Duy trì hiệu quả việc điều trị bệnh trong mùa dịch

Trúc Phương |

Sau tết Nguyên đán, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị tăng lên một cách đột biến. Tỉ lệ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng học sinh, giáo viên, cán bộ y tế tương đối cao. Trước tình hình đó, tuy gặp nhiều khó khăn, song Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn duy trì tốt việc khám, điều trị các bệnh nhân nguy kịch trong mùa dịch bệnh.


Nỗ lực duy trì tốt việc khám, điều trị bệnh

Tính đến sáng 8/3/2022, toàn tỉnh ghi nhận trên 23.700 ca dương tính với SAR-CoV-2. Vốn là nơi luôn tập trung đông người, bao gồm lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà nên dù đã thực hiện test nhanh, khám sàng lọc ngay từ cổng ra vào thì kể từ sau tết Nguyên đán đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn liên tục ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 ngay trong môi trường bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ CK II Trần Quốc Tuấn cho biết: “Trước tình hình số ca bệnh tăng đột biến trong cộng đồng như hiện nay, việc bệnh nhân hay cán bộ y tế trở thành F0 là điều không thể tránh khỏi. Điều này khiến nhân lực của bệnh viện vốn không đủ nay lại càng bị thiếu hụt trầm trọng, từ đó gây ra nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, bệnh viện vẫn duy trì khám, chữa bệnh cho bệnh nhân theo đúng quy trình. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ phía y, bác sĩ của bệnh viện”.

Mẹ con chị Đ.T.T.N. khỏe mạnh khi sinh tại bệnh viện - Ảnh: T.P
Mẹ con chị Đ.T.T.N. khỏe mạnh khi sinh tại bệnh viện - Ảnh: T.P

Được biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trên 18.300 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú, 3.596 bệnh nhân điều trị nội trú, 4.040 bệnh nhân cấp cứu, trong đó có 39 bệnh nhân đột quỵ, 510 bệnh nhân bị tai nạn. Để phục vụ công tác khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả cho Nhân dân, bệnh viện đã phân chia đội ngũ nhân viên y tế vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan dịch bệnh. Đồng thời, tập trung nhân lực duy trì, thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh cấp cứu.

Nhờ vậy, thời gian qua, tuy bị ảnh hưởng không nhỏ bởi COVID-19, song những bệnh nhân đến khám hay nhập viện trong tình trạng nguy kịch đã được chữa khỏi bệnh và rất nhiều em bé đã chào đời khỏe mạnh ngay trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày đầu năm 2022 không đông bệnh nhân như trước đây. Thế nhưng để đảm bảo an toàn cho các sản phụ, đặc biệt là trong thời điểm COVID-19 lây lan nhanh, lực lượng y, bác sĩ tại đây thực hiện đầy đủ các quy trình về chuyên môn cũng như trang phục bảo hộ phòng, chống COVID-19. Giống như nhiều người, sản phụ Đ.T.T.N. (sinh năm 1991), hiện đang sống tại TP. Đông Hà từng rất băn khoăn về việc có nên sinh con tại bệnh viện bởi chị lo rằng mình và con dễ bị nhiễm COVID-19. Thế nhưng sau khi được tư vấn tận tình, chị và gia đình đã phần nào yên tâm hơn.

Vui mừng ôm con nhỏ vừa chào đời của mình, chị N. không giấu được sự xúc động: “Thật may mắn vì hiện tại, mẹ con tôi đều khỏe mạnh, bình an. Tất cả đều nhờ có sự hỗ trợ tích cực của các y, bác sĩ bệnh viện. Xin cảm ơn tất cả mọi người”.

Khi bác sĩ F0 điều trị cho bệnh nhân F0

Dịch bệnh phức tạp, số ca F0 trong đội ngũ y, bác sĩ cũng vì thế tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hạn chế tiếp nhận bệnh nhân điều trị ngoại, nội trú, bệnh nhân cấp cứu... mà tất cả các hoạt động khám, chữa bệnh đều phải được duy trì. Thời gian qua, bệnh viện đã có nhiều ca bệnh nhân là F0 nguy kịch được chính các y, bác sĩ đang là F0 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh can thiệp, cứu sống.

