Ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Trước yêu cầu tái thiết lại quê hương, cùng với giải pháp về phát triển kinh tế, tỉnh đã tổ chức ngay những lớp học bổ túc văn hóa cho người dân; đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh tổ chức các lớp bổ túc, phổ thông cho con em địa phương nhằm kịp thời tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Để có đầu mối triển khai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, tháng 3/1973 tỉnh thành lập Ty Giáo dục Quảng Trị. Ngay sau ngày mới thành lập, Ty Giáo dục đã xây dựng kế hoạch cụ thể về số học sinh, số lớp, số giáo viên và cán bộ lãnh đạo các trường để tổ chức dạy và học. Chỉ hơn 1 năm sau, đến cuối năm 1974 Quảng Trị có hàng vạn người theo học các lớp bổ túc văn hóa, 35.000 em được đi học ở các trường phổ thông và trường sư phạm. Hầu hết các xã đều có trường tiểu học, ở huyện có trường Trung học Đệ nhất cấp, tỉnh đã có trường Trung học Đệ nhị cấp hoàn chỉnh. Không ít cán bộ chủ chốt của tỉnh, các sở, ban, ngành, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo hôm nay là học sinh thời kỳ đó.

Bước sang giai đoạn mới kể từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại vào năm 1989, tỉnh tiếp tục có những giải pháp mới để đẩy mạnh phát triển ngành giáo dục và đào tạo. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương chia sẻ, vào thời điểm đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, từ năm 1990, ngành giáo dục và đào tạo đưa ra nội dung “Lựa chọn một số giải pháp có ý nghĩa đột phá để tác động tích cực đến chất lượng, nhất là bộ phận trọng điểm và mũi nhọn”.
Đến năm 2001, Tỉnh ủy lấy năm 2001 là “Năm Giáo dục” và các năm tiếp theo với việc lựa chọn mỗi năm một điểm nhấn làm chủ đề năm học. Nhờ đó đã huy động nhiều nguồn lực xã hội quan tâm, chăm lo cho giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo theo hướng “dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất”. Để góp phần triển khai có hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20 ngày 17/7/2015 về “Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trên cơ sở đó cơ cấu lại mạng lưới và loại hình trường lớp phù hợp, phát triển chất lượng giáo dục toàn diện và tăng cường hội nhập quốc tế.

Cùng với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh như chuyển đổi các loại hình trường lớp, phổ cập giáo dục-xóa mù chữ, đầu tư cơ sở vật chất, xóa phòng học tạm, mượn, luân chuyển giáo viên vùng khó, thực hiện chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập…
Từ chỗ chỉ có 3 ngôi trường kiên cố cao tầng năm 1989, đến nay quy mô mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Tỉ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của các cấp học hiện nay đạt khá cao, 100% xã, phường, thị trấn có trường cao tầng, kiên cố hóa. Tính đến năm 2022 toàn tỉnh có 210/368 trường khối công lập đạt chuẩn quốc gia. Năm học đầu tiên sau ngày lập lại tỉnh, toàn tỉnh có 349 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với 82.313 học sinh thì đến năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 399 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm với 175.121 học sinh và 14.197 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao ở tất cả các cấp học, bậc học. Ngành giáo dục và đào tạo rút ngắn khoảng cách chất lượng dạy và học giữa khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bằng.
Với cách làm cụ thể nên chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên một cách vững chắc, đã tạo được nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao. Giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm đúng mức. Tại các kỳ thi THPT quốc gia hằng năm, kết quả thi tốt nghiệp học sinh tỉnh Quảng Trị ngang bằng hoặc có năm cao hơn tỉ lệ chung của toàn quốc. Đã có hàng chục nghìn em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở cả 3 cấp: tiểu học, THCS và THPT. Tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng được đánh giá nằm trong tốp cao của cả nước.
Cùng với giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, ngay sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, nhất là sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại năm 1989, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách xây dựng nguồn nhân lực để xây dựng quê hương. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trong đó có Nghị quyết số 12 ngày 31/5/2013 của HĐND tỉnh “Về việc quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh giai đoạn 2013- 2020”. Từ khi có nghị quyết này đến nay toàn tỉnh có hơn 840 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học. Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Quang Chiến cho biết, từ khi thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút tạo nguồn nhân lực có chất lượng tỉnh Quảng Trị thì số lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học tăng lên rõ rệt, chiếm tỉ lệ 7,36% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, tăng 840 người so với năm 2012.

Chính sách đãi ngộ đối với viên chức y tế cơ sở đang công tác đã thực sự động viên, khích lệ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học đang công tác trên địa bàn tỉnh yên tâm công tác, tiếp tục phục vụ, cống hiến lâu dài tại địa phương, qua đó tạo động lực cho ngành Y tế của tỉnh phát triển. Với các điều kiện, tiêu chuẩn khá chặt chẽ, yêu cầu cao, tỉnh đã thu hút được một lượng lớn sinh viên giỏi có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cao là con em địa phương để bổ sung cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tạo chuyển biến về chất lượng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh…Điều quan trọng là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và phát triển quê hương Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)