Để người lao động hồi hương yên tâm gắn bó với quê nhà

Thanh Lê |

Đợt COVID-19 lần thứ tư bùng phát khiến nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam ồ ạt trở về quê.

Trong số hàng ngàn lao động hồi hương có không ít người chọn ở lại quê nhà để lập nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với doanh nghiệp tích cực hỗ trợ để người lao động hồi hương yên tâm gắn bó và lập nghiệp tại quê hương.


Người lao động yên tâm với nơi làm việc mới

Những ngày đầu năm mới 2022, đến thăm một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi bắt gặp không khí làm việc hăng say, phấn khởi của những người lao động (NLĐ) nơi đây. Đặc biệt, đối với những NLĐ hồi hương, chúng tôi thấy được ở họ niềm tin mới khi tìm được việc làm ổn định tại quê nhà. Anh Nguyễn Văn Song, (sinh năm 1986), quê ở thành phố Đông Hà có thời gian lập nghiệp hơn 9 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Là một kỹ sư xây dựng, hằng tháng anh Song có nguồn thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống cho gia đình nhỏ nơi đất khách. Rồi đại dịch bùng phát, công ty ngừng hoạt động, anh Song mất việc làm. Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng anh đã chọn quê hương để trở về lập nghiệp.

Kỹ sư Nguyễn Văn Song (đầu tiên từ trái sang) đã tìm được việc làm mới phù hợp với chuyên môn tại quê nhà - Ảnh: T.L
Kỹ sư Nguyễn Văn Song (đầu tiên từ trái sang) đã tìm được việc làm mới phù hợp với chuyên môn tại quê nhà - Ảnh: T.L

Anh Song cho biết: “Cuối năm 2021, tôi đưa gia đình trở về quê, hay tin Công ty TNHH Thương mại số 1- Đoàn Luyến tuyển dụng lao động, tôi ứng tuyển và được nhận vào làm sau vòng phỏng vấn. Môi trường làm việc phù hợp với chuyên môn, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, tôi hoàn toàn yên tâm với lựa chọn của mình, quyết tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.

Không khí làm việc tại Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) những ngày đầu năm mới cũng sôi nổi hơn so với ngày thường. Đặc biệt, tại chuyền may riêng dành cho NLĐ từ các tỉnh phía Nam trở về, mọi người chuyện trò rôm rả cùng với những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới. Chị Phạm Thị Thiếp, ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ vui vẻ cho biết: “Tìm được một công việc ngay trên quê hương, gần gia đình, người thân là ước muốn lớn nhất của em. Với những kinh nghiệm tích lũy được sau thời gian làm công nhân may tại Thành phố Hồ Chí Minh, em sẽ gắn bó và cống hiến để góp sức đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển”.

Tròn 18 tuổi nhưng chị Thiếp đã có gần 2 năm theo nghề may ở một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, chị Thiếp cũng tích lũy được một ít tiền để gửi về quê phụ giúp gia đình. Khi COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp ngừng hoạt động, chị quyết định trở về quê để tìm một công việc phù hợp với tay nghề của mình. Tháng 6/2021, sau khi hoàn thành thời gian cách ly, Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định là nơi chị Thiếp lựa chọn và quyết định gắn bó lâu dài.

Chung niềm vui với chị Thiếp, anh Võ Văn Sỹ, công nhân may của Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định cho hay: “Mưu sinh nơi đất khách, tuy thu nhập có cao hơn tại quê nhà nhưng sau khi trừ mọi chi phí, số tiền tích lũy của công nhân cũng không được là bao. Khi COVID-19 bùng phát, mất việc làm, không có nguồn thu nhập, những NLĐ xa quê như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi trở về quê nhà, tìm được một nơi làm việc mới với thu nhập ổn định, những NLĐ hồi hương rất phấn khởi. Với các chế độ đãi ngộ phù hợp mà công ty dành cho NLĐ, tôi tin tưởng rằng ngày càng có thêm nhiều lao động gắn bó và đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp”.

Nhiều chính sách hỗ trợ đối với người lao động hồi hương

Để những NLĐ hồi hương yên tâm làm việc, tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có sự hỗ trợ phù hợp để thu hút lao động. Công ty TNHH Thương mại số 1- Đoàn Luyến hiện đang tạo việc làm cho trên 350 lao động, thu nhập bình quân NLĐ năm 2021 đạt từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng, tăng trên 10% so với năm 2020. Trong năm 2022, công ty dự kiến sẽ tăng thêm 10% thu nhập cho NLĐ trên lĩnh vực sản xuất và thương mại. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng vào làm việc tại công ty, doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Vừa qua, doanh nghiệp đã tuyển dụng được 3 kỹ sư và 4 công nhân từ các tỉnh phía Nam trở về do đại dịch.

