Trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh, dịch bùng phát phức tạp thì chiến lược tiêm chủng sử dụng vaccine Astrazeneca cần có sự điều chỉnh phù hợp tình hình mới.
Theo kế hoạch tiêm chủng của TP.HCM từ nay đến hết năm 2021, TP tiếp tục thúc đẩy hàng triệu mũi tiêm để đảm bảo có thể phủ 100% vaccine với người dân từ 18 tuổi trở lên. Trong cấu trúc tiêm vaccine của TP, lượng người tiêm mũi 1 là vaccine Astrazeneca chiếm tỷ lệ cao so với các loại vaccine còn lại.
Gần đây có một số đơn vị quận, huyện cho biết có những nhóm người dân đã tiêm mũi 1 vaccine Astrazeneca được 6-7 tuần nhưng chưa được tiêm mũi 2, mặc dù đã có đủ vaccine được phân bổ về. Lý do là theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26-7-2021 về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng, Bộ Y tế hướng dẫn với vaccine Astrazeneca, hai liều cách nhau từ 8-12 tuần.
Theo đánh giá của một số chuyên gia y tế, hướng dẫn của Bộ Y tế là có cơ sở khoa học, nhưng đó không phải là quy định cứng nên nếu các địa phương cứng nhắc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng, người dân chậm được tiêm đầy đủ vaccine và quá trình bình thường mới sẽ bị ảnh hưởng theo.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo (ĐH Quốc tế TP.HCM), Phó Ban biên tập Chuyên trang COVID-19, ĐH Quốc gia TP.HCM. nhận định với sự xuất hiện của Delta, nhiều nước đã đề xuất rút ngắn khoảng cách tiêm giữa 2 mũi Astrazeneca để có thể bảo vệ kịp thời các nhóm có nguy cơ cao.
Khoảng cách 8-12 tuần không còn phù hợp
Phóng viên: Xin bà giải thích về khoảng thời gian 8-12 tuần giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine Astrazeneca mà nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã khuyến cáo?
+ PGS-TS Nguyễn Phương Thảo: Vào đầu năm nay, một báo cáo đăng trên tạp chí The Lancet nhằm tổng hợp thông tin từ các nghiên cứu trước đó về tính hiệu quả của vaccine AstraZeneca đã cho thấy: vaccine này đạt hiệu quả 55,1% khi khoảng cách giữa 2 mũi ít hơn 6 tuần, đạt 60% đối với khoảng từ 6-8 tuần và tăng đến 81,3% đối với khoảng cách tiêm 12 tuần. Vì vậy, chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã khuyến cáo người dân nên tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca vào khoảng 8-12 tuần sau mũi thứ nhất để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất.
Khuyến cáo này đến nay, với sự xuất hiện của chủng Delta thì có còn phù hợp?
+ Tôi cho rằng thời gian 12 tuần không còn phù hợp để đối phó với tình hình dịch bùng phát. Nghiên cứu trên tạp chí The Lancet mà tôi kể trên được công bố trước khi tình hình diễn biến dịch trở nên phức tạp với biến chủng Delta và sự xuất hiện của nhiều ổ dịch cùng số ca lây nhiễm ngày một tăng. Điều này đã dẫn đến nhiều đề xuất rút ngắn quãng thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng và phòng ngừa lây nhiễm cho những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Một nghiên cứu khác đến từ Vương Quốc Anh kết luận rằng tuy mũi tiêm thứ nhất của AstraZeneca chỉ cung cấp hàng rào bảo vệ đạt 30,7% trước chủng Delta, thế nhưng mũi tiêm thứ 2 giúp tăng gấp đôi tỷ lệ trên lên 67%.
Ngoài ra, các đối tượng chưa được tiêm đầy đủ vaccine có nhiều khả năng bị tổn thương phổi nặng nề hơn khi lây nhiễm COVID-19 so với các đối tượng đã được tiêm phòng. Việc chờ thời gian dài hơn để có miễn dịch tối ưu là quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là đạt mục tiêu giảm tải áp lực lên hệ thống y tế đang phải chăm sóc những bệnh nhân chưa có điều kiện được tiêm vaccine đầy đủ.
Đề xuất rút ngắn còn 4-12 tuần
Thực tế áp dụng ở các nước với vaccine Astrazeneca là như thế nào?
+ Hiện tại, việc rút ngắn thời gian chờ mũi tiêm thứ 2 đang là giải pháp đang chờ được phê duyệt tại Đức (nơi có đến 97% ca nhiễm mới là do chủng Delta). Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói rằng họ đang cân nhắc nới lỏng chính sách 12 tuần, và giảm còn tối thiểu 4 tuần để nhanh chóng tiêm chủng đầy đủ cho cả nước.
Việc rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi 2 cũng được chính thức khuyến nghị tại các nước Úc (Sydney hiện đang phải sống chung với chủng Delta), Ireland và Canada.
Cụ thể, ATAGI (Nhóm Cố Vấn Kỹ Thuật Về Ngừa Bệnh thuộc Bộ Y Tế liên bang Úc) vừa đưa ra khuyến nghị rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi AstraZeneca xuống còn 4-8 tuần trong trường hợp bùng phát dịch. Họ cho biết, đối với chủng Delta, 2 mũi tiêm đầy đủ vaccine AstraZeneca giúp giảm rủi ro nhập viện tới 92% so với lúc chưa tiêm đầy đủ. Riêng ở Sydney, các cán bộ y tế cấp cao khuyên người dân hãy nhanh chóng sắp xếp để được tiêm mũi thứ 2 của AstraZeneca trong vòng 6 tuần kể từ mũi thứ nhất.
Chính phủ Ireland cũng đang có động thái tương tự. Việc rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm sẽ nhanh chóng phủ rộng sự miễn dịch trong cộng đồng dân cư sống ở những nơi dịch đang bùng phát. Đồng thời, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca cũng đưa ra khuyến cáo là mũi 2 nên được chích với khoảng cách từ 4-12 tuần so với mũi đầu tiên, vì vậy nên không có cơ sở cho rằng việc rút ngắn thời gian sẽ khiến vaccine vô hiệu lực.
. Bà có khuyến nghị gì với chiến dịch tiêm chủng của TP hiện nay liên quan Astrazeneca?
+ Tôi cho rằng mình cần linh hoạt dựa vào nguồn cung vaccine. Ví dụ, nếu vaccine khan hiếm thì chúng ta có thể ưu tiên tiêm mũi 1 và giãn cách xa như khuyến cáo của Bộ Y tế là 8-12 tuần. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với tiêm chủng là bảo vệ nhóm người nguy cơ cao để họ giảm lây nhiễm, giảm chuyển nặng và tử vong.
Vì vậy, nếu địa phương nào đang bùng dịch mạnh mà đã có nguồn cung vaccine về và có điều kiện thì nên chủ động tiêm sớm để bảo vệ người dân, và tôi nghĩ khoảng cách 4-12 tuần là chấp nhận được, miễn là điều phối được nguồn vaccine. Các địa phương không bùng dịch thì vẫn có thể tính toán giãn thời gian tiêm giữa hai mũi ở mức 8 tuần sẽ tốt hơn.
Xin cám ơn bà.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều với khoảng cách tiêm như sau:
- Vaccine COVID-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần
- Vaccine Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
- Vaccine Comirnaty của hãng Pfizer: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
- Vaccine SARSCoV-2 Vaccine (Vero Cell) của hãng Sinopharm: Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần
- Vaccine COVID-19 Vaccine Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần
(Nguồn: Pháp Luật)