Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan thương chuẩn bị được Lào đăng cai hôm 20/2 tới tại thành phố Vientiane do Lào và Trung Quốc đồng chủ trì. Tham dự hội nghị là lãnh đạo ngoại giao các quốc gia nằm trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan thương (Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam).
Cơ chế hợp tác Mekong-Lan thương (MLC) được hình thành năm 2016 dựa trên 3 trụ cột hợp tác chính về an ninh-chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội với các lĩnh vực ưu tiên chính bao gồm quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và giảm nghèo, hội nhập và kết nối, hợp tác xuyên biên giới và cải thiện năng lực sản xuất.
Thông cáo báo chí mới đây từ Bộ Ngoại giao Lào cho biết nội dung hội nghị lần này, các bên sẽ cùng xem xét tiến độ thực hiện các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh MLC lần thứ 2, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ 4, chiến lược hợp tác MLC 2018-2022, để định hướng lộ trình hợp tác trong thập kỷ tới. Ngoài ra, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao MLC cũng sẽ thảo luận công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Lan thương lần thứ 3 sẽ diễn ra tháng tới cũng do Lào đăng cai.
Về cơ chế hợp tác MLC, Tân hoa xã cũng dẫn phát biểu của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam và lớn thứ 2 của Lào trong năm 2017 khi tổng giá trị thương mại chung của Trung Quốc và các nước này ở thời điểm đó đạt 220 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016. Tổng đầu tư của Trung Quốc tại 5 nước này cũng vượt mức 42 tỷ USD, tăng trưởng 20%. Cũng theo Asean Post, MLC đã cung cấp tài chính cho ít nhất 132 dự án tại tiểu vùng Mekong cho đến năm 2018.
(Nguồn: Vientiane Times)