Hiện tại, các lao động đang yên tâm, hài lòng với môi trường làm việc mới tại công ty. Anh Nguyễn Văn Song chia sẻ thêm: “Sau khi được nhận vào làm, tôi được công ty hỗ trợ, tạo điều kiện để có môi trường làm việc phù hợp, đúng với lĩnh vực chuyên môn. Các chế độ, chính sách, tiền lương, tiền thưởng đều được hưởng đầy đủ. Đặc biệt, đối với những công trình tôi tham gia thực hiện nếu hoàn thành tốt, vượt tiến độ đều được doanh nghiệp hỗ trợ khen thưởng để động viên kịp thời. Chính sự quan tâm đó là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với chúng tôi, những NLĐ từ miền Nam trở về quê”.

Ông Đoàn Xuân Luyến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại số 1- Đoàn Luyến thông tin thêm: “Môi trường làm việc tại các tỉnh phía Nam rất năng động nên các kỹ sư, NLĐ khi trở về quê hương đa số có kinh nghiệm, tay nghề, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng công nhân lao động, đặc biệt là NLĐ hồi hương vào làm việc tại doanh nghiệp”.

Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định được thành lập vào năm 2018 với quy mô 250 lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp mới chỉ tuyển dụng được 130 lao động, chủ yếu đến từ địa bàn hai huyện Cam Lộ và Gio Linh. Mong muốn lớn nhất của công ty trong năm 2022 là tuyển đủ số lao động theo kế hoạch đề ra để mở thêm chuyền may, nhận thêm các đơn hàng mới, tiếp tục đem lại thu nhập ổn định cho NLĐ. Trước “làn sóng” lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê do đại dịch, Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định là một trong những đơn vị tiên phong tuyển dụng lao động hồi hương với nhiều chính sách ưu đãi phù hợp. Đến thời điểm này, công ty đã tuyển dụng được 48 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam vào làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Định Ngô Thị Hồng Tuyết cho hay: “Những lao động ngành may từ các tỉnh phía Nam trở về đa số là công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp tốt. Do vậy, để thu hút lao động hồi hương vào làm việc tại doanh nghiệp, hiện tại công ty đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ. Ngoài các chính sách được hưởng theo quy định, doanh nghiệp còn hỗ trợ 1 triệu đồng đối với NLĐ có tay nghề; hỗ trợ tiền chuyên cần, tiền ăn, hỗ trợ học nghề… cho NLĐ. Với những chính sách ưu đãi hiện có, công ty mong muốn tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều lao động vào làm việc, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn và một số vùng lân cận”.

Để động viên các doanh nghiệp, công nhân lao động tích cực lao động sản xuất ngay từ đầu năm mới, lãnh đạo và công đoàn ngành Công thương đã đến thăm, tặng quà công nhân lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết thêm: “Quan điểm của ngành Công thương trong năm 2022 là tập trung hỗ trợ để các doanh nghiệp thu hút các lao động nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh do bị gián đoạn bởi COVID-19. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương trong thực hiện hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng hành với doanh nghiệp thực hiện các chính sách phù hợp nhằm “giữ chân” những NLĐ có tay nghề từ các tỉnh phía Nam trở về. Cùng với đó, ngành cũng mong muốn các chủ doanh nghiệp trong tỉnh có chính sách phù hợp, tương đồng với các chính sách ở các tỉnh phía Nam để giúp NLĐ có tay nghề cao, lao động kỹ thuật yên tâm lao động sản xuất, đồng hành với doanh nghiệp trong thời gian tới”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Doanh nghiệp chăm lo cho người lao động để khôi phục sản xuất

Mai Lâm |

Lực lượng công nhân lao động Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung đã trải qua một năm đầy sóng gió do ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, sự quan tâm, chia sẻ, khích lệ của toàn xã hội, người lao động đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định cuộc sống.

Trao gần 1 tỉ đồng quà Tết cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn

Lệ Như |

Ngày 21/1, Công đoàn ngành Công thương tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình “Tết sum vầy- Xuân bình an” cho công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động

Thanh Lê |

Để tất cả các đoàn viên và người lao động (ĐV&NLĐ) đều có Tết, cùng với các cấp, ngành, công đoàn các cấp trong tỉnh tích cực phối hợp với chuyên môn chăm lo lương, thưởng tết cho ĐV&NLĐ. Từ đó, góp phần giúp công nhân lao động được đón tết Nguyên đán trọn vẹn, ấm cúng hơn, đồng thời, tạo thêm niềm tin để ĐV&NLĐ yên tâm gắn bó lâu dài với tổ chức công đoàn, doanh nghiệp.

Nữ đại biểu Quốc hội được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

PV |

Ban Chấp hành Tổng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bầu bổ sung 18 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành.