Dồn lực tìm nước, chống mặn giúp Vựa lúa số 1 Việt Nam 'vượt hạn'

Hùng Võ |

Với hơn 4 triệu hécta, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của gần 20 triệu đồng bào, là vựa lúa lớn nhất của cả nước, nhưng cũng là vùng đang phải đối mặt với một cơn khát lịch sử...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)

Lại thêm một mùa hạn mặn, nhưng lần này còn khốc liệt và dai dẳng hơn những năm trước. Từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua 5 đợt xâm nhập mặn làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh.

Dự báo trong những tháng còn lại của mùa khô, lượng dòng chảy trên các sông vẫn rất nhỏ. Nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước có thể sẽ còn rất nghiêm trọng.

Vì thế, “chung sức” cùng người dân Vựa lúa số 1 Việt Nam vượt qua khó khăn như tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt góp phần giảm thiểu các tác động của tình trạng hạn hán, xâm nhâp mặn là việc làm cấp bách như phòng chống dịch COVID-19.

Xâm nhập mặn vẫn duy trì ở mức cao

Theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay xu thế xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long đã giảm dần, tuy nhiên do dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về vẫn không được cải thiện nên độ mặn còn ở mức cao, tình hình nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra.

Tính đến nay, đã có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau.

Thông tin thêm về tình hình xâm nhập mặn từ nay đến cuối mùa khô, phó giáo sư tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đợt xâm nhập mặn này dự kiến kéo dài từ nay đến khoảng ngày 15/4.

Giai đoạn này, các địa phương cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với cây trồng, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)

Sau khoảng thời gian trên, độ mặn có xu thế giảm dần; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020.

Tuy nhiên, dự báo dòng chảy trên sông Mekong về vùng Vựa lúa số 1 Việt Nam trong tháng Tư vẫn tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5-20%, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.

Do đó, “các địa phương cần đề phòng trường hợp cực đoan hạn hán, xâm xâm nhập mặn có thể kéo dài hơn,” cơ quan khí tượng dự báo.

Trên cơ sở dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long và dự báo triều, Văn phòng thường trực Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cũng nhận định xâm nhập mặn trong tháng Tư vẫn ở mức nghiêm trọng, mặc dù có giảm nhẹ hơn so với tháng Ba.

Theo đó, đường ranh mặn 4g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây dự kiến tiếp tục vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-28 km và sâu hơn từ 3-8km so với xâm nhập mặn tháng 4/2016.

Tương tự, ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trên các nhánh sông này dự kiến sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 29-41 km và từ 3-16km so với tháng 4/2016.

Cũng trên cơ sở đó, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong dự báo trong tháng Tư sẽ có khoảng 628.000ha canh tác lúa Hè Thu trong vùng ranh mặn 1g/l có thể không xuống giống được do thiếu nước ngọt.

Vì thế, người dân nên chuyển thời gian xuống giống lúa Hè Thu sang tháng Năm để hạn chế rủi ro.

Tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt

Để giải quyết bài toán trên, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đề xuất giải pháp trong ngắn hạn là cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án nhằm đối phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)

Cùng với đó là nghiên cứu một số giải pháp điều tiết, tích trữ nguồn nước vào mùa khô ở các khu vực thường xuyên hạn hán, thiếu nước.

Trong dài hạn, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước, chia sẻ nguồn nước; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo sớm hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường quản lý toàn diện về tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hóa và kinh tế hóa ngành tài nguyên nước; thực hiện định kỳ việc kiểm kê tài nguyên nước, kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước.

Ngoài ra, để đảm bảo sự chủ động, giảm thiểu các tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhâp mặn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết vấn đề hạn hán.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ chứa thủy điện phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc lập kế hoạch tích nước, xả nước các hồ chứa cho phù hợp, bảo đảm ưu tiên cho các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du theo quy định pháp luật hiện hành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, nhất là những hồ chứa thủy lợi nhỏ, để bảo đảm phù hợp với hiện trạng nguồn nước, khai thác, sử dụng ở hạ lưu và vấn đề an toàn, chống lũ, bảo đảm dòng chảy tối thiểu trong điều kiện biến đối khi hậu...

Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, các bản tin dự báo, cảnh báo và các văn bản chỉ đạo điều hành vận hành các hồ chứa trong quy trình vận hành liên hồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng kế hoạch khai thác, đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm hiệu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với đồng bằng sông Cửu Long nhằm chủ động trong điều tiết nguồn nước; thúc đẩy đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thủy điện lớn (kể cả ở dòng chính và dòng nhánh) cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy phù hợp.

Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết bài toán hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng Vựa lúa số 1 Việt Nam-nơi bao năm rồi người dân vẫn đau đáu và ngày càng quay quắt sống trong nỗi bất lực đợi nước về, chờ mưa xuống để đẩy mặn lùi xa!/.

Trong diễn biến liên quan, ngày 9/4, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã tổ chức lễ bàn giao công trình cung cấp nước sinh hoạt miễn phí (có khả năng cung cấp với lưu lượng 400 m3/ngày) tại xã huyện Vĩnh Lợi cho nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Theo kết quả điều tra, hiện nay, vùng Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu tồn tại 7 tầng chứa nước, phân bố ở các độ sâu khác nhau từ 50-400m. Nguồn nước lựa chọn để triển khai lắp đặt điểm cấp nước trên ở độ sâu từ 200m. Lưu lượng có khả năng khai thác của các giếng khoan hiện hữu đạt 1.160m3/ngày.

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Quảng Trị: Lão nông hiến đất ủng hộ phòng dịch COVID-19

PV |

Gia đình làm nông, đang nuôi 3 người con ăn học, nhưng ông Hà Khoa đã viết đơn xin hiến đất để bán, ủng hộ kinh phí cho việc phòng chống dịch COVID-19.

Không để người dân 'đói cơm, lạt muối'

Hạnh Quỳnh |

Làm nhanh gói hỗ trợ, không để người dân “đói cơm, lạt muối”- đốc thúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 khiến đồng bào cả nước thấy ấm lòng.

Tuyên truyền phòng, chống dịch ở vùng biên

Hoàng Hải Lâm |

Từ hơn hai tháng nay, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị căng mình phòng, chống dịch (PCD) COVID-19. Với phương châm “đâu có người là bọn mình đến, đâu có đường là bọn mình đi”, miệt mài tuyên truyền, vận động người dân chủ động PCD. 

Tăng tốc sản xuất trang thiết bị y tế, máy thở

Chí Kiên |

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.