưng ý rồi nhưng vì kích thước chưa phù hợp thì mình có thể chỉnh sửa ngay nên khách mua hàng rất vừa lòng. Cửa hàng vì thế trở nên đông khách. Cuộc sống của mấy mẹ con đỡ vất vả hơn. Đặc biệt, nhờ cửa tiệm sửa áo quần ngày ấy mà tôi quen biết những người nuôi ong ở các tỉnh miền Nam khi họ di chuyển những đàn ong đến địa phương nuôi vào mùa hoa tràm nở. Từ sự quen biết ấy mà tôi được họ thuê làm ở trại ong và đó là mối nhân duyên để tôi chuyển sang nghề nuôi ong như hiện nay”. Hiện chị Nhàn đang sở hữu 1.000 đàn ong lấy mật và trở thành đầu mối thu mua ong mật lớn nhất vùng tây Gio Linh. Cùng với nghề nuôi ong, chị mở thêm xưởng sản xuất bột đậu nành. Ban đầu là tạo nguồn thức ăn cho ong nhưng đến nay sản phẩm bột đậu nành của chị đã có mặt khắp thị trường trong nước. Từ một phụ nữ chủ hộ nghèo, hiện chị Nhàn có mức thu nhập gần 1 tỉ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương.
Hoàn cảnh nghèo khó, chồng chất nợ nần do điều trị bệnh tật nhiều ngày, con cái ở tuổi ăn tuổi học của gia đình chị Nguyễn Thị Bích Trang ở Khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà không biết khi nào chấm dứt nếu chị không được Hội LHPN phường Đông Giang đứng ra tín chấp vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đào giếng khoan, nâng nền đất trong vườn chống lụt, xây dựng hàng rào, dàn che… trồng rau an toàn, công việc khá phù hợp với sức khỏe và mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình chị lúc bấy giờ. Với phương pháp canh tác để sản xuất rau an toàn chủ yếu là sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ… tuy chị Trang phải bỏ nhiều công chăm sóc nhưng đổi lại sản phẩm chị làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ rất nhanh nên chị càng có động lực chăm sóc, mở rộng diện tích quy mô trồng rau sạch. Nhớ lại những tháng ngày khốn khó của gia đình, chị Trang chia sẻ: “Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng tôi được tháo gỡ sau khi được vay vốn sản xuất và được các chị em phụ nữ trong tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đỡ, tư vấn về chương trình tín dụng chính sách học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi cháu đầu thi đỗ đại học. Số tiền được vay lúc đó có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi. Nhờ vậy mà 2 con trai của tôi đều được học hết đại học, đến nay đều có việc làm ổn định”. Với số tiền thu được từ 200 - 300 ngàn đồng/ngày từ nghề trồng rau cộng với khoản tiền công mỗi ngày từ công việc làm thợ nề của chồng, chị Trang đã “chèo chống” đưa gia đình vượt qua khó khăn, trả dần các khoản nợ nần do việc chạy chữa bệnh tật, con cái học hành trước đây, cuộc sống của gia đình chị vì thế mà ổn định hơn.
Những tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên như chị Nhàn và chị Nuốt không còn xa lạ với các cấp hội phụ nữ trong tỉnh. Tính đến cuối tháng 8/2020, toàn tỉnh có 28.350 hộ phụ nữ còn dư nợ tại NHCSXH với số tiền gần 1.240 tỉ đồng và từ đây cũng đã có hàng ngàn phụ nữ vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Theo ông Nguyễn Đức Đồng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị, nguồn vốn chính sách xã hội từ NHCSXH chi nhánh Quảng Trị ủy thác qua Hội LHPN đang chiếm tỉ lệ cao nhất trong hệ thống các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã dành trên 40% tổng nguồn ủy thác cho vay qua hội phụ nữ và điều đáng trân trọng là dù được ủy thác nguồn vốn lớn nhất nhưng tỉ lệ nợ xấu ở hội viên phụ nữ đang ở mức thấp nhất. Đây là minh chứng cụ thể cho chất lượng và hiệu quả tín dụng qua kênh phụ nữ. Các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã tích cực phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương để giải ngân nhanh chóng, thuận lợi vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng, cũng như quản lý nợ vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, cho vay quay vòng kịp thời... Đồng thời thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin, kết quả thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức như giao ban trực tuyến, nhóm zalo chỉ đạo điều hành... Qua đó, kịp thời nắm bắt và đưa ra các giải pháp tháo gỡ, giúp hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)