Chú trọng công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động

Tú Linh |

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động (XKLĐ) là nội dung quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), phấn đấu hằng năm số lao động được tạo việc làm mới bình quân trên 12.000 người. Hiện thực hóa chủ trương này, thời gian qua việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền về giải quyết việc làm cho người lao động luôn được quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Lao độngViệc làm, Sở LĐ,TB&XH cho biết, việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền nhằm chủ động giải quyết việc làm giúp người lao động có công việc và thu nhập ổn định, giảm tỉ lệ thất nghiệp, qua đó hạn chế được những phát sinh tiêu cực do thiếu việc làm gây ra.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách này, hằng năm các huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm và phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm, XKLĐ đạt những kết quả quan trọng.

Nổi bật trong nội dung này là huyện Triệu Phong đã kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thành thủ tục cho thuê đất, giải phóng bàn giao mặt bằng để triển khai dự án xây dựng Nhà máy lắp ráp điện tử Sangshin Electronics tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, thị trấn Ái Tử.

Dự án do Công ty Sangshin Electronics Co.Ltd đầu tư với số vốn 4 triệu USD được Hàn Quốc đầu tư 100%, có diện tích đất sử dụng gần 20.000 m2 .

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm. Hiện tại nhà máy đang đào tạo kỹ năng cho các lao động, phấn đấu giữa năm 2023 chính thức đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương.

Dự kiến giai đoạn 2 của nhà máy sẽ tiến hành xây dựng vào năm 2024, đi vào vận hành từ tháng 1/2025, giải quyết việc làm thêm 200 lao động nữa cho địa phương. Đây là dự án đầu tiên được triển khai xây dựng nhanh nhất, sớm đi vào hoạt động nhất tại tỉnh.

Lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc phục vụ xuất khẩu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH
Lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc phục vụ xuất khẩu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH
Thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn tích cực tham gia giải quyết việc làm cho người lao động.

Quý 1/2023, các đơn vị giải quyết việc làm cho 3.600 lượt lao động, trong đó làm việc trong tỉnh có 1.516 lượt, làm việc ngoài tỉnh 1.792 lượt; xuất khẩu 290 lao động sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 15.000 lao động được tạo việc làm mới, trong đó đáng chú ý có 2.331 lao động làm việc ở nước ngoài.

Theo chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra thì kết quả giải quyết việc làm, XKLĐ của ngành đạt 130% kế hoạch.

Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyên Hồng cho biết, hiện bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi lớn; tình hình KT-XH trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến mọi mặt, trong đó có thị trường lao động.

Vậy nhưng vấn đề tạo việc làm, XKLĐ trên địa bàn luôn đạt được kết quả là nhờ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu thời gian qua luôn xác định và xem công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là nhiệm vụ chính trị; chủ động tham mưu và chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, để công tác này có bước chuyển mới về cả lượng và chất.

Cụ thể, luôn chủ động kết nối với các cơ quan trung ương để nắm bắt kịp thời thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài, gắn với việc tạo nguồn lao động tại địa phương nhằm kịp thời cung cấp nguồn cho các thị trường lao động có chất lượng, an toàn.

Đồng thời chủ động tham mưu các chính sách hỗ trợ cho các lao động phù hợp với tình hình KT-XH của địa phương, cũng như nhu cầu của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của thị trường ngoài nước cho người lao động.

Đặc biệt ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường có tính ổn định, mức thu nhập cao, an toàn, phù hợp với năng lực lao động của tỉnh.

Chủ động đàm phán, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mà trung ương giới thiệu để hợp tác cung ứng lao động.

Theo ông Lê Nguyên Hồng, giải quyết việc làm cho người lao động không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược được cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ góp phần giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế một cách bền vững.

Nhiệm vụ của những tháng còn lại trong năm 2023 được xác định là triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 63-CTr/TU, ngày 14/4/2023 của Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, tổ chức, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Việc tuyên truyền cần đến được từng thôn, xóm, tổ dân phố giúp người lao động đón nhận kịp thời thông tin, qua đó để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Triệu Phong: 488 người đi xuất khẩu lao động trong năm 2022

Thanh Hằng |

Theo thông tin từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Triệu Phong (Quảng Trị), tổng số lao động của huyện được giải quyết việc làm mới trong năm 2022 là 3.424 người.

Hỗ trợ thanh niên ở huyện Đakrông xuất khẩu lao động

Tú Linh |

Thanh niên dân tộc thiểu số nếu tự mình tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) để giải quyết việc làm của bản thân là vấn đề không hề dễ dàng vì nhiều nguyên nhân.

Xuất khẩu lao động ở vùng biển Gio Linh có nhiều khởi sắc

Tú Linh |

Những năm qua, nhờ làm tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ), người lao động các xã vùng biển như Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) được ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, dành dụm gửi tiền về cho gia đình nên đời sống người dân tại các địa phương này được cải thiện rõ rệt, bộ mặt làng quê có nhiều đổi mới.

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, bao giờ hết cảnh “quýt làm cam chịu”?

Mai Lâm |

Mới đây, 55 lao động thời vụ đợt 2 của tỉnh Quảng Bình bị lỡ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc dù đã hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết. Nguyên nhân là do tỉnh này có 34/41 lao động đi làm việc thời vụ đợt 1 ở TP.Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) không chịu về nước như cam kết. Câu chuyện “quýt làm cam chịu” này một lần nữa cảnh báo về tình trạng lao động bất hợp pháp của nước ta khi tham gia làm việc ở nước ngoài.