Đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng

Lê An |

Huyện Đakrông (Quảng Trị) có hơn 79.500 ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 62.300 ha, rừng trồng là 11.100 ha.

Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế cho người dân.

Theo khảo sát của ngành chức năng, trên địa bàn huyện Đakrông có rất nhiều loại cây dược liệu quý như bảy lá một hoa, sa nhân, sâm cau, khôi tía, thiên niên kiện, đẳng sâm, quế, chè vằng, cà gai leo… đã có từ lâu đời và được mọc trong tự nhiên, chủ yếu là mọc dưới tán rừng. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân nên việc khai thác thường diễn ra quá mức, không chú ý đến khả năng tái sinh dẫn đến nguồn tài nguyên dược liệu quý này đang dần cạn kiệt. Người dân chủ yếu bán dược liệu thô, không qua chế biến cho các đầu mối, tiểu thương để bán sang Trung Quốc.

Trước thực tế đó, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn huyện Đakrông đã trồng được trên 300 ha dược liệu các loại như cây ba kích tím, sả, húng quế, sâm Bố Chính…; hỗ trợ xây dựng phát triển cơ sở chế biến và bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan. Có thể kể đến như dự án trồng cây ba kích tím dưới tán rừng do dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 triển khai với diện tích hơn 189 ha và được giao cho cộng đồng thôn A Đăng, xã Tà Rụt và thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp quản lý. Sau gần 4 năm trồng và chăm sóc, hiện tại kích thước củ đã có đường kính từ 1,5 - 2 cm. Giá bán hiện nay khoảng 300.000 - 350.000 đồng/kg.

Dự kiến khi đạt 5 năm tuổi sẽ đưa vào khai thác đại trà. Trưởng thôn Gia Giã Hồ Văn Vinh cho biết, tham gia thực hiện dự án, các hộ dân được hỗ trợ về cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ba kích tím. Qua đánh giá cây ba kích tím rất phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương, từ khi trồng đến năm thứ 3 cây phát triển rất tốt, đạt tỉ lệ sống cao.
Kiểm tra sinh trưởng của cây sa nhân tím dưới tán rừng - Ảnh: L.A
Kiểm tra sinh trưởng của cây sa nhân tím dưới tán rừng - Ảnh: L.A
Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trở đi, khi cây bắt đầu tạo củ thì có một số động vật rừng như heo rừng phá hại. “Theo hướng dẫn, cây ba kích tím trồng càng lâu thì chất lượng dược liệu trong củ càng tốt, giá bán cũng cao hơn. Do đó, người dân trong thôn đang tập trung chăm sóc, bảo vệ. Từ đó có nguồn thu nhập, cải thiện đời sống”, anh Vinh nói.

Tương tự, với mục tiêu nâng cao giá trị các loại dược liệu dưới tán rừng, được sự hỗ trợ của các ban, ngành huyện Đakrông, anh Nguyễn Văn Hùng ở thị trấn Krông Klang đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh với sản phẩm trà thất tiên thảo có 100% nguyên liệu từ thiên nhiên, bao gồm đinh lăng, tích diệp đằng, sa nhân, thổ phục linh, phúc bồn tử, hồ điệp, chè vằng.

Anh Hùng cho biết, xuất phát từ thực tế trong quá trình canh tác, người dân đã tìm thấy được rất nhiều loại dược liệu quý nhưng do không biết nhiều về giá trị dược liệu nên họ chủ yếu khai thác để bán cho thương lái với giá thấp. Nếu có tự sơ chế thì cũng không đảm bảo chất lượng, thường bị ẩm mốc. Do vậy, anh đã nảy ra ý tưởng sản xuất sản phẩm trà thảo mộc chất lượng cao, vừa góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm gốc và tạo ra được thêm nhiều sản phẩm mới đến với người tiêu dùng.

Hiện tại, HTX đang liên kết với các tổ chức, đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ và hội cựu chiến binh các xã trên địa bàn để thu hái nguyên liệu từ rừng, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu có diện tích 5 ha thông qua liên kết với thành viên HTX.

“Để bảo tồn hệ sinh thái, HTX khuyến khích người dân chỉ khai thác theo hình thức cắt tỉa chứ không chặt gốc để cây tiếp tục tái sinh. Song song với đó, HTX đã xây dựng vườn ươm để bảo tồn các loại cây dược liệu quý, không để bị tận diệt; phát triển các loại cây dược liệu, cây hương hiệu, cây gia vị… phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương”, anh Hùng cho biết thêm.

Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đakrông Lê Phước, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng theo đánh giá, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện vẫn đang còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Phương thức khai thác các loại cây dược liệu trong tự nhiên thiếu phù hợp, không thực hiện các biện pháp tái tạo nguồn dược liệu và chưa phát triển sản xuất thành sản phẩm hàng hóa. Nhiều diện tích rừng được giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình quản lý nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế do chưa được định hướng các loại cây trồng xen dưới tán rừng.

Một số loại cây trồng dưới tán rừng có tiềm năng phát triển tại địa phương nhưng chưa được trồng thử nghiệm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên người dân chủ yếu ưu tiên trồng các loại cây hằng năm để sớm có thu nhập.

Ông Phước cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, qua đó vừa khai thác tiềm năng tự nhiên, lao động địa phương, vừa giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và bảo vệ được rừng, huyện Đakrông đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ phát triển vùng trồng dược liệu với quy mô khoảng 950 ha.

Trong đó, trồng dưới tán rừng tự nhiên giao cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý với diện tích 800 ha; tập trung tại các xã Hướng Hiệp, Tà Long, Đakrông, Ba Nang, A Ngo, A Vao, Húc Nghì, Tà Rụt, Ba Lòng và A Bung. Xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật. Đồng thời, khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng về hệ sinh thái rừng cùng sự độc đáo trong bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

“Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, lựa chọn các loài cây trồng, con nuôi dưới tán rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng. Đồng thời, tham mưu thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhằm sử dụng có hiệu quả”, ông Phước cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thu hồi 218.253 m2 đất rừng sản xuất để giao địa phương quản lý, sử dụng

Minh Long |

Ngày 20/9, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định thu hồi 218.253 m2 đất rừng sản xuất của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (theo kết quả đo đạc hiện trạng), thuộc các thửa đất số: 10, 25, 37, 58 - tờ bản đồ địa chính số 26 của xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ để giao cho UBND huyện Cam Lộ quản lý, lập phương án bố trí đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu

Phan Việt Toàn |

Theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là 2 trong 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Yêu cầu điều tra, xử lý vụ chặt hạ cây rừng tự nhiên ở xã Cam Tuyền

Bùi Nghĩa |

Ngày 13/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã có báo cáo nhanh gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh về kết quả kiểm tra tình hình chặt phá cây tự nhiên tại tiểu khu 771, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (do Công ty TNHH MTV Lâm trường Đường 9 quản lý).

Cam Lộ: Hàng chục cây rừng tự nhiên tái sinh bị cưa hạ

Bùi Nghĩa |

Ngày 10/9, Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế, Đội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) và đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 kiểm tra hiện trường chặt phá cây rừng tự nhiên tái sinh tại Tiểu khu 771, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.