Chú trọng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Đakrông

Minh Long |

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng, sự đồng thuận của người dân địa phương, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR) ở huyện Đakrông, Quảng Trị) đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Qua đó, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng, đốt rừng, khai thác rừng; mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép..., góp phần giữ cho “lá phổi” ở miền Tây Quảng Trị luôn xanh.

Huyện Đakrông có trên 80.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 71.659 ha và rừng trồng trên 8.363 ha. Diện tích rừng của huyện trải đều trên 14 xã, thị trấn thuộc sự quản lý của Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, vùng thực hiện dự án của BQL Dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng khu vực biên giới; diện tích còn lại do UBND các xã quản lý. Huyện có vị trí địa lý giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt có tuyến biên giới giáp với nước bạn Lào với gần 60 km, nơi đây tập trung chủ yếu là rừng tự nhiên có chất lượng cao.

Để thực hiện có hiệu quả công tác QL, BV&PTR, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương kịp thời triển khai công tác QL, BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Xây dựng, ban hành phương án PCCCR trên địa bàn huyện Đakrông giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường triển khai phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về QL, BV&PTR trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức như: tổ chức họp thôn, lồng ghép tại hội nghị, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã, thôn.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông phối hợp kiểm tra hiện trường phá rừng tự nhiên -Ảnh: M.L
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông phối hợp kiểm tra hiện trường phá rừng tự nhiên -Ảnh: M.L

Tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện công tác QLBVR, PCCCR của các địa phương, đặc biệt là các xã vùng trọng điểm có nguy cơ cao về xâm hại rừng...nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác QLBV&PTR.

Nhờ tăng cường triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp QL, BV&PTR, tỉ lệ che phủ rừng tiếp tục tăng qua từng năm, đạt 65,29% (tính đến 31/12/2022). Nhiều địa phương đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác QLBV&PTR trên địa bàn. Người dân có ý thức, hiểu biết nhiều hơn các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, BVR, không vi phạm pháp luật. Các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đều được giám sát chặt chẽ.

Công tác theo dõi diễn biến rừng được đẩy mạnh. Công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được quan tâm thực hiện, giúp cho người dân sống gần rừng, làm nghề rừng được nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Năm 2020, UBND huyện Đakrông đã ban hành quyết định giao đất, giao rừng cho các cộng đồng thôn Ba Bảy, thôn La Tó, xã Húc Nghì và cộng đồng thôn Ly Tôn, xã Tà Long đối với diện tích giao rừng gắn liền giao đất lâm nghiệp với tổng diện tích đất, rừng được giao 335 ha; tổ chức trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng, phân định ranh giới trên thực địa cho 3 cộng đồng thôn được giao đất, giao rừng.

Bên cạnh đó, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Giai đoạn 2020-2022, huyện xử lý hành chính 163 vụ, tịch thu 273,461 m3 gỗ các loại quy tròn, thu nộp ngân sách trên 921 triệu đồng; khởi tố, xét xử 3 vụ “hủy hoại rừng”. Đặc biệt, huyện nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong năm 2022, địa bàn xã Đakrông đã để xảy ra vụ việc phá rừng với diện tích 13,93 ha tại tiểu khu 699 và 708. Với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch UBND xã Đakrông phải chịu trách nhiệm chính đối với vụ việc phá rừng, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đakrông đã có quyết định kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Đakrông bằng hình thức khiển trách.

Từ nguồn kinh phí các Chương trình Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Dự án bảo vệ và phát triển rừng, các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ đã tiến hành trồng mới 359 ha rừng đặc dụng, phòng hộ. Từ năm 2021 - 2022, BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung với diện tích 68,6 ha.

Giai đoạn 2020 - 2022, hoạt động trồng rừng thay thế trên địa bàn huyện tiến hành tại lâm phần các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với tổng diện tích 359 ha.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 175- CTHĐ/TU; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030 của UBND huyện...

Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt chủ trương “ba bám” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám Nhân dân), tham mưu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Chú trọng bảo vệ các khu rừng tự nhiên có nguy cơ xâm hại cao, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn. Triển khai thực hiện tốt phương án PCCCR cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025. Hạn chế thấp nhất số vụ cháy, diện tích và tài nguyên rừng bị cháy.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách của ngành lâm nghiệp đến các tầng lớp nhân dân, các chủ cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chủ rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý rừng, giao rừng tự nhiên, nâng cao độ chính xác về số liệu quản lý rừng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đakrông: 7 người dân bị phạt gần 800 triệu đồng vì phá rừng

Hương Lài |

Ngày 24/2, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa xử phạt hành chính 4 người dân ở thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông vì hành vi phá rừng.

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

Lê An |

Nhằm khai thác thế mạnh của rừng trong phát triển du lịch sinh thái, trong những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đakrông (Quảng Trị) đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát triển tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.

Nỗ lực bảo vệ rừng giáp ranh

Lê An |

Là địa phương có địa hình rừng núi phức tạp, nhiều diện tích rừng giáp ranh với huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có nhiều khu vực là rừng tự nhiên phòng hộ cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Nhiều tiện ích từ ứng dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng

Lê An |

Gần 1 năm nay, nhờ vào việc ứng dụng thiết bị bay không người lái có chức năng chụp ảnh và quay phim (còn gọi là flycam) mà công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) được cập nhật chính xác, kịp thời hơn. Đặc biệt là những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, khó tiếp cận.