Nhiều thầy, cô giáo dạy học ở miền núi tỉnh Quảng Trị cho hay, thường niên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là họ phải lặn lội đi vận động học sinh ra lớp.
Do nhiều học sinh sau kỳ nghỉ Tết đã ở nhà hẳn để phụ giúp cha mẹ những công việc trên nương rẫy, một số trường hợp cá biệt còn ở nhà để lập gia đình…
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Bùi Công Thành, Trường TH&THCS xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) nói rằng, các thầy, cô giáo tranh thủ lúc nghỉ Tết, vào mùng 4 và 5, đã đến các bản làng vận động học sinh ra lớp.
Bởi lẽ nếu không làm thế thì sẽ có rất ít học sinh trở lại trường lớp đúng thời gian quy định, có nhiều em nghỉ kéo dài tới 1 tuần đến nửa tháng sau mới đi học trở lại, thậm chí có không ít em bỏ hẳn việc học nếu như thầy, cô giáo không chịu khó đến tận nhà và kiên trì vận động.
So với các xã khác trên địa bàn, Hướng Hiệp tương đối gần với đồng bằng, đường sá đi lại cũng có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, xã có khoảng 10 thôn, thì cũng có những thôn rất xa, như Khe Hiên, Kreng, Pa Loang… nhà cửa thưa thớt, chủ yếu nằm ven các sườn núi, đường sá đi lại vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ sáng sớm ngày mùng 4 Tết, thầy Thành đã cùng với các đồng nghiệp của mình lội suối băng rừng đến những thôn này để thăm Tết học trò, gia đình của các em và vận động các em trở lại trường theo đúng thời gian đã quy định.
Thầy Thành kể lại, tròn 9 năm trước, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ngành Giáo dục Tiểu học, thầy đã xung phong về dạy điểm trường lẻ A Sau thuộc Trường Tiểu học A Vao. Đây là điểm xa nhất của xã, ở khu vực biên giới Việt – Lào; cách trường chính 22 cây số, việc đi lại phải lội suối băng rừng.
“Xác định những nơi như thế này sẽ vô cùng khó khăn, song trong thực tế còn diễn ra ngoài sức tưởng tượng của em. Ngày đó bản làng rất nhiều không: không điện thắp sáng, không nước sạch, không đường đi và tất nhiên là không sóng điện thoại”, thầy Thành nhớ lại. “Sau khi đã quen với khó khăn ở đây 1 năm, em tiếp tục tình nguyện, lần lượt nhận nhiệm vụ ở các điểm trường lẻ khác, như điểm trường Pa Lin, Tân Đi cùng ở xã A Vao”.
Thầy Thành kể tiếp: “Những nơi này vẫn là những lối mòn nhỏ hẹp, hết sức trơn trượt vào mùa mưa; việc đi lại cũng chỉ bằng cách duy nhất là đi bộ. Sau giờ lên lớp, cả thầy và trò đều vất vả lo cái ăn, từ việc mò con cá, con ốc dưới suối đến việc vào rừng hái bông chuối và măng rừng. Đã vậy, ở đó hằng ngày vào tầm 4h chiều là mây mù đã giăng kín khắp nơi. Nhiều lúc đứng cách nhau chỉ chừng 10 mét, nhưng không thể thấy mặt nhau”.
Sau 6 năm bám trụ, hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho học trò nghèo ở các điểm trường lẻ nơi rẻo cao A Vao, do hoàn cảnh gia đình neo người, bố mẹ thường xuyên ốm đau không có ai chăm sóc tuổi già, nên lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Đakrông đã chủ động điều chuyển công tác thầy Thành về dạy học ở Trường Tiểu học Hướng Hiệp.
Dẫu vậy, đoạn đường từ đây đến quê nhà ở Gio Linh vẫn còn khá xa. Trong ánh nắng ấm nhuốm vàng của ngày đầu năm, chúng tôi khẽ hỏi thầy Thành, rằng có khi nào thầy cảm thấy chồn chân trên những miền đất khó như thế này không?!
Thầy cười hiền, trả lời: “Không! Bởi nếu thế tôi đã về quê để làm việc khác. Bao năm qua tôi đã gắn bó với học trò nghèo ở những nơi này, tình cảm của các em và đồng bào dân bản đã trở thành máu thịt trong tôi, không thể chia rời được!”.
Nói về tình trạng học sinh nghỉ học dài ngày và có tình trạng bỏ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thầy giáo Phạm Công Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, cũng chia sẻ rằng, tình trạng này khá phổ biến trong những năm qua. Riêng trên địa bàn Hướng Hóa còn có nguyên nhân đặc thù khác, là thời điểm sau Tết trúng vào mùa thu hoạch cây đót.
Các em vào rừng mỗi ngày có thể hái được từ 30 - 40kg đót tươi. Với giá bán 4.000 đồng/kg, mỗi em cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng/ngày, đây là số tiền không hề nhỏ đối với mỗi gia đình ở miền núi.
Do đó, nhiều em thường rủ nhau tạm thời nghỉ học để kiếm tiền giúp cha mẹ, nhưng sau đó thì nghỉ hẳn và khó vận động các em trở lại học được. Năm nay, ngay từ mùng 3 Tết Nguyên đán, nhà trường đã chủ động tổ chức các thầy, cô giáo vào đến tận từng bản làng để vận động các em trở lại trường theo đúng thời gian đã quy định.
Nhiều năm đứng lớp, làm công tác chủ nhiệm hay hiệu trưởng nhà trường như thầy Thành, thầy Hiền và rất nhiều thầy, cô giáo khác, họ đều đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý trong ngành Giáo dục. Song, với họ, tinh thần trách nhiệm với nghề và trái tim thương yêu học trò mới là chìa khóa vạn năng để đưa các em đến được tương lai tươi đẹp!
(Nguồn: Công an nhân dân)