Trong tuần qua, dư luận Lào bày tỏ quan ngại trước tình trạng tiền giả mệnh giá 50.000 kip liên tục bị phát hiện. Ngân hàng Trung ương Lào đã ra thông báo kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác và giới thiệu cách nhận biết tiền giả.
Nội dung thông báo số 45, ra ngày 17/02 của BOL cho biết “hiện có một số nhóm đối tượng sử dụng tiền giả mệnh giá 50.000 kip lưu thông trên thị trường”.“Tiền giả được in trên chất liệu giấy A4 thông thường” là kết luận của BOL, điều này cho thấy tội phạm chưa có mức độ tinh vi cao trong công nghệ làm giả tiền và chỉ có thể qua mặt người dân tại một số địa phương nông thôn, vùng xa.
Theo đó, tiền thật, tất cả các mệnh giá đồng kip đều được BOL in trên chất liệu cotton, các họa tiết và hình ảnh trên tiền đều để lại cảm giác về độ nổi khi tiếp xúc trực tiếp, trong khi tiền giả sẽ chỉ cho cảm giác trơn láng và chống chịu nước rất kém. Ngoài ra, khác biệt sẽ thể thiện rõ nhất khi đồng tiền được chiếu bằng tia cực tím khi các biểu tượng Thatluang, quốc huy Lào, chữ CHDCND Lào và mệnh giá tiền sẽ phát sáng, hình chủ tịch Kaysone cũng được in chìm dưới lớp giấy, điều mà tiền giả đều không có được.“Các đồng tiền giả mang mệnh giá 50.000 kip thường có số seri AW 4078060, AZ 6904475 và AZ 9832262”, theo BOL.
Theo bộ luật hình sự Lào số 12/QH ( sửa đổi bổ sung ngày 9/11/2005) điều số 63 đã nêu rõ : Các các nhân có hành vi sử dụng thiết bị in ấn hoặc cách thức nào đó để làm giả đồng tiền Lào, tiền nước ngoài hoặc đưa tiền giả từ nước ngoài vào lưu hành tại CHDCND Lào sẽ bị phạt tù từ 5 đến 15 năm và phạt tiền từ 10 triệu đến 150 triệu Kíp.
Trường hợp đối tượng có hành vi làm giả và sử dụng tiền số lượng lớn có thể sẽ phải chịu mức án 10 đến 20 năm tù giam và phạt tiền từ 20 triệu đến 300 triệu Kíp. Các hành vi cố gắng hoặc có mục đích sản xuất tiền giả mà chưa thực hiện được vẫn sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.Đối tượng biết là tiền giả nhưng vẫn cố ý sử dụng tiền giả sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy theo mức độ.
Việc sử dụng chất liệu tiền giấy như đồng Kíp rõ ràng sẽ đối mặt với nguy cơ làm giả cao, nếu các đối tượng sử dụng công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh đủ hiện đại và tinh vi sẽ đưa ra sản phẩm rất khó nhận biết và dễ dàng bị nhầm lẫn. Nhưng dù sao đi nữa tiền giả vẫn mãi mãi là “giả” chỉ cần mỗi chúng ta cảnh giác cao độ kể cả những lúc chi tiêu hay đến những cuộc giao dịch dân sự với số tiền lớn cần cẩn thận kiểm tra để tránh các rủi ro không đáng có.
(Nguồn: Tạp chí Việt Lào)