Giúp nông dân vươn lên khá giả từ Quỹ hỗ trợ nông dân

Anh Vũ |

Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng giúp nông dân phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi. Nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị), nhất là nông dân nghèo đã được tiếp sức rất nhiều từ nguồn quỹ hỗ trợ này. Từ nguồn vốn này mà nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm và đặc biệt giúp nông dân nghèo vươn lên khá giả, làm giàu.

Anh Nguyễn Minh Phú, ở thôn Mỹ Xuân, xã Thanh An, huyện Cam Lộ là một nông dân còn rất trẻ. Gia đình anh có lợi thế về đất đai nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cũng như thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Trước đây, anh đã thử nghiệm mô hình chăn nuôi lợn rừng, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại không cao. Cách đây 3 năm, khi được Hội Nông dân huyện cho vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, anh đầu tư thêm chuồng trại, con giống để nuôi với quy mô lớn hơn nên thu nhập mỗi năm một tăng.

Anh Phú cho biết: “Chăn nuôi lợn rừng có nhiều ưu điểm đó là ít bị bệnh, giá bán cao, đầu ra dễ dàng; chi phí thức ăn ít, chủ yếu là các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp; chuồng trại đơn giản vì lợn sống chủ yếu theo bản năng tự nhiên nên không cần phải xây dựng kiên cố, chủ yếu hàng rào bao quanh bằng thép B40 chắc chắn là được.” Hiện tại, giá lợn rừng giống được anh bán 250.000 đồng/kg, lợn thịt 150.000 đồng/kg. Với mô hình này, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm anh có nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Phát triển chăn nuôi lợn rừng hiệu quả cao từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân ở xã Thanh An, Cam Lộ -Ảnh: A.V
Phát triển chăn nuôi lợn rừng hiệu quả cao từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân ở xã Thanh An, Cam Lộ -Ảnh: A.V

Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Cam Lộ ra đời cách đây 10 năm. Để phát triển nguồn vốn, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp từ trung ương đến địa phương, Hội Nông dân các cấp trong toàn huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, huy động từ các chương trình, dự án để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện được gần 3 tỉ đồng.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện Cam Lộ, Quỹ hỗ trợ nông dân đã xây dựng các dự án nhằm bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; ưu tiên các dự án đầu tư các giống cây, con mới, các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương có năng suất cao, ổn định vào sản xuất như: Mô hình chăn nuôi lợn liên kết, ứng dụng công nghệ mới tại Hội Nông dân xã Thanh An; nuôi lợn rừng tại Hội Nông dân xã Cam Thành, Thanh An; nuôi thỏ, bồ câu Pháp tại Hội Nông dân xã Cam Thủy, thị trấn Cam Lộ; chăn nuôi tổng hợp tại Hội Nông dân Cam Nghĩa; các mô hình kết hợp cá - lúa; trồng cỏ nuôi bò; cải tại vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả ở Cam Hiếu; trồng tiêu ở Cam Nghĩa, Cam Chính; dự án chuyển đổi ngành nghề phát triển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ...

Trong 10 năm qua, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã xây dựng 136 lượt dự án vay vốn cấp huyện cho 144 lượt hộ vay vốn, dự nợ quay vòng trên 2 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 140 lao động nông thôn ở các lĩnh vực; 14 lượt dự án từ nguồn vốn cấp trung ương, cấp tỉnh được giải ngân theo nhóm hộ, tổ hợp tác cho 59 lượt hộ vay. Qua khảo sát đánh giá, 100% dự án cho vay đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, không có tình trạng nợ gốc, nợ phí và xâm tiêu chiếm dụng vốn, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An Lý Văn Túc cho biết: “Hội Nông dân xã Thanh An có 7 hộ gia đình được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 160 triệu đồng. Đa số các hộ được vay vốn đã đầu tư phát triển mô hình kinh tế hiệu quả cao, trong đó phải kể đến là mô hình chăn nuôi lợn rừng, mô hình lúa - cá, mô hình trồng cây ăn quả. Từ nguồn vốn này mà nhiều hộ đã vươn lên làm ăn khá giả”.

Thời gian qua, các nguồn vốn qua kênh hội luôn được bảo toàn và tăng trưởng qua hằng năm, đã giúp hàng trăm lượt hộ hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nhiều hộ vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết phát triển kinh tế của cấp ủy, các đề án của UBND các cấp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua của huyện Cam Lộ. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng lên hằng năm, từ 1.675 hộ năm 2011 đến nay tăng lên 2.477 hộ.

“Hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân và các dịch vụ ủy thác hỗ trợ vốn qua các ngân hàng của Hội Nông dân trong toàn huyện tiếp tục duy trì và có bước phát triển mới. Mô hình tổ chức Quỹ hỗ trợ nông dân 3 cấp theo đề án của Trung ương hội đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý nguồn vốn cũng như cho vay tại các cơ sở hội. Công tác quản lý, điều hành hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân của Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân từng bước đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư, lồng ghép được các nhiệm vụ, chương trình công tác và các phong trào thi đua của hội”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát triển chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi khép kín

Lê Trường |

Mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Nuôi vịt trên sàn lưới, bước đi “đột phá” trong ngành chăn nuôi tại miền núi

Trường Sơn |

Thay vì chăn nuôi vịt truyền thống bằng cách chăn thả trên đồng ruộng, ao hồ thì nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã áp dụng hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh.

Hiệu quả từ chăn nuôi vịt trên sàn lưới tại Hướng Hóa

Bích Liên |

Những năm gần đây, bên cạnh cách nuôi vịt truyền thống như chăn thả trên đồng hay ao hồ, hiện nay nhiều nông dân ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảg Trị) mạnh dạn áp dụng những hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Cách làm mới này đã và đang phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh vừa tăng năng suất cho các hộ nông dân tại đây. 

Thành công từ những mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp

Kô Kăn Sương |

Sau khi nhiều chính sách ưu đãi bị cắt giảm, người dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chủ động tìm hướng làm ăn mới phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, có những hộ dân biết cách khai thác điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp.