Sau liên tiếp những đợt mưa lũ xảy ra trong năm 2020, nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gặp khó khăn trong việc khôi phục hoạt động sản xuất. Trước tình hình này, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Hướng Hóa đã nhanh chóng khảo sát, nắm bắt nhu cầu và kịp thời triển khai gói vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tái sản xuất sau thiên tai.
Thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở huyện Hướng Hóa. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nặng, nhiều diện tích lúa nước bị vùi lấp, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi. Để giúp Nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống, Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác; các tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chị Hồ Thị Kiên ở thôn Nguồn Rào - Pin, xã Hướng Sơn có 2 sào lúa nước sắp cho thu hoạch, nhưng chỉ sau một đêm, cơn lũ đi qua không chỉ cuốn đi mọi công sức của cả gia đình mà toàn bộ diện tích ruộng cũng bị vùi lấp dưới bùn đất.
Cùng với đó, ngôi nhà chị đang ở bị hư hại nghiêm trọng. Sau thiên tai, gia đình chị Kiên được hỗ trợ vay 25 triệu đồng khắc phục hậu quả. Với số tiền này, chị Kiên đã sớm mua lại bò, dê để tái đàn, cùng với đó là khắc phục những diện tích lúa nước bị vùi lấp. “Mưa lũ đã khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhờ cán bộ Ngân hàng CSXH đến tìm hiểu rồi hỗ trợ vốn kịp thời nên tôi có điều kiện tái tổ chức sản xuất. Tôi rất phấn khởi vì sớm ổn định được cuộc sống”, chị Kiên nói.
Cách nhà chị Hồ Thị Kiên không xa, gia đình chị Hồ Thị Muôn cũng gặp nhiều khó khăn do thiên tai. Ngoài diện tích lúa nước bị vùi lấp, mưa lũ cũng khiến ao cá của gia đình chị bị cuốn trôi, đàn gà hàng chục con bị bệnh chết, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ngay sau đó, chị nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để tái sản xuất. Với 40 triệu đồng vốn vay, chị Muôn nhanh chóng mua bò, gà, dê để gây dựng lại kinh tế. Chị Muôn chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn này mà gia đình tôi đã ổn định được cuộc sống trước mắt. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ đúng thời gian quy định”.
Huyện Hướng Hóa hiện có 9.980 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ các gia đình chính sách khác được vay vốn để phát triển kinh tế. Đây là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước những biến cố của thiên tai. Trong các đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có 1.500 đối tượng vay vốn sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng CSXH bị ảnh hưởng. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân sau các đợt mưa lũ, Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ vay. Từ đó, thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã tiến hành gia hạn nợ rủi ro cho 1.331 khách hàng, giải ngân cho hơn 800 hộ bị thiệt hại sau mưa lũ vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 27.600 triệu đồng.
Đề cập về các giải pháp để nguồn vốn vay ưu đãi phục hồi sản xuất sau mưa lũ đến tận tay người dân bị ảnh hưởng và phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa cho biết: “Đơn vị đã tích cực đồng hành, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện để bình xét, giải quyết các thủ tục cho vay theo quy định. Nguồn vốn vay đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng.
Hiện nay, chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp như phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện rà soát các đối tượng đang vay và đối tượng chưa vay vốn của Ngân hàng CSXH để giúp đỡ họ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tái sản xuất kịp thời. Đối với những trường hợp bị thiệt hại nặng thì áp dụng những chính sách, phương án khoanh nợ, giãn nợ theo quy định. Phối hợp với các ngành để hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con, đồng thời nắm bắt sâu sát tình hình đầu tư sản xuất, kinh doanh của khách hàng để đảm bảo cho vay đúng đối tượng và sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.”
Có thể thấy, việc kịp thời rà soát, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người dân để đề xuất khoanh nợ, giảm, giãn nợ, đồng thời tích cực triển khai cho vay mới giúp người dân tái sản xuất là việc làm thiết thực và hiệu quả của Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa. Qua đó, góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống sau thiên tai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)