“Góc bếp yêu thương” giữa mùa dịch

Tây Long - Nguyễn Phương |

Mỗi khi biết nhiều người cần giúp đỡ, “Góc bếp yêu thương” của Chi hội Phụ nữ ở Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) lại đỏ lửa. Bữa cơm chị em dày công nấu nướng đã làm ấm lòng những người gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Suốt mấy ngày nay, hầu như sáng nào chị Hồ Thị Huệ, Chi hội trưởng phụ nữ Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà cũng tất bật mang đứa cháu 2 tuổi đi gửi để có mặt tại “Góc bếp yêu thương”. Cả con gái lẫn con rể của chị Huệ đều không thể trở về quê vì tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên một mình chị Huệ phải lo cho cháu từng bữa ăn, giấc ngủ.

Biết cảnh khó của chị Huệ, các hội viên đều khuyên chi hội trưởng ở nhà lo cho cháu nhỏ. Thế nhưng, vốn là người có trách nhiệm, chị Huệ không thể đứng ngoài cuộc. Để tròn cả việc hội lẫn việc nhà, chị phải chạy qua, chạy lại như thoi đưa. “Trong mùa dịch, mỗi người đều có một cái khó. Mình phải cố thu xếp việc riêng để góp sức cho việc chung”, chị Huệ nói.

Chị em Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà tham gia nấu ăn ở “Góc bếp yêu thương” - Ảnh: T.L
Chị em Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà tham gia nấu ăn ở “Góc bếp yêu thương” - Ảnh: T.L

Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định cách ly y tế một số khu vực thuộc Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà sau khi ghi nhận có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tối cùng ngày, chị Hồ Thị Huệ và hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 cùng nhau nấu cháo mang đến cho những người làm nhiệm vụ ở khu vực cách ly y tế.

Qua chuyện trò, các chị biết, lực lượng làm nhiệm vụ ở đây đang loay hoay tìm địa chỉ để đặt mua cơm trưa và tối hàng ngày. Thế là, sau khi trở về, không quá 10 phút bàn tính, chị Huệ cùng hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 thống nhất sẽ một lần nữa nhen lên ngọn lửa trong “Góc bếp yêu thương”.

Nói “một lần nữa” bởi “Góc bếp yêu thương” đã đỏ lửa từ cuối năm 2020. Trong thời điểm mưa lớn, bão lũ hoành hành trên địa bàn tỉnh, cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 đã chung lòng, chung sức xây dựng “Góc bếp yêu thương” để giúp đỡ người dân. Góc bếp được đặt tại quán cháo cá của chị Hoàng Thị Luyến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Khu phố 6. Từ “Góc bếp yêu thương”, hơn 2.000 suất cơm đã đến với người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở thành phố Đông Hà và các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh…

Lần này, để đỏ lửa “Góc bếp yêu thương”, chị Hoàng Thị Luyến lại chấp nhận… thiệt thòi. Chị Luyến chia sẻ: “Quán cháo là nguồn thu chính của gia đình tôi. Giờ dịch giã, khách có ít xuống nhưng tôi vẫn bán đều. Để giúp đỡ những người làm công tác phòng, chống dịch, tôi nghỉ bán buổi trưa, buổi tối để nhường bếp cho chị em. Tôi nghĩ, chống dịch là việc chung. Tôi không có nhiều tiền bạc nên góp công, góp bếp”.

Cũng như lần trước, cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 xác định, phải nỗ lực để những bữa cơm từ “Góc bếp yêu thương” chỉ có giá 0 đồng với người ăn. Để đạt mục tiêu ấy, chị em tham gia góc bếp phải trích lương hưu hoặc những đồng tiền buôn bán nhỏ lẻ của mình. Thấy chưa đủ, các chị cậy nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Điều chị em rất vui mừng là ý tưởng của cán bộ, hội viên đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao. Nhiều cá nhân, tổ chức đã góp tiền, lương thực, thực phẩm để “Góc bếp yêu thương” đỏ lửa. Đó cũng chính là động lực to lớn để cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 cố gắng nhiều hơn.

Từng nấu hơn 2.000 suất cơm giúp đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên chuyện phục vụ vài chục suất cơm mỗi ngày trong đợt này là không khó đối với cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6. Tuy vậy, các chị vẫn phải ngồi lại để lên kế hoạch, phân chia công việc rõ ràng. Mỗi ngày, sẽ có 5 cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 và 2 chị em ở chi hội khác trong phường tham gia hỗ trợ.

Chị em cắt cử nhau đi chợ, sửa soạn, chế biến, đóng hộp, đem cơm đến cho lực lượng làm nhiệm vụ… một cách cụ thể, khoa học. Để các suất cơm đạt chất lượng, các chị phải chọn lựa những thực phẩm tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên thay đổi món; lắng nghe ý kiến của người thưởng thức…

Chị Thái Thị Việt, một thành viên nhiệt tình của “Góc bếp yêu thương vui vẻ kể: “Chị em tôi tình nguyện nấu ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn cách ly y tế đúng vào những ngày nắng đỉnh điểm. Trên đầu là mái tôn, phía dưới là bếp lửa nên nấu nướng xong, gương mặt ai nấy cũng đỏ bừng vì nóng”.

Sau nhiều nỗ lực, cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà rất vui mừng khi những bữa cơm ấm lành đã đến đúng người đang cần. Nhận được món quà ý nghĩa từ chị em, lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực cách ly y tế đều xúc động. Phần cơm vốn đảm bảo cả chất lẫn lượng dường như ngon hơn bởi đậm nghĩa tình.

Không chỉ phục vụ lực lượng làm nhiệm vụ, cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 còn hỗ trợ suất cơm miễn phí cho một số gia đình gặp khó khăn trong khu vực cách ly y tế. Nhờ thế, không ai bị đứt bữa do ảnh hưởng của COVID-19.

Chiều tối, sau khi đưa những suất cơm đến khu vực cách ly y tế trên địa bàn, cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà lại tiếp tục ngồi với nhau bàn tính công việc ngày mai. Lúc mọi người đã ấm lòng sau bữa cơm từ “Góc bếp yêu thương”, chị em mới trở về với góc bếp gia đình.

Các chị đã nhận phần vất vả, lo toan về mình để đóng góp cho cộng đồng theo một cách rất riêng biệt.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

"Vua đầu bếp" Phạm Tuấn Hải trổ tài với thực đơn từ cá trắm sông Son

Ngọc Hải |

Trong chiến dịch tạo hiệu ứng quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình “Góc nhìn mới, trải nghiệm mới” do CLB du lịch Quảng Bình khởi xướng, MasterChef Phạm Tuấn Hải vừa trổ tài với thực đơn 7 món ăn từ cá trắm sông Son ở Phong Nha-Kẻ Bàng.

Bếp và bình đẳng giới

Hà Phạm |

Tôi không công nhận những từ như Hy Sinh trong việc làm bếp. Vì hy sinh gì chứ, khi mình yêu thương và chăm sóc gia đình mình.

Mùa trôi trong bếp

Phạm Thị |

Mùa thời gian mang những cái tên khác, gợi nhớ tha thiết khi món ăn được cảm nhận bằng ký ức, hoài niệm tưởng như không đáng kể mà hóa lắng sâu.

Bếp Tết ngày còn có mẹ

Diệu Thông |

Sau rằm tháng Chạp, trời bao giờ cũng chuyển nắng ấm. Dưới màu nắng hanh vàng, không khí hơi khô và se lạnh, những người đàn ông trong gia đình sẽ tập trung lo việc chạp mồ, chạp mả, việc cúng kiếng ở nhà thờ họ, đình làng. Những người phụ nữ thì như con thoi, tấp cập đi chợ về chợ, thu vén cả thế giới vào căn bếp nhỏ luôn đỏ lửa lập lòe. Mùi bánh trái bắt đầu tỏa lên thơm tho và sực nức, đánh dấu sự quấn quýt của những ngày tháng đoàn viên.