Như trường hợp của bệnh nhân T.T.K. (sinh năm 1945) là một ví dụ. Trước đó, bà K. được phát hiện dương tính với COVID-19 và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải đến ngày thứ 2 thì đột ngột có dấu hiệu tức ngực, khó thở. Tại đây, sau khi đo điện tâm đồ và hội chẩn online, các bác sĩ chẩn đoán bà K. bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên KILLIP III/tăng huyết áp - đái tháo đường type 2 nên chuyển thẳng vào đơn nguyên can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực nhiều, khó thở, sốc tim phải dùng vận mạch. Chụp mạch vành cho kết quả tắc động mạch liên thất trước/hẹp nặng 2 nhánh còn lại.

Sau khi được các bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp thành công nhánh động mạch liên thất trước, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, được chuyển xuống lại khu điều trị COVID-19 và xuất viện sau 2 ngày. Được biết, quá trình can thiệp cứu sống bệnh nhân K., khoa Tim mạch huy động 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Trong đó, có Phó Trưởng khoa Tim mạch, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Trương Văn Khánh Nguyên, hiện đang là F0. Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có tổng cộng 38 cán bộ y tế, nhưng hơn 1 tuần trở lại đây, một nửa bác sĩ của khoa đã dương tính với SAR-CoV-2. Là F0, tuy phải cách ly, điều trị bệnh tại nhà nhưng mỗi khi có bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Nguyên cùng các bác sĩ lại sẵn sàng đến hỗ trợ, can thiệp ngay.

Thời gian qua, không chỉ bệnh nhân K. mà các bệnh nhân mắc COVID-19 khác cũng đã can thiệp tái thông động mạch vành kịp thời. Bác sĩ Nguyên cho hay: “Với các bác sĩ F0 như chúng tôi, việc can thiệp, điều trị cho bệnh nhân F0 trở nên đơn giản hơn vì không phải lo lắng bị lây nhiễm dịch bệnh từ bệnh nhân. Thế nên bác sĩ trong khoa ai cũng tình nguyện ở lại hỗ trợ nhau điều trị cho bệnh nhân, mục đích cuối cùng là cứu sống họ”.

Thời gian tới, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh viện sẽ tiếp tục chia lực lượng thành nhiều nhóm nhỏ để điều trị cho bệnh nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình khám, chữa bệnh. Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ CK II Trần Quốc Tuấn cũng khuyến cáo người dân không nên có tâm lý hoang mang, lo sợ nhiễm bệnh mà chậm trễ trong việc khám, chữa bệnh, làm mất cơ hội vàng để chữa trị và gây ra hậu quả khó lường cho sức khỏe của chính mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Phương Minh |

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 170/ CĐ-TTg gửi người đứng đầu các cơ quan trung ương và địa phương về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống COVID-19.

Tận tụy phòng, chống dịch bệnh ở vùng biên

Trúc Phương |

Gần 3 năm qua, trước những ảnh hưởng phức tạp của COVID-19, lực lượng y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã không ngừng cố gắng để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Sự nỗ lực của các y, bác sĩ nơi đây đã phần nào “chia lửa”, giúp tuyến trên giảm bớt áp lực trong "cuộc chiến" chống dịch đầy cam go.

Năng động chuyển đổi nghề hiệu quả giữa dịch bệnh

Nam Phương |

Đại dịch COVID - 19 xảy ra khiến công việc gặp khó khăn nhưng rất nhanh chóng, anh Lê Văn Quý (sinh năm 1998), ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã linh hoạt, năng động chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Từ một thợ đóng thuyền, anh Quý chuyển qua bán hàng online. Nhờ kinh doanh đúng hướng, anh đã phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Xây dựng phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh ở thành phố Đông Hà lây lan trên diện rộng

Q.H |

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam tại cuộc họp với UBND thành phố Đông Hà và các sở, ngành, đơn vị liên quan để bàn giải pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn thành phố vào sáng 27/12.